Đồng Đô la tăng giá tác động thế nào tới nước Mỹ và kinh tế toàn cầu?
Quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuần trước về việc giữ lãi suất ở mức cao đã hỗ trợ đồng Đô la trên thị trường ngoại hối. Ảnh: Reuters
Đô la Mỹ đạt đỉnh khi thị trường chấp nhận cơ chế lãi suất mới

Đồng Đô la vẫn chứng tỏ vai trò là trụ cột của nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù giảm so với mức đỉnh tháng 10 năm ngoái, nhưng đồng Đô la vẫn cao hơn 40% so với năm 2011. So với đồng Yên Nhật và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng Đô la đã đủ mạnh để dẫn đến cuộc thảo luận về sự can thiệp tiền tệ của các chính phủ ở châu Á nhằm giảm chênh lệch tỷ giá hối đoái.

FED và đồng Đô la

“Cao hơn trong thời gian dài hơn” là bản tóm tắt của Phố Wall về chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Dự báo của FED công bố ngày 20/9 cho thấy, để giảm lạm phát xuống mục tiêu 2%, FED có thể cần phải nâng lãi suất quỹ liên bang lên 5,625%, từ mức hiện tại là 5,25 đến 5,5% vào cuối năm nay để giữ lãi suất trên 5% vào năm 2024.

Mặc dù giảm so với mức đỉnh tháng 10 năm ngoái, nhưng đồng Đô la vẫn cao hơn 40% so với năm 2011.

Trong cuộc họp báo sau cuộc họp tháng 9 vào tuần trước, Chủ tịch FED Jerome H. Powell nói rằng, FED sẽ vẫn “phụ thuộc vào dữ liệu” khi đưa ra quyết định, nhưng cho đến khi lạm phát giảm, họ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết. Ông nói: “Nếu nền kinh tế phát triển mạnh hơn dự kiến, điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phải làm nhiều hơn về mặt chính sách tiền tệ để quay trở lại mức 2%”.

Cao hơn trong thời gian dài hơn cũng có thể áp dụng cho đồng Đô la. Bởi vì lãi suất của Mỹ cao hơn đáng kể so với hầu hết các nước lớn và nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, chứng khoán Mỹ đã hút tiền, từ đó củng cố giá trị của đồng Đô la.

Theo nhiều cách, FED là “chủ ngân hàng trung ương của thế giới”, Kathy Jones - chiến lược gia trưởng về thu nhập cố định tại Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Schwab cho biết, trong một cuộc phỏng vấn. Các quyết định của FED diễn ra khắp các thị trường ngoại hối, ảnh hưởng đến nền kinh tế của rất nhiều quốc gia.

Tác động từ các cơn gió ngược

Đối với người tiêu dùng Mỹ, đồng Đô la có giá trị cao làm giảm lạm phát, cho phép mua hàng nhập khẩu với giá thấp hơn. Đối với những du khách khôn ngoan, điều đó có nghĩa là những bữa ăn và phòng khách sạn rẻ hơn và tốt hơn ở những quốc gia có đồng tiền sụt giá so với đồng Đô la.

Đối với các doanh nghiệp đa quốc gia của Mỹ, đồng Đô la được định giá cao là có cả may mắn lẫn khó khăn, với một số bộ phận công ty được hưởng lợi và những bộ phận khác bị tổn hại.

Rất nhiều giám đốc điều hành doanh nghiệp Mỹ đã than phiền về điều mà họ gọi là "cơn gió ngược" về doanh thu do sức mạnh của đồng Đô la gây ra, làm giảm lợi nhuận nước ngoài khi chuyển đổi sang tiền Mỹ và có thể dẫn đến giá sản phẩm của họ ở nước ngoài cao hơn. Đây là chủ đề chính trong các cuộc họp báo thu nhập doanh nghiệp với các nhà phân tích Phố Wall vào năm 2022 và đầu năm nay.

Nhưng, nhiều công ty đã học cách phòng ngừa trước sức mạnh của đồng Đô la, điều mà vào năm 2023 không còn là một cơn gió thuận lợi rõ ràng và mạnh mẽ cho các công ty Mỹ tập trung vào thị trường nội địa và gây bất lợi cho các doanh nghiệp tập trung vào quốc tế như năm ngoái.

Đồng Đô la tăng giá tác động thế nào tới nước Mỹ và kinh tế toàn cầu?
Đối với người tiêu dùng Mỹ, đồng Đô la có giá trị cao làm giảm lạm phát, cho phép mua hàng nhập khẩu với giá thấp hơn.

Gợn sóng toàn cầu

Dầu và đồng Đô la có mối quan hệ chặt chẽ và gây tranh cãi. Trong các cú sốc dầu mỏ những năm 1970, giá cả tăng vọt và những khoản tiền khổng lồ chảy từ các quốc gia tiêu thụ dầu như Mỹ sang các nhà sản xuất dầu như Ả Rập Saudi quay trở lại Mỹ dưới dạng đầu tư. Có ý kiến lo ngại, dòng chảy của những “đô la dầu mỏ” này có thể phá hủy hệ thống tài chính toàn cầu.

Điều đó đã không hoàn toàn xảy ra, nhưng trong nhiều năm, giá dầu cao hơn đã góp phần gây ra lạm phát cao và sản lượng kinh tế chậm lại - lạm phát đình trệ - ở Mỹ. Dòng chảy của đô la dầu mỏ đã nâng cao vị thế quốc tế của đồng Đô la trong khi làm giảm giá trị của nó trên thị trường ngoại hối. Trong nhiều thập kỷ, khi giá dầu tăng thì đồng Đô la có xu hướng giảm giá.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận thấy các quốc gia thuộc thị trường mới nổi có thu nhập thấp là những nhà nhập khẩu hàng hóa đặc biệt dễ bị tổn thương. Nếu nước Mỹ có được vị thế cao trên thị trường toàn cầu nhờ sức mạnh của đồng Đô la và trái phiếu kho bạc Mỹ, thì một loạt quốc gia sẽ gặp căng thẳng khi đồng Đô la tăng vọt. Các quốc gia như Ghana, Sri Lanka, Ai Cập và Pakistan đã gặp khó khăn trong việc quản lý nợ của mình.

Luôn có những ngoại lệ cho những xu hướng này. Đồng Peso của Mexico, đồng Peso của Colombia và đồng Real của Brazil đều tăng giá mạnh so với đồng Đô la trong năm nay - phần nào bù đắp cho sự sụt giảm trước đó.

Nhưng trong một sự thay đổi lớn xảy ra gần như vào thời điểm bắt đầu cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vào đầu năm 2022, giá dầu và đồng Đô la đã biến động song song. Đó là một phát hiện quan trọng trong một nghiên cứu hồi tháng 4 của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế - ngân hàng dành cho các ngân hàng trung ương.

Nếu sự thay đổi trong mối quan hệ này được giữ vững thì đợt tăng giá năng lượng mới nhất sẽ không gây tổn hại cho đồng Đô la, mà thậm chí có thể giúp ích cho đồng tiền này.

Việc đưa ra các lý do không phải là điều dễ dàng. Một phần có thể là do năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch không còn quan trọng đối với nền kinh tế so với 50 năm trước, ngay cả khi giá xăng tăng gây khó khăn cho người tiêu dùng và gây khó chịu trong cuộc chiến kiềm chế lạm phát của FED.

Tuy nhiên, có thể lý do chủ yếu là nhờ sản lượng dầu và khí đốt tự nhiên tăng lên tại các mỏ đá phiến, kể từ năm 2019, Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu ròng năng lượng. Nếu có thì doanh thu từ năng lượng đang thúc đẩy đồng Đô la chứ không làm giảm giá trị của nó.

Đối với các quốc gia là nhà nhập khẩu ròng năng lượng, đây là một vấn đề. Dầu thường được định giá bằng Đô la và việc chuyển đổi hầu hết các loại tiền tệ sang Đô la rất tốn kém.

Với các nhà đầu tư Mỹ, bỏ qua những vấn đề này và chỉ tập trung vào chứng khoán Mỹ là một chiến lược thành công trong những thập kỷ gần đây. Nhưng thật hợp lý khi cho rằng cổ phiếu và trái phiếu quốc tế sẽ hoạt động tốt hơn chứng khoán Mỹ vào một thời điểm nào đó và giá trị của đồng Đô la sẽ dao động. Đa dạng hóa quốc tế rộng rãi thông qua các quỹ chỉ số trái phiếu và chứng khoán toàn cầu là một cách tiếp cận thận trọng.

Nhưng, vẫn không nên đặt cược lớn vào đồng Đô la. Kathy Jones - chuyên gia của Schwab nói: “Tôi không thấy loại tiền tệ nào có thể thay thế nó và nó đã giữ giá trị trong một thời gian rất dài”. Việc duy trì vị thế đặc biệt của đồng Đô la, chủ yếu vẫn là vì lợi ích của chính phủ Mỹ.