LTN

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp của UBTVQH.

Đây là câu hỏi được nêu ra trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về kết quả thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trong năm 2015.

Nhiều dự án dùng vốn NSNN lãng phí, kém hiệu quả

Đánh giá về báo cáo Kết quả THTK, CLP năm 2015 của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách (UBTCNS) cơ bản nhất trí với Chính phủ và cho rằng, báo cáo đã phản ánh khá đầy đủ, toàn diện các nội dung theo quy định của Luật. Công tác quản lý, sử dụng vốn, kinh phí và tài sản nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực; từng bước khắc phục những yếu kém trong quản lý đầu tư xây dựng, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công; khắc phục có hiệu quả hơn tình trạng lãng phí trong sử dụng đất đai và tài nguyên thiên nhiên…

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, UBTCNS nêu rõ, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh không chỉ gây kém hiệu quả mà còn là gánh nặng của chi ngân sách nhà nước (NSNN). Tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi NSNN lớn (67,7%). Chất lượng và hiệu quả thực hiện một số chương trình mục tiêu quốc gia chưa cao.

Đặc biệt, lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) vẫn còn nhiều và chậm được khắc phục. Việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư công ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng phê duyệt nhiều dự án vượt quá khả năng cân đối vốn hoặc chưa thực sự cần thiết và cấp bách; bố trí vốn dàn trải, manh mún, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án, gây lãng phí thời gian, vốn đầu tư; nợ đọng XDCB chưa được xử lý triệt để.

Chất lượng công tác quy hoạch, quản lý dự án đầu tư vẫn còn bất cập, một số dự án đầu tư, nhất là dự án sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao, không trả được nợ, làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ.

Một số công trình đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng hiệu quả còn thấp hoặc không thể đưa vào sử dụng. Tình trạng sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư XDCB từ NSNN xảy ra trong hầu hết các khâu của quá trình đầu tư chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu, gây thất thoát, lãng phí NSNN.

Qua dư luận và ý kiến của cử tri, vẫn còn có một số dự án sử dụng kinh phí NSNN lãng phí, hiệu quả kém như: đường sắt cao tốc Cát Linh - Hà Đông thi công chậm chạp so với mục tiêu ban đầu, chi phí xây dựng đội lên cao so với dự toán, gây lãng phí, an toàn lao động trong thi công không được nhà thầu bảo đảm dẫn đến nhiều vụ tai nạn gây thiệt hại về người và tài sản trong thời gian qua; Bảo tàng Hà Nội qua gần 5 năm đi vào hoạt động hiệu quả sử dụng rất thấp; Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn “đắp chiếu” sau gần 10 năm thực hiện; ký túc xá sinh viên tại Hà Nội và một số tỉnh thành không có sinh viên sử dụng...

Vi phạm trong quản lý tài nguyên, khoáng sản gây nhiều bức xúc

Đáng chú ý, tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác tài nguyên khoáng sản vẫn diễn ra ở nhiều nơi, gây bức xúc trong xã hội, làm lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Trong thời gian qua, vụ cá chết hàng loạt tại Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế đã làm dấy lên dư luận về công tác quản lý chất thải của các cơ quan chức năng đối với các khu công nghiệp tại Việt Nam…

Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai còn những yếu kém, sai phạm trong quản lý, sử dụng đất còn lớn gây lãng phí. Tình trạng giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất sai quy định, không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, sử dụng đất không đúng mục đích vẫn diễn ra phức tạp còn diễn ra phổ biến ở một số địa phương. Tiến độ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp, đặc biệt cấp huyện, xã còn chậm. Việc xây dựng và áp dụng định mức sử dụng đất đối với các công trình, dự án chậm được triển khai, thực hiện; công tác thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương còn yếu kém, làm chậm tiến độ triển khai nhiều dự án. Tình trạng để đất hoang hóa, quy hoạch treo vẫn chưa được khắc phục ở một số địa phương.

Việc rà soát, sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường còn chậm, nhiều nông, lâm trường hoạt động không hiệu quả. Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014 cho thấy, tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai, như lấn chiếm, cho thuê, cho mượn, chuyển mục đích, chuyển nhượng trái pháp luật trong các nông, lâm trường còn nhiều, hiệu quả sản xuất, kinh doanh rất thấp, quản lý và sử dụng đất đai còn lãng phí và kém hiệu quả, chưa tương xứng với nguồn lực tài nguyên được Nhà nước giao quản lý, sử dụng, còn thất thoát lớn tài nguyên, tài chính quốc gia.

Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình với nhiều nội dung của báo cáo và đề nghị báo cáo cụ thể hơn về những tổ chức, cá nhân làm tốt hay có vi phạm để có chính sách khen thưởng hay xử lý phù hợp.

Theo bà Lê Thị Nga, báo cáo cần nói rõ về những thất thoát lãng phí trong các lĩnh vực nổi cộm, đặc biệt như 5 dự án đang được dư luận quan tâm là: Nhà máy xơ sợi Đình Vũ, nhà máy Gang thép Thái Nguyện, nhà máy Đạm Ninh Bình, nhà máy xăng ethanol ở một tỉnh miền Bắc. Đồng thời làm rõ những bức xúc của người dân về đề bạt cán bộ, những cán bộ đã từng làm ở các dự án này đã được luân chuyển đi đâu, làm gì, trách nhiệm để lãng phí đến đâu.

Còn theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, cần làm rõ hơn vấn đề quản lý tài sản công, cụ thể xe công để người dân có thể hiểu và giám sát. “Cần công khai tiêu chuẩn, định mức, người sử dụng, điều chuyển để người dân có thể giám sát theo việc sử dụng có đúng định mức hay không, từ đó có giải pháp THTK, CLP”, ông Hiền đề nghị.

Sau khi hoàn thiện, báo cáo sẽ được trình Quốc hội khoá XIV xem xét tại kỳ họp thứ nhất tới đây./.

H.Y