![]() |
Sử dụng tài sản công hiệu quả góp phần phòng, chống lãng phí. Ảnh minh họa |
PV: Xin ông cho biết về sự cần thiết phải đưa ra hướng dẫn về một số nội dung trọng tâm trong công tác phòng, chống lãng phí trong bối cảnh hiện nay?
![]() |
Ông Nguyễn Thanh Bình: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề của mọi nhà, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, mọi quốc gia, dân tộc. Lãng phí có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi và nếu không được ngăn chặn kịp thời, có thể gây ra những hậu quả to lớn, khôn lường đối với sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh sự cần thiết chống lãng phí tại bài viết “Chống lãng phí” đó là: “Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân; văn hóa ứng xử trong thời đại mới”.
Hiện nay, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được quy định trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hơn nữa, chủ trương, giải pháp về phòng, chống lãng phí tuy đã triển khai trong thời gian dài nhưng chưa thật sự hiệu quả. Thực tế công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước từ đầu tư công, mua sắm, trang bị, quản lý và sử dụng tài sản công đến thói quen, hành vi tiêu dùng trong xã hội cho thấy, tình trạng lãng phí vẫn là vấn đề rất lớn, phạm vi rất rộng, thiệt hại khó có thể đo lường… Do đó, cần thiết ban hành Hướng dẫn của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống lãng phí, trong đó đã nhận diện, chỉ rõ các hành vi, biểu hiện lãng phí, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác phòng, chống lãng phí.
PV: Ông có thể cho biết rõ hơn về những hành vi gây lãng phí cần tập trung chỉ đạo phòng, chống tại văn bản số 63-HD/BCĐTW?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Từ trọng tâm chỉ đạo công tác phòng, chống lãng phí của Ban Chỉ đạo Trung ương, Hướng dẫn số 63-HD/BCĐTW đã chỉ 7 nhóm hành vi gây lãng phí cần tập trung chỉ đạo phòng, chống bao gồm: Nhóm hành vi vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý tài chính công, tài sản công, gây lãng phí. Nhóm hành vi gây lãng phí liên quan đến xây dựng, ban hành thể chế về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Nhóm hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Nhóm hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công. Nhóm hành vi gây lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai và các tài nguyên khác. Nhóm hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nhóm hành vi khác gây lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước.
PV: Tại Hướng dẫn số 63-HD/BCĐTW cũng đưa ra những quy định rất cụ thể về trách nhiệm thực hiện, xử lý vi phạm khi để xảy ra lãng phí. Những quy định này liệu đã đủ sức răn đe, giúp các cá nhân, tổ chức, đơn vị thấy được vai trò của mình trong việc thực hiện chống lãng phí chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Hướng dẫn số 63-HD/BCĐTW dành riêng một mục hướng dẫn rất cụ thể về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng; các cơ quan nhà nước; Mặt trận Tổ quốc; các đoàn thể chính trị - xã hội và cơ quan báo chí, truyền thông trong việc thực hiện, xử lý vi phạm lãng phí.
Đồng thời, hướng dẫn cũng đã quy định về việc xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, gây lãng phí một cách nghiêm minh. Cụ thể, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, gây lãng phí phải bị xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm minh và bồi thường theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của cơ quan, tổ chức , đơn vị, doanh nghiệp có vốn nhà nước. Trường hợp vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật, nghiêm cấm giữ lại để xử lý nội bộ.
Đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, gây lãng phí do nguyên nhân khách quan hoặc đã chủ động phát hiện và áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý, khắc phục hậu quả của vi phạm hoặc thực hiện theo mệnh lệnh, quyết định của cấp trên mà không biết các quyết định, mệnh lệnh đó là trái pháp luật thì được xem xét, loại trừ, miễn, giảm trách nhiệm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Theo tôi, việc quy định này đã rất cụ thể, giúp các cá nhân, tổ chức, đơn vị thấy được vai trò của mình trong việc thực hiện chống lãng phí, từ đó góp phần nâng cao nhận thức phòng chống lãng phí hiệu quả.
PV: Với việc hướng dẫn cụ thể và chỉ ra những hành vi gây lãng phí này, theo ông, trong thời gian tới đây lãng phí có được đẩy lùi và chấm dứt hoàn toàn?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Cùng với giải pháp đồng bộ, quyết liệt của Đảng, Nhà nước về phòng, chống lãng phí cùng với Hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương, song song với đó là việc sửa đổi bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Chiến lược Quốc gia về phòng, chống lãng phí, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không lãng phí… Tôi tin tưởng trong thời gian tới, công tác phòng, chống lãng phí sẽ thực sự hiệu quả, thực chất; góp phần huy động và phát huy các nguồn lực quốc gia để phát triển đất nước.
PV: Là cơ quan được giao xây dựng Đề án hướng dẫn về một số nội dung trọng tâm về công tác phòng, chống lãng phí, Bộ Tài chính đã có giải pháp gì để thực hiện theo hướng dẫn này, giúp công tác phòng chống lãng phí của toàn ngành đạt hiệu quả cao trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Thanh Bình: Trong thời gian qua, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Tài chính quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Hướng dẫn số 63-HD/BCĐTW xác định trọng tâm là phòng, chống lãng phí trong tài chính công, tài sản công; đồng thời, Ban Chỉ đạo Trung ương cũng đã chỉ ra 7 nhóm nội dung cần lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống lãng phí. Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó được giao tham mưu về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ tiếp tục căn cứ hướng dẫn này cùng với chỉ đạo của Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Bộ Tài chính lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, tổ chức Đảng thuộc Bộ triển khai các nhiệm vụ theo đúng quy định.
PV: Xin cảm ơn ông!
Cơ chế phối hợp chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc gây lãng phí Hướng dẫn số 63-HD/BCĐTW nêu rõ, Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp theo dõi, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc gây lãng phí nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Ban Nội chính Trung ương chỉ đạo theo dõi, đôn đốc đối với các vụ án, vụ việc gây lãng phí được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo trung ương, Thường trực ban Chỉ đạo Trung ương giao hoặc các vụ án, vụ việc gây lãng phí không thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương theo dõi, chỉ đạo mà quá trình xử lý có khó khăn, vướng mắc kéo dài hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và cấp ủy địa phương còn có quan điểm khác nhau. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc gây lãng phí phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra tại địa phương... |