Du lịch phục hồi mạnh tạo đà kích cầu  bất động sản nghỉ dưỡng
Khách hàng tham quan một dự án bất động sản. Ảnh tư liệu

Nguồn cung có cơ hội cải thiện

Có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản (BĐS) đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực khi có nhiều trợ lực như kinh tế vĩ mô tiếp tục được dự báo ổn định, nguồn vốn cho bất động sản đang trở lại khi lãi suất trên đà giảm, doanh nghiệp đã giảm đáng kể nghĩa vụ tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực.

Nhiều dấu hiệu tích cực

Theo dữ liệu mới nhất của Batdongsan.com.vn, sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn, mức độ quan tâm đến bất động sản (BĐS) đã nhanh chóng tăng trở lại. Thị trường BĐS đầu năm nay có những dấu hiệu tích cực hơn cả về mức độ quan tâm và lượng tin đăng. Báo cáo tâm lý của các bên mua, bán BĐS đã không còn quá dè chừng như trong năm 2023. Chỉ số tâm lý thị trường BĐS nửa đầu năm 2024 tăng 3 điểm so với nửa cuối năm 2023. Chỉ số này tăng lên nhờ sự cải thiện mức độ hài lòng của người tiêu dùng về tiềm năng tăng giá BĐS, về lãi suất vay mua nhà và chính sách, tình hình thị trường.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, nước ta đón 12,6 triệu lượt du khách quốc tế - gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách. Còn số liệu mới nhất của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho thấy, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 2/2024 đạt hơn 1,5 triệu lượt khách, tăng 1,3% so với tháng 1/2024, tăng 64,1% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 14 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 4,9 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch trong 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 136,1 nghìn tỷ đồng.

Sự sôi động của hoạt động du lịch cùng kết quả đón khách quốc tế trong 2 tháng đầu năm 2024 cho thấy sự phục hồi rất tích cực của ngành du lịch Việt Nam. Khi thị trường du lịch phục hồi mạnh, các chuyên gia nhận định khả năng trong năm 2024, đà tăng trưởng về du lịch đối với khách nước ngoài sẽ tiếp tục và đây chính là lợi thế lớn cho bất động sản nghỉ dưỡng.

Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hiện nay đang có nhiều điểm thuận lợi cả phía cung và phía cầu, cũng như giá bán. Do đó, việc kỳ vọng phân khúc này sẽ chuyển biến tốt hơn trong thời gian tới là hoàn toàn có thể.

Bà Phạm Thị Miền - Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, hậu thuẫn lớn nhất cho bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng trong năm 2024 đến từ cơ hội phục hồi và phát triển của ngành du lịch. Đó là chính sách nới lỏng visa tiếp tục phát huy tác dụng cùng với chính sách giảm 2% thuế VAT với nhóm hàng hóa dịch vụ và nhiều chương trình xúc tiến hỗ trợ, triển lãm du lịch được tổ chức.

Theo bà Miền, các yếu tố này sẽ là động lực để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, "bơm" nguồn cung vào thị trường. Khả năng nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội được cải thiện với khoảng 20% so với năm 2023.

Bên cạnh đó, bà Miền cũng cho rằng, loại hình căn hộ biển sẽ là điểm nhấn của phân khúc do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền. Đặc biệt, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP về tháo gỡ cho việc cấp sổ hồng cho các loại hình bất động sản căn hộ nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp nghỉ dưỡng... thời gian tới sẽ có độ ngấm nhất định, tạo hy vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư.

Vướng mắc pháp lý sớm được cải thiện

Đánh giá về tiềm năng của các phân khúc bất động sản trong thời gian tới, ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels cho rằng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi nguồn cầu đang dần khôi phục với tốc độ ổn định, bao gồm thị trường khách nội địa và khách quốc tế, qua đó giúp củng cố niềm tin vào ngành nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang trong quá trình tái khởi động khi trong một vài tháng qua.

Ông Mauro Gasparotti cho biết, với lợi thế hạ tầng kết nối và đa dạng sản phẩm du lịch và lựa chọn lưu trú, TP. Đà Nẵng được kỳ vọng tiếp tục dẫn đầu quá trình phục hồi. Các điểm đến vốn quen thuộc với khách nội địa như: Quy Nhơn hoặc Phú Yên cũng ngày càng có nhiều dự án đang hoạch định, đồng thời những địa phương này cũng đang chú trọng phát triển hạ tầng giao thông và các sản phẩm lưu trú cao cấp để thu hút thêm tệp khách quốc tế.

"Dự báo đến quý II/2024, lượng giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng khó có sự đột biến. Sau mốc thời gian này, thị trường sẽ cải thiện hơn nhờ những động thái tháo gỡ vướng mắc pháp lý của Nhà nước thông qua sửa đổi một số luật" - ông Mauro Gasparotti nhận định.

Du lịch phục hồi mạnh tạo đà kích cầu  bất động sản nghỉ dưỡng
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Ảnh minh họa

Trong khi đó, thị trường khách sạn hạng sang - cao cấp tại TP. Hồ Chí Minh được kỳ vọng duy trì lợi thế cạnh tranh trong một vài năm tới do nguồn cung mới vẫn còn hạn chế. Đây là điều đáng tiếc vì TP. Hồ Chí Minh vẫn cần thêm đa dạng loại hình sản phẩm lưu trú để đáp ứng nhu cầu của nhiều tệp khách khác nhau.

"Đối với loại hình khách sạn và căn hộ dịch vụ, thị trường ghi nhận sự gia tăng về số lượng dự án đang trong quá trình hoạch định tại thị trường Hà Nội. Bên cạnh đó, phân khúc khách sạn trung cao cấp cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá tốt tại những địa điểm lân cận với các khu công nghiệp" - ông Mauro Gasparotti cho biết.

Đối với sản phẩm resort, khách du lịch ngày càng quan tâm và có yêu cầu cao hơn đến yếu tố nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe và phát triển bền vững. Qua đó, xu hướng này tích hợp với các mô hình như: onsen hay du lịch trị liệu ngày càng được nhiều chủ đầu tư chú trọng phát triển. Phân khúc hạng sang vẫn tiếp tục nhận được nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư.

Ngoài ra, Giám đốc Savills Hotels cũng nhận thấy thị trường mua bán và sáp nhập đang khá sôi động. Bên cạnh các dự án đang hoạt động với dòng tiền ổn định, một số dự án vốn bị trì hoãn hoặc đang phát triển dở dang trước đây cũng đang trong quá trình chuyển giao cho chủ đầu tư mới tiếp tục phát triển, hoàn thành dự án./.