dự án

Chủ đầu tư cần nhanh chóng nghiệm thu khi dự án đã có khối lượng hoàn thành. Ảnh: T.T.

Loại khỏi giá trị đề nghị quyết toán 3.594 tỷ đồng

Thông qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành cơ quan thẩm tra quyết toán ở các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty và cơ quan tài chính các cấp ở địa phương đã loại ra khỏi giá trị đề nghị quyết toán là 3.594 tỷ đồng, chiếm 0,46% tổng giá trị đề nghị quyết toán.

Cụ thể, Bộ Tài chính đã tổng hợp số liệu báo cáo của 125 đơn vị gửi báo cáo đã hoàn thành 95.303 dự án với giá trị tổng mức đầu tư được duyệt là 2.160.151 tỷ đồng.

Trong đó, đã phê duyệt quyết toán là 66.265 dự án (chiếm 70% số dự án hoàn thành) với giá trị tổng mức đầu tư được duyệt là 981.501 tỷ đồng và giá trị quyết toán được phê duyệt là 773.094 tỷ đồng.

Số chưa phê duyệt quyết toán là 29.038 dự án (chiếm 30% số dự án hoàn thành) với tổng mức đầu tư là 1.178.650 tỷ đồng.

Trên thực tế, nhiều dự án chậm tiến độ giải ngân do chưa hoàn thành công tác nghiệm thu, bàn giao, quyết toán dự án hoàn thành. Trong đó, có một số dự án như: dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê…

Về phía Bộ Tài chính, Bộ đã chỉ đạo hệ thống KBNN thường xuyên phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn cho các đơn vị trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục tạm ứng, thanh toán, đảm bảo mọi hồ sơ, chứng từ đủ điều kiện thanh toán vốn đầu tư do các chủ đầu tư, ban quản lý dự án gửi đến kho bạc đều được giải quyết đúng theo chế độ và thời gian quy định.

Đồng thời, KBNN luôn đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ dự án, nghiệm thu khi đã có khối lượng hoàn thành và hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục gửi đến kho bạc để kiểm soát thanh toán, thu hồi vốn đã tạm ứng, tránh dồn vào cuối năm gây khó khăn cho công tác kiểm soát chi và giải ngân.

Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập trong thực hiện quyết toán dự án hoàn thành.

Làm rõ trách nhiệm trong quản lý đầu tư

Trước thực tế nêu trên, để đảm bảo công tác quyết toán dự án hoàn thành được thực hiện đúng quy định, Bộ Tài chính đề nghị thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương, các tập đoàn, tổng công ty và UBND các tỉnh, thành phố trược thuộc Trung ương kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân không thực hiện gửi báo cáo quyết toán dự án hoàn thành năm 2019 đến Bộ Tài chính theo quy định. Trên cơ sở đó, sớm hoàn chỉnh báo cáo gửi tới Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, cần chỉ đạo cơ quan liên quan rà soát, khắc phục các tồn tại của báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, đặc biệt những đơn vị đã có tồn tại từ năm 2018.

Cũng theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc các quy định trong công tác quyết toán dự án hoàn thành. Kiên quyết áp dụng các chế tài xử lý đã được hướng dẫn tại các văn bản pháp lý hiện hành đối với các chủ đầu tư, nhà thầu vi phạm.

Đối với chủ đầu tư, ban quản lý dự án áp dụng tiêu chí kết quả hoàn thành công tác quyết toán dự án hoàn thành trong năm 2019 để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua của cá nhân, tổ chức thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành.

Đồng thời, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo đúng quy định của Bộ Tài chính; kiên quyết chỉ đạo xử lý nhanh, giảm tồn đọng quyết toán dự án hoàn thành hàng năm

Đối với các đơn vị thẩm tra quyết toán, lập báo cáo tổng hợp quyết toán, Bộ Tài chính đề nghị ưu tiên bố trí nguồn lực hợp lý và chủ động trong tổng hợp báo cáo và hướng dẫn các chủ đầu tư, ban quản lý dự án lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành theo đúng quy định.

Chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần chấp hành nghiêm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành; nhà thầu cần chủ động phối hợp với các chủ đầu tư, thực hiện lập và cung cấp hồ sơ theo quy định để thực hiện quyết toán dự án hoàn thành.

Tình trạng chậm lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành của các chủ đầu tư và chậm thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành vẫn còn xảy ra, nhất là ở cấp huyện, xã. Nguyên nhân là do thủ trưởng một số đơn vị chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác quyết toán dự án hoàn thành; chưa thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Mới đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 10/2020/TT-BTC quy định về quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn nhà nước.

Việc ban hành quy định mới về quyết toán dự án hoàn thành được kỳ vọng hạn chế, khắc phục được những vướng mắc, bất cập về quyết toán dự án hoàn thành trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, sẽ tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, cơ quan thẩm tra quyết toán và người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán đẩy mạnh hơn nữa công tác lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, góp phần quản lý hiệu quả nguồn vốn nhà nước trong thời gian tới./.

Minh Anh