Sáng 16/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Tư duy đổi mới, chính sách đột phá

Nhìn chung, các đại biểu tán thành cao với dự thảo và ghi nhận nỗ lực của cơ quan soạn thảo và các cơ quan của Quốc hội để hoàn thành khẩn trương dự thảo, tiếp thu được nhiều ý kiến của các đại biểu.

Giảm thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), dự thảo Nghị quyết có cách tiếp cận cởi mở, thực tiễn, đặt trọng tâm vào tháo gỡ rào cản và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, và cá nhân kinh doanh, đáp ứng mong đợi của cử tri và cộng đồng doanh nghiệp.

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho rằng dự thảo được hoàn thành với quyết tâm chính trị lớn, thể hiện sự đổi mới tư duy và cải cách thể chế để phát triển kinh tế tư nhân. “Dự thảo nghị quyết được chuẩn bị khẩn trương, đề ra nhiều nội dung mang tính đột phá, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ kinh tế tư nhân tiếp cận đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, và chuyển đổi số. Tôi cho rằng các chính sách này rất toàn diện và mang tính vượt trội”, đại biểu đánh giá.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến để hoàn thành dự thảo. Cụ thể như đề nghị làm rõ về đối tượng áp dụng, sự tương thích với các cam kết quốc tế; tính khả thi của các chính sách ưu đãi, hỗ trợ; giải pháp cụ thể cho nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, nguyên tắc quản lý nhà nước, nguyên tắc xử lý các sai phạm, giải quyết các cái vụ việc trong hoạt động kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh…

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay dự thảo đã được rà soát đối tượng điều chỉnh để đảm bảo bình đẳng giữa các thành phần kinh tế tương thích với điều ước quốc tế, phù hợp với Điều 51 của Hiến pháp 2013 về không phân biệt các thành phần kinh tế, bảo đảm tương thích với những điều ước quốc tế có liên quan… đặc biệt trong bối cảnh các nước đang rất quan tâm tới vấn đề cân bằng thương mại, đầu tư quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết đã quy định các cơ chế, chính sách được áp dụng chung đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đối với một số đối tượng cụ thể trong một số lĩnh vực. Ví dụ như doanh nghiệp vừa nhỏ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo… thì phải có chính sách đặc thù riêng riêng sẽ được cụ thể tại các điều, khoản.

Giảm thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tại phiên họp
Đối với những nội dung cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và đang được quy định tại các luật, nghị quyết khác về thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, xử lý các vi phạm vụ việc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết phá sản… thì dự thảo Nghị quyết đưa ra một số quy định mang tính nguyên tắc để định hướng sửa đổi, bổ sung cho các pháp luật chuyên ngành, bảo đảm tuân thủ đúng các yêu cầu của Nghị quyết số 68.

Một số đại biểu băn khoăn về nguồn lực tài chính để thực hiện Nghị quyết. Theo Bộ trưởng, đối với các chính sách hỗ trợ được phân cấp, phân quyền cho địa phương như đầu tư hạ tầng, hỗ trợ tiền thuê lại đất, hỗ trợ thuê nhà đất, tài sản, dự thảo Nghị quyết đã giao địa phương căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối nguồn lực để quyết định các định mức, tiêu chí hỗ trợ bảo đảm minh bạch, khả thi, hiệu quả và gắn với trách nhiệm giải trình.

Đối với các chương trình được nêu tại dự thảo Nghị quyết, nguồn lực tài chính để thực hiện các chương trình này sẽ được đánh giá trong quá trình xây dựng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi triển khai.

Còn lại, các chính sách liên quan đến ưu đãi thuế, phí được thiết kế trên cơ sở nuôi dưỡng nguồn thu. Theo đó, các chính sách hỗ trợ này có thể làm giảm nguồn thu cho ngắn hạn nhưng về dài hạn, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội, điều kiện để mở rộng sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước và sự phát triển kinh tế xã hội.

Giảm thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Nhiều chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp

Một số ý kiến cho rằng việc bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh có thể tạo gánh nặng tuân thủ khi hộ kinh doanh phải chuyển sang chế độ có kê khai nộp thuế mới. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, việc bãi bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo minh bạch hóa hoạt động của hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng về chế độ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

“Vừa qua, Bộ Tài chính đã cho thực hiện thí điểm tại một số địa bàn và thấy chính sách này rất hiệu quả, cần được triển khai chính thức sớm trong thời gian sớm nhất. Hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị các điều kiện, nhất là về công nghệ thông tin và cơ sở vật chất để sớm triển khai”, Bộ trưởng cho biết.

Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh kê khai nộp thuế sau khi bỏ thuế khoán, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện chính sách thuế, phương án, phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực thuế như là sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ và giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho hộ kinh doanh.

Đồng thời, để giảm gánh nặng chi phí, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi số, dự thảo Nghị quyết đã quy định Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng, thuê mua các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung để cho hộ kinh doanh sử dụng miễn phí.

Để hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể phát triển thành doanh nghiệp, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã họp bàn rất kĩ về các giải pháp, các chính sách cụ thể. Chính phủ xác định đây là một trong những giải pháp trọng yếu để phấn đấu đạt mục tiêu về số lượng doanh nghiệp đến năm 2030 là 2.000.000 doanh nghiệp và đến 2045 là 3.000.000 doanh nghiệp, cũng như đạt các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế cũng như là thu ngân sách.

Với tinh thần đó, nhiều chính sách sẽ được thiết kế tại Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ, các chương trình hành động của Chính phủ và các luật liên quan để khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể mong muốn và sớm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Giảm thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tại phiên họp.

Liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, có ý kiến cho rằng quy định thanh tra, kiểm tra tối đa một lần trong năm có thể tạo ra lỗ hổng trong quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giải thích dự thảo Nghị quyết quy định số lần thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không được quá một lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Quy định này đã thể chế hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 68 để làm chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Quy định tại dự thảo Nghị quyết cũng hướng tới việc giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; tăng cường thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên dữ liệu điện tử và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thực hiện thanh tra, kiểm tra nên không làm giảm hiệu lực của công tác quản lý nhà nước, không cản trở hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp. Dự thảo Nghị quyết cũng không hạn chế đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng, Bộ trưởng khẳng định.

Sau khi Quốc hội thảo luận sáng nay, các cơ quan sẽ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội thông qua vào trưa ngày 17/5.