Chiều 17/5, thảo luận về dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đánh giá, đây là dự án Luật rất quan trọng, có liên quan đến nhiều hoạt động kinh tế và tác động đến nhiều đạo luật cũng như tác động trực tiếp đến vấn đề quản lý, phân bổ nguồn lực của cả hệ thống chính trị.
Để hoàn thiện dự thảo, các đại biểu đã góp ý kiến cụ thể về các nội dung, trong đó có việc phân cấp nguồn thu của ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP); phân bổ và giao dự toán ngân sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách… Nhiều đại biểu quan tâm và đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số điều khoản nhằm tăng cường tính chủ động và hiệu quả của NSĐP.
Tạo điều kiện cho địa phương chủ động nguồn lực cho phát triển
Nêu ý kiến tại tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, theo Kết luận số 93-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ NSNN để bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW và chủ động của NSĐP, định hướng đến năm 2030, NSTW là chủ đạo chiếm khoảng 58 - 60% tổng ngân sách, NSĐP là chủ động và chiếm phần còn lại. Điều này nhằm tăng tính chủ động của địa phương trong quản lý và sử dụng nguồn lực.
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh phát biểu tại tổ. |
Với tinh thần này, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết ông cơ bản đồng tình với việc phân cấp nguồn thu giữa NSTW và NSĐP quy định tại Điều 35 của dự thảo Luật. Theo đó, việc phân chia tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đang định hướng theo tỷ lệ là 80% - 20% hoặc tỷ lệ 70% - 30%. Những địa phương có nguồn thu tự cân đối được thì được giữ lại 70%, đối với những địa phương khó khăn được giữ lại 80% và thậm chí có những địa phương có thể lên được đến 90%, chẳng hạn như những địa phương rất khó khăn, để có thêm nguồn cho các địa phương chủ động.
Nhấn mạnh cần có cơ chế phân chia tỷ lệ nguồn thu hợp lý, hài hòa để bảo đảm cân đối, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý, các địa phương cũng cần chia sẻ với Trung ương. Bởi nếu không NSTW không có khả năng để đáp ứng nhu cầu đầu tư cho các dự án lớn cũng như các dự án kết nối vùng trong thời gian tới như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao…
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng lưu ý việc phân cấp, phân quyền cần quan tâm đến một số vấn đề liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, tiền tệ, những vấn đề cốt lõi thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp…
Đối với nội dung phân chia nguồn thu của NSTW tại Điều 35 của dự thảo, đại biểu Đinh Việt Dũng (Ninh Bình) nhất trí với phương án quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm giữa NSTW và NSĐP của các khoản thu phân chia. Song cũng đề nghị, để nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giao cho địa phương quản lý, thay vì chia tỷ lệ, nhằm tạo điều kiện về nguồn lực cho các địa phương để thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, cần có chính sách, giải pháp đột phá để các địa phương không phải liên tục xin Trung ương hỗ trợ. Đại biểu kiến nghị tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển, chi cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tăng tỷ lệ chi cho y tế ngang bằng với tỷ lệ chi cho giáo dục. |
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) cho rằng, cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong quản lý ngân sách, đặc biệt là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đại biểu đề xuất, Chính phủ quy định tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa trung ương và địa phương sao cho phù hợp với từng nhóm địa phương.
Để tạo điều kiện cho địa phương đầu tư phát triển, đại biểu bày tỏ đồng tình với quy định tại khoản 6 Điều 7 của dự thảo Luật về nâng mức hạn vay nợ của địa phương lên 120% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp để tạo điều kiện cho địa phương đầu tư phát triển.
![]() |
Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An). |
Để tăng tính chủ động hơn nữa cho địa phương, đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) đề nghị Quốc hội cân nhắc nâng mức dư nợ vay ngân sách địa phương lên 150% thay vì 120% đối với các địa phương không nhận phân bổ cân đối từ ngân sách trung ương. Bởi điều này sẽ giúp các địa phương chủ động hơn về nguồn vốn đầu tư phát triển, đặc biệt là các dự án đã được HĐND tỉnh phê duyệt, nhất là sau sáp nhập. Mặc dù đã có quy định mở về việc báo cáo Quốc hội khi cần vay vượt mức, song đại biểu lo ngại quy trình này sẽ kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ phát triển địa phương.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) lại cho rằng, việc nâng mức nợ vay của ngân sách địa phương tại dự thảo cần được nghiên cứu thêm. Bởi thực tiễn cho thấy, ngay tại các địa phương được áp dụng thí điểm chính sách này cũng không sử dụng hết mức được giao, thậm chí chỉ khoảng 20 - 30%.
Hạn chế tối đa thành lập quỹ tài chính ngoài ngân sách
Liên quan đến quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) đặc biệt lưu ý thời gian qua, Quốc hội đã đề nghị hạn chế tối đa việc thành lập các quỹ này.
Tuy nhiên, nhiều luật chuyên ngành vẫn đề xuất lập quỹ để phục vụ nhiệm vụ riêng. Đại biểu cho rằng cần bổ sung quy định ngay trong Luật Ngân sách nhà nước về thẩm quyền thành lập quỹ, mục tiêu, tiêu chí cụ thể, trách nhiệm sử dụng, và bảo đảm công khai, minh bạch. Có như vậy mới tránh được tình trạng xung đột pháp lý giữa các luật và tăng cường hiệu lực quản lý tài chính.
Đại biểu Đinh Việt Dũng (đoàn Ninh Bình) đề xuất giảm mức tối đa của quỹ dự trữ tài chính từ 25% xuống 15 - 20% dự toán chi hàng năm, vì mức 25% hiện nay là quá cao. Bởi thông thường để chi hết được nguồn từ quỹ dự trữ tài chính là rất khó khăn. Do đó, không nên để nguồn tiền dự trữ này nguồn tiền chết, sẽ gây lãng phí nguồn lực./.