Trình bày tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, tiếp thu báo cáo thẩm tra, thông báo của UBTVQH, các ý kiến thảo luận tại tổ và hội trường, trong hai ngày qua Bộ Tài chính đã phối hợp với Ủy ban Kinh tế và Tài chính, đã rà soát và hoàn thiện dự thảo nghị quyết.

Bỏ thuế khoán từ ngày 1/1/2026

Tiếp thu các ý kiến, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, nghị quyết đang trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 khẩn trương rà soát, nghiên cứu các nội dung cùa Nghị quyết số 68-NQ/TW để thể chế hóa ngay tại các dự án luật, dự thảo nghị quyết lần này.

Hoàn thiện chính sách thuế, cách tính thuế với hộ kinh doanh

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm trình bày báo cáo.

Đối với một số cơ chế, chính sách có tính đột phá, vượt trội dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực thì được quy định tại dự thảo Nghị quyết này. Các Luật đang được sửa đổi, dự kiến trình thông qua tại Kỳ họp 9, Quốc hội khóa XV sẽ quy định cơ chế, chính sách áp dụng chung cho các doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế để bảo đảm không làm phá vỡ thiết kế chung của Luật.

Về bảo đảm nguồn lực tài chính thực hiện Nghị quyết, Bộ Tài chính cho biết các chính sách liên quan đến ưu đãi thuế, phí... được thiết kế trên cơ sở “nuôi dưỡng nguồn thu”. Theo đó các chính sách hỗ trợ này có thể làm giảm nguồn thu trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội, điều kiện để mở rộng sản xuất kinh doanh, qua đó đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước và sự phát triển kinh tế xã hội.

Đối với việc bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh, một số ý kiến cho rằng có thể tạo gánh nặng tuân thủ khi hộ kinh doanh phải chuyển sang chế độ kê khai, nộp thuế mới

Giải trình việc này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm khẳng định, việc bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm đảm bảo minh bạch hóa hoạt động của hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng về chế độ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

Để tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh kê khai, nộp thuế sau khi bỏ thuế khoán, Bộ Tài chính đã chỉ đạo rà soát để hoàn thiện chính sách thuế, phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh. Đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực thuế, như sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, nhằm đảm bảo thu đúng, thu đủ và giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho hộ kinh doanh.

Tiếp thu ý kiến của một số đại biểu về việc đẩy mạnh triển khai thực hiện chính sách này, dự thảo Nghị quyết đã điều chỉnh thời điểm áp dụng việc bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh từ ngày 1/1/2026, thay vì ngày 1/7/2026 như dự thảo trước đây.

Bổ sung nguyên tắc xử lý vật chứng, tài sản trong điều tra, xét xử

Bên cạnh đó, có 2 vấn đề cơ quan soạn thảo xin ý kiến. Đó là về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tại Nghị quyết số 68-NQ/TW đã nêu rõ “miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập”. Quy định này đã được thể chế hoá trong Nghị quyết.

Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu đề nghị sửa thành “miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm kể từ khi doanh nghiệp có lãi". Đề xuất này, theo Bộ Tài chính, dẫn đến thay đổi lớn trong chính sách hỗ trợ, mở rộng phạm vi so với Nghị quyết số 68-NQ/TW, tác động lớn đến thu ngân sách nhà nước. Do đó, Bộ Tài chính xin ý kiến về một trong hai phương án là giữ nguyên theo dự thảo hoặc tiếp thu theo ý kiến đại biểu.

Hoàn thiện chính sách thuế, cách tính thuế với hộ kinh doanh

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành phiên họp

Về việc bổ sung áp dụng tại dự thảo Nghị quyết này về nguyên tắc xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự đã được quy định tại Nghị quyết số 164/2024/QH15, Bộ Tài chính xin ý kiến một trong hai phương án. Một là là bổ sung quy định trên vào Điều 5 dự thảo Nghị quyết và phương án 2 là không bổ sung.

Cho ý kiến về các nội dung tiếp thu giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính (UBKTTC) Phan Văn Mãi cho biết, Uỷ ban cơ bản tán thành với nội dung dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Để tăng tính thuyết phục, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo với đại biểu Quốc hội về lộ trình ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo quy định tại khoản 1 Điều 16 dự thảo Nghị quyết; giải trình, làm rõ mức độ thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW tại các dự thảo luật, nghị quyết cùng trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Nếu chưa đáp ứng được thì phải báo cáo rõ lộ trình rà soát, sửa đổi, bổ sung toàn diện các luật này cùng các luật, pháp lệnh khác liên quan đến đất đai, quy hoạch, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, thủ tục hành chính, hoạt động sản xuất kinh doanh... để thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 68-NQ/TW theo thời hạn như quy định tại dự thảo.

Sau khi thảo luận tại phiên họp, UBTVQH đã biểu quyết lựa phọn phương án 1 đối với cả 2 vấn đề Bộ Tài chính xin ý kiến nêu trên.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo theo các ý kiến đóng góp. UBTVQH đánh giá dự thảo đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua sau khi tiếp thu ý kiến của Thường vụ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua theo chương trình vào sáng ngày 17/5./.