FED tăng lãi suất sẽ tác động thế nào đến kinh tế - tài chính Việt Nam? Những điều cần biết trước quyết định lãi suất của FED
FED đang xem xét các điều kiện tín dụng trong việc điều chỉnh lãi suất
Biểu đồ dấu chấm mới sau các đợt điều chỉnh lãi suất của FED.

Đợt điều chỉnh lãi suất tiếp theo sẽ phụ thuộc vào "sức mạnh của dữ liệu"

Các bình luận hôm 31/3/2023 từ Chủ tịch FED New York John Williams và Thống đốc FED Lisa Cook cũng lặp lại nhận xét từ 3 chủ tịch FED khu vực trong tuần qua rằng, các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục nỗ lực giảm lạm phát, hiện vẫn còn vượt xa mục tiêu mong đợi của các nhà hoạch định chính sách của Mỹ.

“Triển vọng kinh tế là không chắc chắn và các quyết định chính sách của chúng tôi sẽ được thúc đẩy bởi dữ liệu và việc đạt được tối đa các nhiệm vụ ổn định giá cả, việc làm” - Williams cho biết hôm qua (31/3) trong một sự kiện do Đại học Cộng đồng Housatonic tổ chức ở Bridgeport, Connecticut.

Williams cho biết các động thái lãi suất của FED cho đến nay chủ yếu là loại bỏ sự hỗ trợ được cung cấp cho nền kinh tế trong thời kỳ suy thoái. “Phần lớn những gì chúng tôi đã làm là đưa lãi suất về mức bình thường hơn, thắt chặt hơn một chút” - ông nói trong phần hỏi đáp sau bài phát biểu.

Chủ tịch FED New York John Williams cũng cho biết vẫn chưa rõ mức độ căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng sẽ ảnh hưởng thế nào đến các điều kiện tín dụng và các nhà hoạch định chính sách sẽ dựa vào dữ liệu để điều chỉnh các quyết định chính sách trong tương lai của họ.

Các quan chức FED đã tăng lãi suất thêm 1/4 điểm phần trăm vào tuần trước, tiếp tục cuộc chiến kéo dài cả năm nhằm hạ nhiệt áp lực lạm phát bất chấp những bất ổn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng.

Động thái này đã nâng điểm chuẩn chính sách của họ lên phạm vi mục tiêu từ 4,75% đến 5%, từ mức gần 0% một năm trước đó. Các dự báo được đưa ra cùng lúc cho thấy 18 quan chức kỳ vọng lãi suất sẽ đạt 5,1% vào cuối năm, theo dự báo trung bình của họ, ngụ ý rằng sẽ có thêm một lần tăng 25 điểm cơ bản nữa.

Trong khi đó, Thống đốc FED Lisa Cook cho biết, tình trạng hỗn loạn ngân hàng gần đây sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế trong năm nay và việc tăng lãi suất tiếp theo sẽ phụ thuộc vào sức mạnh của dữ liệu sắp tới.

“Tôi đang cân nhắc tác động của động lực mạnh mẽ hơn trong nền kinh tế trước những cơn gió ngược tiềm ẩn từ tình trạng leo thang gần đây” - bà nói Cook nói trong cuộc họp của Hiệp hội Kinh tế Trung Tây ở Cleveland. “Nếu các điều kiện tài chính chặt chẽ hơn kìm hãm nền kinh tế, thì lộ trình thích hợp của lãi suất quỹ liên bang có thể thấp hơn so với khi không có chúng”.

Thắt chặt tín dụng

Lần tăng lãi suất gần đây nhất của FED được đưa ra sau khi Chính phủ Mỹ can thiệp để đảm bảo tiền gửi tại hai ngân hàng phá sản và sau khi FED đưa ra chương trình cho vay khẩn cấp mới để hỗ trợ các ngân hàng khác.

FED cũng đã làm việc để tăng khả năng tiếp cận quốc tế đối với đô la bằng cách tăng cường các hạn mức hoán đổi với các đối tác ngân hàng trung ương quan trọng của mình.

FED đang xem xét các điều kiện tín dụng trong việc điều chỉnh lãi suất
Chủ tịch FED New York John Williams.

Williams cho biết “những căng thẳng trong các bộ phận của hệ thống ngân hàng có thể dẫn đến việc thắt chặt các điều kiện tín dụng”, điều này có thể làm chậm nền kinh tế. Ông nói: “Tuy nhiên, mức độ và thời gian của những tác động này vẫn chưa chắc chắn”.

Theo Chủ tịch FED New York, những căng thẳng gần đây cũng “rất khác” so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ông nói thêm, Ngân hàng Thung lũng Silicon, đã sụp đổ vào đầu tháng này sau cuộc tháo chạy của những người gửi tiền, đã phải đối mặt với một loạt tình huống đặc biệt.

Ông cho biết hệ thống ngân hàng “rất kiên cường” và “được vốn hóa mạnh mẽ”.

Thống đốc FED Lisa Cook cũng cho biết bà đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của ngành ngân hàng, điều có thể hạn chế tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ, trong khi các nhà hoạch định chính sách vẫn cam kết mạnh mẽ chống lại lạm phát mà bà cho rằng sẽ tồi tệ hơn dự kiến ​​trong năm nay.

Bà nói: “Chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% theo thời gian”.

Dữ liệu được công bố trước đó vào thứ Sáu (31/3) cho thấy, thước đo lạm phát ưu tiên của Fed tăng 5% trong tháng Hai so với năm trước, thấp hơn một chút so với dự báo của các nhà kinh tế.

Williams cho biết ông nhận thấy lạm phát sẽ giảm xuống khoảng 3,25% trong năm nay trước khi tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của FED trong hai năm tới. Ông hy vọng GDP thực tế sẽ tăng trưởng khiêm tốn trong năm nay và thị trường lao động sẽ dịu lại, với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên khoảng 4,5% trong năm tới.

Chủ tịch FED Boston Susan Collins cho biết vào sáng hôm qua 31/3, rằng FED còn nhiều việc phải làm để giảm lạm phát và các quan chức sẽ cần theo dõi dữ liệu chặt chẽ để đánh giá mức độ hỗn loạn ngân hàng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng.

Trong khi đó Chủ tịch FED New York cho biết ông sẽ chú ý đến các điều kiện tín dụng đang phát triển và ảnh hưởng của chúng đối với triển vọng tăng trưởng, việc làm và lạm phát.

Thước đo lạm phát chính của FED tăng 0,3% trong tháng 2, thấp hơn dự kiến

Một thước đo lạm phát mà FED theo dõi chặt chẽ đã tăng nhẹ hơn một chút so với dự đoán vào tháng Hai, mang đến một số hy vọng rằng việc tăng lãi suất sẽ giúp giảm bớt tình trạng tăng giá.

Cụ thể, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân không bao gồm thực phẩm và năng lượng của Mỹ tăng 0,3% trong tháng, theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm qua (31/3). Con số này thấp hơn ước tính 0,4% của Dow Jones và thấp hơn mức tăng 0,5% trong tháng 1.

Trên cơ sở 12 tháng, PCE lõi tăng 4,6%, giảm nhẹ so với mức hồi tháng Giêng. Bao gồm thực phẩm và năng lượng, PCE tiêu đề tăng 0,3% hàng tháng và 5% hàng năm, so với 0,6% và 5,3% trong tháng Giêng.

Dữ liệu mềm hơn mong đợi đi kèm với giá năng lượng hàng tháng giảm 0,4% trong khi giá thực phẩm tăng 0,2%. Giá hàng hóa tăng 0,2% trong khi giá dịch vụ tăng 0,3%.

Trong các dữ liệu khác từ báo cáo, thu nhập cá nhân tăng 0,3%, cao hơn một chút so với ước tính 0,2%. Chi tiêu của người tiêu dùng tăng 0,2%, so với ước tính 0,3%.

Ngay lập tức, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu mở cửa cao hơn sau báo cáo trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn giảm.

“Xu hướng lạm phát có vẻ hứa hẹn cho các nhà đầu tư. Lạm phát có thể sẽ ở mức dưới 4% vào cuối năm nay, khiến Cục Dự trữ Liên bang mất nhiều thời gian hơn để cắt giảm lãi suất vào cuối năm nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái” - Jeffrey Roach, kinh tế trưởng tại LPL Financial cho biết.

Định giá thị trường sau báo cáo lạm phát cho thấy sự chia rẽ đồng đều giữa việc FED tăng lãi suất chuẩn thêm một phần tư điểm phần trăm hoặc giữ nguyên trong tháng Năm.