Việc công ty Mondelez (Mỹ) mới đây thiết kế lại mẫu mã thanh sô-cô-la Toblerone bán tại thị trường Anh là minh họa mới nhất cho chiến lược “giảm lượng”, một trong những chiêu mà các nhà sản xuất sô-cô-la áp dụng để tránh phải tăng giá bán khi chi phí đầu vào bị đội lên.
Bằng cách đó, giá của các sản phẩm sô-cô-la hầu như không đổi, chỉ có điều kích thước hay trọng lượng của nó bị điều chỉnh xuống.
Không chỉ Toblerone, mà các nhãn hiệu sô-cô-la quen thuộc như Mars và Snickers cũng bị thu nhỏ. Cách đây vài năm, một gói kẹo hiệu Quality Street nặng 1 kg thì nay chỉ còn 820 gam, hay một gói 6 miếng sô-cô-la dòng kem trứng của Cadbury giờ chỉ còn 5 miếng.
Các nhà sản xuất cũng đang chuyển sang bán sô-cô-la loại gói gồm nhiều túi nhỏ để tạo cảm giác túi kẹo có nhiều kẹo hơn, dù rằng thực tế trọng lượng của gói sô-cô-la giảm.
Các nhà sản xuất hy vọng chiến lược này sẽ giúp làm tăng doanh thu bán hàng, đồng thời giúp họ tiết kiệm chi phí. Nhà phân tích Jack Skelly thuộc công ty nghiên cứu hàng hóa tiêu dùng Euromonitor cho rằng chi phí tăng đang làm gia tăng sức ép lên lợi nhuận biên của các hãng sản xuất sô-cô-la.
Sự biến động về chỉ số giá của các thành phần chính của sản phẩm sô-cô-la sữa cho thấy phần nào áp lực về chi phí lên các nhà sản xuất sô-cô-la. Theo số liệu của công ty Mintec, giá sô-cô-la sữa (gồm giá bơ ca cao, bột ca cao, sữa, đường và sữa bột nguyên kem) đã tăng gần 40% từ đầu năm tới nay.
Kể từ năm 2013, giá sô-cô-la tăng không ngừng do thị trường lo ngại hiện tượng thời tiết El Nino sẽ khiến sản lượng ca cao ở các nước Tây Phi giảm sút.
Mặc dù giá hạt ca cao có phần dịu lại từ đầu năm tới nay, song giá sô-cô-la thành phẩm vẫn tăng và hiện tượng “giảm lượng” vẫn tiếp diễn. Vấn đề nằm ở bơ ca cao.
Theo công ty Mintec, bơ ca cao được làm từ hạt ca cao, và các thành phần khác, gồm đường và sữa bột nguyên kem; giá các thành phần này đều đã tăng trên 50% trong cùng thời gian nói trên, do nguồn cung giảm.
Jonathan Parkman, người đứng đầu công ty môi giới hàng hóa Marex Spectron, cho biết giá bơ ca cao hiện rất cao. Khác với hạt ca cao, bơ ca cao không có thị trường hợp đồng giao kỳ hạn.
Giá của các thành phần nguyên liệu đều leo thang trong thời gian từ tháng Mười đến Giáng Sinh. Và đây chính là điều khiến cho các nhà sản xuất sô-cô-la đau đầu.
Trong khi giá hạt ca cao giảm gần 26% kể từ đầu năm, xuống mức thấp nhất trong ba năm qua, do giới đầu cơ bán ra chốt lời và thời tiết thuận lợi, song giá bơ ca cao vẫn tăng gần 40%.
Giới chuyên gia cho rằng thời tiết bất lợi đối với cây ca cao trong những năm trước cùng với lượng ca cao tiêu thụ tại các nhà máy sản xuất sô-cô-la vẫn duy trì ở mức cao đã dẫn tới tình trạng thiếu cung trên thị trường bơ ca cao.
Tuần qua, thị trường bơ ca cao bắt đầu có tín hiệu ổn định. Chuyên gia phân tích Carlos Mera thuộc ngân hàng Rabobank (Hà Lan) cho hay thị trường ca cao đang có những thay đổi quan trọng. Rabobank dự báo khả năng dư cung khoảng 218.000 tấn, mức cao nhất trong sáu năm.
Trước tình hình này, các quỹ đầu tư và các nhà đầu cơ cũng đã giảm lượng hợp đồng mua ca cao giao dịch trên thị trường New York xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2013.
Tại thị trường London, giới đầu cơ lần đầu tiên đã chuyển sang trạng thái bán khống kể từ tháng 2/2012. Tuy nhiên, giá nguyên liệu thấp hơn không đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất sẽ sớm tăng kích cỡ của thanh sô-cô-la.
Chuyên gia Skelly của Euromonitor lưu ý rằng các nhà sản xuất sô-cô-la một mặt sẽ giới thiệu các sản phẩm mới cho nhãn hiệu của mình, mặt khác sẽ tiếp tục duy trì việc thu nhỏ kích cỡ một số dòng sô-cô-la với lời quảng cáo rằng "một thanh sô-cô-la nhỏ là một lựa chọn có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng"./.
Theo TTXVN