phân bón

Từ đầu năm đến nay, giá phân bón tăng trung bình 50% - 73%. Ảnh: Tư liệu minh họa

Ngày 11/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm bàn các giải pháp bình ổn giá phân bón.

Không có chuyện phân bón tăng giá do thiếu nguồn cung

Tại hội nghị, ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ, cho biết hiện nay, giá phân bón tăng cao trong khi giá nông sản giảm ảnh hưởng đến tâm lý sản xuất, đầu tư của bà con. Do đó, ông kiến nghị các cơ quan có chính sách phù hợp để bình ổn giá phân bón.

"Tại Cần Thơ, giá phân bón đã tăng từ 15% - 45% (tùy loại) tính từ đầu vụ đông xuân 2020 - 2021 đến nay. Sở NN&PTNT Cần Thơ kiến nghị các cơ quan trung ương rà soát chuỗi cung ứng phân bón, xác định các điểm đứt nghẽn, tác nhân khiến giá phân bón tăng mạnh trong thời gian qua.” - ông Trần Thái Nghiêm nói.

Đại diện Sở NN&PTNT An Giang cho rằng, những luận giải gần đây về nguyên nhân giá phân bón tăng cao quá nhanh thời gian qua là không thuyết phục: Ví dụ giá Ure lên tới hơn 11.000 đồng/kg, nhưng chưa đủ cơ sở giải thích vì sao giá tăng như vậy. An Giang chưa có hiện tượng đầu cơ và thiếu nguồn cung ứng, nhưng vấn đề giá tăng thì chưa lý giải được vì sao.

Từ đầu năm đến nay, giá phân bón tăng trung bình 50 - 73%. Cụ thể, giá phân urê Cà Mau tăng 72% (từ 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/kg); DAP Đình Vũ tăng 67,3% (từ 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg); NPK Bình Điền tăng 24,3% (NPK 16-16-8+13S từ 8.860 đồng/kg lên 10.760 đồng/kg). Với phân bón nhập khẩu, SA bột của Trung Quốc tăng 60,6% (từ 3.270 đồng/kg lên 5.250 đồng/kg); DAP 64% nhập khẩu Trung Quốc tăng 50% (từ 11.200 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg); kali tăng 72,9% (kali miểng Israel từ 6.650 đồng/kg lên 11.500 đồng/kg).

Lý giải nguyên nhân cho việc giá phân bón tăng, các đại biểu cho rằng do giá nguyên liệu đầu vào phân bón tăng mạnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang phát sinh chi phí để đối phó dịch Covid-19 như chi thêm để sản xuất "3 tại chỗ".

Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), nhu cầu sử dụng phân bón trong năm nay không tăng so với năm 2020, khoảng 10 triệu tấn. Trong khi công suất của hơn 840 nhà máy sản xuất trong nước đạt gần 30 triệu tấn (gấp gần 3 lần so với nhu cầu). Do vậy, đại diện Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương khẳng định không có chuyện phân bón tăng giá do thiếu nguồn cung.

Lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra toàn diện

Tại cuộc họp, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương cũng thống nhất về một số giải pháp trước mắt như tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, vận chuyển để không xảy ra thiếu hụt nguồn cung cục bộ, đặc biệt là trong các vụ sản xuất sắp tới.

Ngoài ra, các lực lượng chức năng như quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát không để xảy ra hiện tượng găm hàng, tăng giá và chống hàng nhái, hàng giả.

Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất tối đa công suất để không xảy ra tình huống khan hàng dẫn đến tăng giá phân bón trong các mùa vụ tới.

Sở NN&PTNT các địa phương tích cực hướng dẫn bà con những biện pháp để sử dụng phân bón đúng cách và tiết kiệm, tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, giảm sự lệ thuộc vào phân bón vô cơ.

Được biết, trước đó ngày 10/8, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công thương lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra toàn diện, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón tại các tỉnh phía Nam. Đồng thời, Bộ NN&PTNT yêu cầu phối hợp với thanh tra của Cục Bảo vệ thực vật và thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu phân bón trên địa bàn các tỉnh phía Nam, đảm bảo việc kinh doanh các sản phẩm phân bón đúng chất lượng và giá theo quy định của nhà nước.

Khánh Linh