Nghịch lý giá xăng giảm, giá hàng hóa không giảm

Chị Nguyễn Liên Hương - kinh doanh bán hàng online tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ: "Từ đầu tháng 7/2022 đến nay, Nhà nước đã giảm giá xăng đến 4 lần giúp cho người dân chúng tôi rất phấn khởi. Với mức giá xăng giảm sâu hơn 8.000 đồng xuống mức 25.000 đồng-26.000 đồng/lít, tôi nghĩ rằng giá cả các mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ sẽ phải giảm".

Nhưng thực tế mặt hàng tiêu dùng ngoài chợ vẫn đứng ở mức cao và chưa thấy nhúc nhích giảm. Trước khi đẩy giá lên các tiểu thương đều lấy lý do giá xăng đắt đỏ khiến mọi chi phí đắt theo. Trong khi đó, lúc giá xăng giảm, người bán hàng lại lấy lý do do thời tiết, chi phí phân phối chưa giảm nên từ mớ rau, cân thịt vẫn đứng ở mức cao. Không những vậy, nghịch lý ở chỗ giá thịt heo thậm chí có lúc còn cao hơn lúc giá xăng trên đỉnh hơn 30.000 đồng/lít.

“Nhà nước đã quan tâm giảm giá xăng để tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống người dân, cũng mong muốn có giải pháp kiểm soát giá thị trường, ngăn chặn tình trạng tăng giá, ghìm giá theo kiểu "té nước theo mưa". Giá tiêu dùng cần được điều chỉnh giảm tương ứng theo giá xăng”- chị Liên Hương nói.

Giá xăng giảm nhưng giá nhiều mặt hàng không
Người tiêu dùng vẫn phải đợi để giá hàng hóa giảm theo giá xăng dầu.

Không chỉ người tiêu dùng mà những người làm nghề dịch vụ vận chuyển như taxi công nghệ cũng mong muốn giá cước giảm theo giá xăng để tăng lượng khách, qua đó tăng thu nhập. Một lái xe cho hãng taxi G7 cho biết: "Giá cước cao, khách hàng phàn nàn nhiều nên chúng tôi cũng chia sẻ bức xúc này. Tuy nhiên thủ tục đăng ký lại giá cước lại rất phức tạp, hãng xe phải thực hiện kê khai giá với sở giao thông vận tải tại địa phương. Sau đó, phải điều chỉnh đồng hồ tính tiền, phải in lại tờ niêm yết giá… Tất cả những công đoạn đó sẽ cần một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, giảm giá cũng phải có độ trễ!".

Lý giải về việc nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải chưa muốn giảm giá cước, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty cổ phần vận tải, thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho hay, khi xăng liên tục tăng và đứng ở mức hơn 33.000 đồng/lít, DN đã chịu lỗ chi phí để duy trì hoạt động. Hiện nay giá xăng giảm sâu là tín hiệu đáng mừng thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc điều hành giá, giúp cho DN phục hồi sản xuất. Nếu trong những ngày tới giá xăng tiếp tục giảm, DN sẽ tính đến việc cân đối kinh doanh và giảm giá cước. Tuy nhiên DN còn e ngại giá xăng trong nước tăng trở lại nếu giá thế giới tăng…

Giải pháp để xăng giảm, giá hàng hoá cũng giảm theo

Quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng giảm giá hàng hóa đương nhiên cần có độ trễ, nhưng giá xăng liên tục giảm 4 lần liên tiếp thì việc doanh nghiệp không giảm giá là bất hợp lý, không theo quy luật thị trường.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ, đồng ý là có độ trễ nhưng không thể trễ tới hàng tháng được. Người dân có quyền phản ánh nếu thấy giá xăng dầu giảm mà giá vận tải, giá một số mặt hàng mua bán vẫn như cũ.

Về giải pháp kiểm soát giá, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, hiện có 3 nhóm mặt hàng khiến cho chỉ số CPI tăng cao, chiếm tới 80% tổng mức tăng. Trong đó, nhóm giao thông vận tải đã chiếm khoảng 55% cơ bản vẫn là do giá xăng dầu. Nhóm thứ hai là lương thực thực phẩm chiếm khoảng 13% tổng mức tăng và nhóm thứ ba là nhóm vật liệu xây dựng đã chiếm tới 80% tổng biên độ tăng CPI 7 tháng đầu năm vừa qua, do đó cần tập trung kiểm soát giá cả 3 nhóm này là việc làm rất quan trọng.

Xử lý nghiêm các trường hợp tăng giá bất hợp lý

Ngày 4/8/2022, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên có công điện chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước triển khai đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu lực lượng quản lý thị trường trong cả nước tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; triển khai đợt cao điểm kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, từ nay cho đến hết năm 2022.

Theo đó, cần tính cả 2 nhóm giải pháp bao gồm trước mắt và lâu dài, bảo đảm tính bền vững chính sách. Trong đó phải làm rõ nguyên nhân cụ thể của việc tăng cấu phần giá. Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát nhưng cũng không thể làm triệt để được nếu ý thức của người dân và doanh nghiệp chưa vào cuộc. Do đó, cần tăng cường thêm ý thức cả doanh nghiệp và người dân, ngoài truyền thông, phải tạo văn hoá kinh doanh, đạo đức kinh doanh cả trước mắt và lâu dài.

Đề cập đến việc thực hiện công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, ngành Giao thông vận tải đã rà soát tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý giá để phối hợp với Bộ Tài chính ban hành những văn bản điều hành phù hợp.