Giảm 3.437 cơ quan cấp xã, 429 cơ quan cấp huyện

Tại phiên họp, trình bày báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát, đã nêu rõ những kết quả nổi bật thực hiện được trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã thời gian qua.

Cụ thể, Chính phủ, chính quyền địa phương đã khẩn trương, nghiêm túc triển khai việc rà soát tiêu chuẩn của ĐVHC để xây dựng phương án, đề án sắp xếp ĐVHC trình UBTVQH ban hành tổng cộng 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; qua đó cả nước đã giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã.

Cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện. Trong đó, khối hành chính giảm 752 cơ quan; khối đoàn thể giảm 2.856 cơ quan; khối cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc của trung ương đóng tại địa phương giảm 73 cơ quan; khối đơn vị sự nghiệp giảm 185 đơn vị.

Tổng số cán bộ, công chức cấp huyện của 21 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 2.411 người; số được bố trí theo đúng quy định là 1.705 người; số dôi dư là 706 người. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã của 1.056 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 20.417 người; số được bố trí theo đúng quy định là 10.712 người; số dôi dư là 9.705 người.

Việc sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC nông thôn vào đô thị không chỉ nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế mà còn là cơ hội để mở rộng không gian phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị, tạo cơ hội cho các đô thị có động lực phát triển.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 cũng còn có một số khó khăn, vướng mắc. Công tác bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp ĐVHC còn lúng túng. Số lượng người dôi dư cần tiếp tục giải quyết còn nhiều. Vẫn còn nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở các ĐVHC thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả. Việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá các trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Công tác hướng dẫn việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù đối với các ĐVHC mới được thành lập chưa kịp thời, đồng bộ. Chất lượng đô thị, mật độ dân số đô thị ở một số ĐVHC đô thị được hình thành trên cơ sở sáp nhập với ĐVHC nông thôn chưa được bảo đảm. Sau khi sắp xếp, nhu cầu đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị rất lớn trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại cuộc họp.

Mục tiêu cuối cùng phải là nâng cao hiệu lực quản lý

Con số lịch sử

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, sau khi sắp xếp thì chúng ta đã giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã, một con số mang tính lịch sử. Theo đó, đã giảm được gần 450 cơ quan, tổ chức hành chính cấp huyện và 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã; giảm được 12% biên chế công chức cấp huyện, giảm được 32,6% biên chế công chức của cấp xã và giảm được 56,4% số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Qua đó, giảm chi ngân sách nhà nước trên 2.000 tỷ đồng.

Sau khi nghe kết quả giám sát, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã phát biểu bày tỏ sự thống nhất với báo cáo của đoàn giám sát và làm rõ thêm một số nội dung.

Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc sắp xếp ĐVHC là một việc làm mới và thật sự rất khó, cũng rất phức tạp. Bởi trong lịch sử, từ 1986 đến 2015, hầu như các địa phương chỉ thực hiện việc chia tách. Việc sắp xếp lại, giảm các đơn vị thực sự là một vấn đề rất lớn về tư tưởng.

Bên cạnh những thuận lợi như là quyết tâm chính trị của Đảng, của Quốc hội và của Chính phủ rất cao, tập trung, thống nhất; quan điểm và phương thức lãnh đạo, tổ chức thực hiện rất rõ; các điều kiện kinh tế xã hội là cơ sở và động lực để thực hiện, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho hay khó khăn và thách thức là không nhỏ.

Bài toán khó nhất chính là giải phóng được tư tưởng để tạo được sự thống nhất, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, trong công chức, viên chức, trong các tầng lớp nhân dân.

Thứ hai, đây là việc chưa có tiền lệ, lại triển khai đồng loạt nên đã có nhiều tồn tại phát sinh. Sức ép về thời gian cũng là áp lực lớn cho các địa phương, bộ ngành trong thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần đánh giá cụ thể hơn kết quả giám sát, so sánh với mục tiêu để xem kết quả đạt được ra sao, cả về định lượng, định tính; làm rõ vì sao còn tồn đọng nhiều; kinh phí tiết kiệm cụ thể thế nào. Theo báo cáo, đến năm 2021 còn hơn 3.000 cán bộ cấp xã chưa giải quyết xong. “Sắp xếp không phải là để sắp xếp mà mục tiêu cuối cùng là để nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước... Sau khi sắp xếp thì các chỉ tiêu đo lường đánh giá ra sao, việc phục vụ người dân, cung cấp dịch vụ công như thế nào trong mấy năm vừa qua?” - Chủ tịch Quốc hội nêu câu hỏi.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu băn khoăn về vấn đề sắp xếp đô thị. Nêu ví dụ về việc nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long; rất nhiều địa phương thành lập thêm các thị xã, thị trấn, xã, phường, xã lên phường, xã thành thị trấn, huyện thành thị xã rất nhiều, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ báo cáo cho hay sau khi sắp xếp chưa đạt được 50% chất lượng và tiêu chí đô thị. “Trước đây nếu chúng ta thành lập một thị trấn hay một ĐVHC là làm kỹ lắm, đánh giá đủ các loại tác động, bố trí nguồn lực như thế nào để đảm bảo chuyện này” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Trên cơ sở báo cáo và những vấn đề Chủ tịch Quốc hội nêu, các đại biểu tham dự đã tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện báo cáo và dự thảo nghị quyết của UBTVQH. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã phát biểu về một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong thời gian tới. Kết thúc phiên họp, các thành viên UBTVQH đã biểu quyết thông qua nguyên tắc và tư tưởng chung của nghị quyết của UBTVQH về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã.

Chấm dứt tình trạng nợ tiêu chí đô thị

Về vấn đề nợ tiêu chí đô thị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết, vừa qua có tình trạng này. Một số địa phương đã cố gắng hoàn thành sau khi sắp xếp, nhưng một số địa phương khác thì không. Hiện nay, các cơ quan quản lý đang rà soát, đánh giá để rà soát lại tiêu chí và cũng thống nhất trong chỉ đạo chung là sẽ chấm dứt tình trạng nợ tiêu chí, chưa đủ tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện trong sắp xếp lại các ĐVHC. Đồng thời, các cơ quan quản lý sẽ phải rà soát, sắp xếp lại tiêu chí cho phù hợp với tình hình mới.