![]() |
Mục tiêu xử lý tài sản công dôi dư là bảo đảm hoạt động ổn định, hiệu quả của bộ máy sau sắp xếp. Ảnh tư liệu |
Khẩn trương hoàn thiện thể chế và điều hành sát sao
Để xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập hiệu quả, công tác chỉ đạo, điều hành được đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Chỉ trong vòng hơn một tháng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành liên tiếp 4 công điện chỉ đạo công tác rà soát, sắp xếp và xử lý tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính. Các công điện đều nhấn mạnh đến nguyên tắc xử lý tài sản công phải đảm bảo đồng bộ, công khai, minh bạch, không để thất thoát, lãng phí, đặc biệt ưu tiên sử dụng cho mục tiêu công thay vì bán thanh lý.
Ngoài ra để tạo hành lang pháp lý cho công tác xử lý tài sản công sau sắp xếp, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát, kiến nghị sửa đổi một loạt văn bản quy phạm pháp luật, trong đó trọng tâm là việc trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đồng thời ban hành mới và sửa đổi 11 văn bản pháp quy liên quan đến tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ công tác liên ngành do Thứ trưởng Bùi Văn Khắng làm Tổ trưởng, với sự tham gia của đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương cùng đại diện các Bộ: Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông… Tổ công tác đã làm việc trực tiếp theo cụm với tất cả 63 tỉnh, thành phố; hướng dẫn xử lý các vướng mắc, đặc biệt là những bất cập trong đánh giá hiện trạng, xác định tài sản dôi dư và xác lập phương án xử lý.
Không chủ quan, nóng vội trong xử lý tài sản công dôi dư
Bà Nguyễn Thị Thoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, mục tiêu trước tiên khi xử lý tài sản công dôi dư là bảo đảm hoạt động ổn định, hiệu quả của bộ máy sau sắp xếp, thay vì tìm kiếm lợi ích tài chính tức thời. “Bộ Tài chính khẳng định không khuyến khích bán thanh lý tài sản công, mà ưu tiên điều chuyển nội bộ hoặc bố trí lại phục vụ các mục tiêu công như giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội” - bà Thoa nhấn mạnh.
Chốt thực trạng và đưa ra phương án xử lý hiệu quả Bộ Tài chính đã yêu cầu các địa phương báo cáo toàn diện kết quả rà soát, xử lý tài sản công trong vòng 90 ngày kể từ mốc 1/7/2025. Khoảng thời gian này mang tính bản lề, nhằm chốt lại thực trạng, xác định chính xác nhà đất dôi dư, từ đó có phương án xử lý hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí tài sản công. |
Bà Thoa cũng lưu ý, việc đánh giá hiện trạng tài sản công phải toàn diện, khách quan, tránh tình trạng “thấy dư là lập tức loại bỏ”. Nhiều trụ sở tuy không còn phù hợp với cơ quan ban đầu nhưng vẫn có thể điều chuyển cho cơ quan khác có nhu cầu, hoặc cải tạo lại để sử dụng đa chức năng, tiết kiệm ngân sách đầu tư mới. Thực tế qua rà soát, các địa phương đang thực hiện theo đúng với những quy định này.
Đơn cử như tỉnh Bắc Giang (cũ) là một trong những địa phương đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc xử lý tài sản công dôi dư. Báo cáo của Sở Tài chính Bắc Giang cho biết, tỉnh hiện quản lý 2.427 trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp, sau sắp xếp chỉ còn 1.951 cơ sở tiếp tục sử dụng. Đặc biệt, 78 cơ sở dôi dư đã được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý, khai thác theo quy hoạch; hơn 20 trụ sở cấp huyện được bố trí lại cho cấp xã có nhu cầu, tránh phải đầu tư mới.
TP. Hải Phòng (cũ) cũng là địa phương xử lý nhanh và hiệu quả. Qua rà soát, thành phố xác định 183 trụ sở công dôi dư, trong đó 80% đã có phương án xử lý xong, chủ yếu bằng cách chuyển giao cho trung tâm phát triển quỹ đất, hoặc điều chuyển cho ngành giáo dục, y tế. Phần còn lại đang được rà soát lại về quy hoạch, pháp lý để lập phương án trình cấp có thẩm quyền.
Tại Hà Nội, với quy mô bộ máy hành chính đồ sộ, việc sắp xếp ảnh hưởng đến hơn 5.200 tài sản công, trong đó xác định có 291 cơ sở dôi dư. Thành phố đã tạm dừng 561/1.206 dự án đầu tư công nằm trong vùng sắp xếp, tránh đầu tư trùng lặp hoặc không còn phù hợp. Đồng thời, thành phố cũng đề xuất điều chỉnh cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xử lý và kiến nghị trung ương tháo gỡ một số bất cập về thẩm quyền, trình tự xử lý tài sản.
Với việc triển khai tại địa phương và ghi nhận thực tế của Bộ Tài chính cho thấy, sau ngày 1/7/2025 - mốc chính thức vận hành bộ máy mới, phần lớn các địa phương đã triển khai tương đối suôn sẻ, không còn nhiều vướng mắc đáng kể. “Tuy nhiên, để có cái nhìn đầy đủ và tránh nóng vội, Bộ Tài chính yêu cầu từng địa phương báo cáo kết quả xử lý cụ thể sau 90 ngày triển khai” - bà Thoa cho biết.
Thời hạn 90 ngày không chỉ là mốc kỹ thuật để tổng hợp báo cáo. Đây là khoảng thời gian để các địa phương chốt lại “bức tranh tài sản công sau sắp xếp”, từ đó xác lập cơ sở dữ liệu chính xác, phục vụ cho giai đoạn xử lý và khai thác tài sản công dôi dư một cách bài bản, hiệu quả.
“Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi sát sao, đồng hành tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương trong giai đoạn triển khai tiếp theo. Những khó khăn vượt thẩm quyền sẽ được tổng hợp, trình Chính phủ, Quốc hội để có giải pháp xử lý kịp thời” - bà Thoa khẳng định.
Không để tài sản công "nằm chờ"
Việc rà soát, xử lý hiệu quả tài sản công dôi dư không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách, giảm chi phí đầu tư trụ sở mới, mà còn mở ra cơ hội tận dụng lại nguồn lực đất đai, nhà cửa cho các mục tiêu phát triển - từ trường học, trạm y tế đến không gian văn hóa, hành chính công.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, việc xử lý dứt điểm tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính, bộ máy tổ chức là yêu cầu không thể chậm trễ. Đó không chỉ là nhiệm vụ hành chính, mà còn là biểu hiện cụ thể của tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Chống lãng phí cũng chính là phát triển”.
90 ngày cũng là khoảng thời gian thử thách về năng lực điều hành, sự minh bạch và trách nhiệm của từng cấp chính quyền địa phương. Việc xử lý tài sản công không thể làm qua loa, chiếu lệ, càng không thể để phát sinh tình trạng buông lỏng, thất thoát hoặc sử dụng sai mục đích. Chỉ khi tài sản công được quản lý hiệu quả, nền hành chính mới thật sự tinh gọn, hiệu lực - hiệu quả và gần dân.
Người đứng đầu các địa phương đã có sự quan tâm sát sao tới việc xử lý tài sản công dôi dư Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, việc xử lý, sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất là việc rất khó và chưa có tiền lệ, hơn nữa lại cần độ chính xác cao về các số liệu, dữ liệu. Tuy nhiên, với những kết quả của việc rà soát các cơ sở nhà, đất khi thực hiện sắp xếp lại các đơn vị hành chính và đưa ra phương án xử lý đã cho thấy sự quan tâm và sát sao của người đứng đầu ở địa phương đối với công tác này. |