Hà Nội

Hà Nội tăng lượng hàng hóa cung ứng cho người dân đến từng vùng. Ảnh: Phúc Nguyên

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, với nguyên tắc "người ở vùng nào thì ở vùng đó", thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người dân vẫn được UBND quận, huyện phát Phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng gia đình trên địa bàn, để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán hàng và thực hiện những hình thức mua hàng tại điểm bán hàng lưu động và mua hàng online.

Cụ thể, tại phân vùng 1 có 78 siêu thị, 149 chợ, 5.095 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu có hình thức bán hàng trực tuyến, 927 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho, điểm bán hàng lưu động ngay khi cần thiết. Các hệ thống này bảo đảm cung ứng hàng hóa cho khoảng 3,78 triệu dân.

Các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng hóa gấp 2 đến 3 lần so với nhu cầu sử dụng bình thường, dự trữ tại các kho bên trong và ngoài phân vùng 1, thường xuyên điều tiết hàng hóa, không để thiếu hàng cục bộ.

Ngoài ra, một số địa phương thông qua hệ thống siêu thị, chuỗi thực phẩm, chợ đầu mối đã cung ứng cho thị trường Hà Nội lượng lớn thực phẩm.

Ví dụ, tỉnh Hòa Bình cung cấp 200 tấn rau hữu cơ, 120 tấn quả có múi các loại, 2.500 tấn thịt lợn, 1.000 tấn thịt gà, 500 tấn thịt bò; 1.500 tấn cá sông Đà, sản phẩm nông sản chế biến trên 300 tấn các loại… Tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp 80.000 tấn rau củ quả, 250 triệu quả trứng gà, gà thịt: 3.200 tấn, thịt lợn 15.000 tấn, thủy sản 4.000 tấn. Tỉnh Lạng Sơn cung cấp khoảng 20 tấn rau, củ, quả, trên 50 tấn sản phẩm đã qua chế biến như măng ớt, cao khô, thạch đen, hoa quả các loại. Tỉnh Hà Nam cung cấp 20.200 tấn thịt lợn, khoảng 1.200 tấn thịt gia cầm đã qua kiểm dịch và các loại rau củ quả, gạo.

Theo đại diện của các hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội, từ nay đến hết ngày 21/9 doanh nghiệp bán lẻ sẽ phối hợp với các quận, huyện như Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh trì, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông… tổ chức những điểm bán hàng lưu động bởi những địa phương này có ít hệ thống phân phối, hoặc chợ truyền thống bị đóng cửa do có ca F0.

Đối với các chợ trong phân vùng 1, tiểu thương chủ động lấy hàng từ nguồn đầu mối tại chỗ. Trong trường hợp nguồn cung chưa đủ, thành phố sẽ cho vận hành các điểm trung chuyển để làm điểm giao nhận hàng hóa cho tiểu thương các chợ. Đối với "vùng đỏ", khu vực cách ly, phong tỏa, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân (sử dụng lực lượng shiper, các lực lượng khác: Phụ nữ, thanh niên, tổ dân phố… để đưa hàng đến từng hộ dân hoặc đến các chốt).

Đối với các hộ dân hiện đang sinh sống tại phân vùng 2 và phân vùng 3 cũng sẽ mua hàng thiết yếu thông qua 23 siêu thị, 300 chợ, 4.451 cửa hàng tiện ích, 1.491 điểm bố trí bán hàng lưu động...

TP.Hà Nội cam kết đảm bảo đầy đủ nguồn hàng và điều phối, cung ứng hàng hóa đến người dân trên địa bàn, người dân yên tâm không cần mua sắm tích trữ, chỉ mua đủ dùng cho 3 ngày/tuần theo lịch đi mua hàng.

“Với nguyên tắc “người dân là trung tâm, là chủ thể” để phục vụ; chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào thì ở vùng đó”, đối với vùng 1 mặc dù thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, người dân vẫn được UBND quận, huyện thực hiện phát phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn quận, huyện để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán hàng (chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) và thực hiện các hình thức mua hàng tại các điểm bán hàng lưu động và mua hàng online phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân” - bàTrần Thị Phương Lan thông tin./.

Phúc Nguyên