Hà Nội sẽ tổng kiểm kê tài sản công đảm bảo đồng bộ, thống nhất
Hà Nội đã có nhiều kinh nghiệm về kiểm kê tài sản công những lần trước đây. Ảnh tư liệu minh họa

PV: Bộ Tài chính vừa công bố Quyết định số 798/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 213/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý. Ông đánh giá gì về quyết định này?

Ông Mai Công Quyền: Ngày 5/4/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 798/QĐ-BTC (QĐ 798) về kế hoạch triển khai Quyết định số 213/QĐ-TTg (QĐ 213) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do nhà nước đầu tư, quản lý.

Kết quả tổng kiểm kê tài sản công theo đề án được phê duyệt là cơ sở để TP. Hà Nội nắm được thực trạng của tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý về các mặt số lượng, giá trị, cơ cấu, hiện trạng sử dụng…

Trên cơ sở đó, thành phố từng bước hoàn thiện hoặc kiến nghị hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, thành phố cũng sẽ xử lý, khắc phục dứt điểm các tồn tại, hạn chế và đề xuất triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của TP. Hà Nội, giai đoạn tiếp theo.

Hà Nội sẽ tổng kiểm kê tài sản công đảm bảo đồng bộ, thống nhất
Ông Mai Công Quyền

Trên cơ sở kế hoạch triển khai đề án của Bộ Tài chính, Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện trong quý II/2024, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

PV: Tài sản công là nguồn lực lớn, quan trọng, có phạm vi rộng và phức tạp. Theo ông, trong quá trình kiểm kê, TP. Hà Nội sẽ có những thuận lợi, khó khăn gì?

Ông Mai Công Quyền: Tài sản công là nguồn lực quan trọng, có phạm vi rộng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của mỗi quốc gia. Đây là nguồn lực tài chính quan trọng đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng đối với Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng.

Việc tổng kiểm kê tài sản công là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng, khai thác và phát huy nguồn lực tài sản công, tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phòng chống tham nhũng tiêu cực.

Công tác kiểm kê tài sản là hoạt động định kỳ hàng năm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của TP. Hà Nội theo quy định pháp luật về kế toán, quản lý, sử dụng tài sản công, chỉ đạo của UBND thành phố, có sự đôn đốc, kiểm tra thường xuyên của cơ quan tài chính các cấp.

Ngoài ra, việc tổng kiểm kê tài sản công trước đây đã được Bộ Tài chính triển khai trong giai đoạn xây dựng, ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Vì vậy, các cơ quan, tổ chức, đơn vị của thành phố sẽ ít gặp lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

Một thuận lợi nữa là trong giai đoạn 2022 - 2023, thành phố đã xây dựng, phê duyệt Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của TP. Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025, định hướng giai đoạn 2026 - 2030.

Trong quá trình xây dựng, Sở Tài chính đã đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị rà soát, thống kê, báo cáo hiện trạng quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý, tổng hợp gửi Sở Tài chính tổng hợp thực trạng của tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố. Như vậy, có thể coi các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thành phố đã có một lần chuẩn bị cho đợt tổng kiểm kê tài sản công lần này.

Hiện UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài chính hoàn thiện Cơ sở dữ liệu tài sản công khối hành chính sự nghiệp (đang trong khâu cuối cùng là tiến hành đồng bộ dữ liệu từ các sở, ban, ngành quận, huyện, thị xã) của thành phố. Đây sẽ là một công cụ quan trọng giúp các đơn vị tổng hợp số liệu rà soát, đối chiếu, kiểm tra số liệu kiểm kê do các đối tượng thực hiện kiểm kê báo cáo.

Bên cạnh đó, Sở Tài chính cũng nhận định một số khó khăn, vướng mắc sẽ phát sinh trong quá trình kiểm kê tài sản công. Cụ thể: Do số lượng cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố lớn, đặc biệt là số lượng đơn vị sự nghiệp công lập khoảng 2.600 đơn vị, địa bàn phân bố rộng, tài sản đa dạng và phong phú cả về chủng loại, số lượng, điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ tổng hợp số liệu kiểm kê tài sản công.

PV: Trước thực tế đó, Sở Tài chính sẽ tham mưu cho thành phố và phối hợp như thế nào với các đơn vị để tổng kiêm kê tài sản công đạt hiệu quả cao nhất?

Ông Mai Công Quyền: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ 213, Sở Tài chính đã có tờ trình báo cáo UBND thành phố thành lập Ban Chỉ đạo kiểm kê tài sản công của thành phố, do Sở Tài chính là cơ quan thường trực.

Trên cơ sở kế hoạch kiểm kê do Bộ Tài chính (ban hành kèm theo QĐ 798), hiện Sở Tài chính Hà Nội đang hoàn thiện để báo cáo UBND thành phố phê duyệt kế hoạch triển khai; trong đó phân công rõ nhiệm vụ và trách nhiệm, tiến độ triển khai đến các thành viên theo từng lĩnh vực.

Trong giai đoạn chuẩn bị kiểm kê (trước ngày 1/1/2025), Sở Tài chính Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Tài chính khảo sát, xác định chỉ tiêu kiểm kê làm cơ sở Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn kiểm kê; phối hợp các sở, ngành nghiên cứu xây dựng văn bản hướng dẫn kiểm kê tài sản công của thành phố trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Cùng với đó, sở phối hợp với Bộ Tài chính và sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã hướng dẫn, tập huấn kiểm kê cho các đầu mối trực thuộc thành phố. Ngoài ra, tham mưu báo cáo UBND thành phố cân đối nguồn lực cho ngân sách các cấp để đảm bảo triển khai thực hiện Đề án tổng kiểm kê tài sản công trong phạm vi thành phố.

PV: Xin cảm ơn ông!

Từ ngày 1/1/2025 tổng kiểm kê tài sản công

Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 1/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý. Theo đề án, từ ngày 1/1/2025, sẽ thực hiện tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý trên phạm vi cả nước.