Theo kết quả thanh tra, kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, đối với 10 quận nội thành, cho thấy, tại UBND các phường, phần lớn quản lý diện tích đất nông nghiệp trên hệ thống bản đồ hiện trạng được xây dựng từ giai đoạn 1993 đến 1998, công tác lập sổ theo dõi biến động chưa được UBND các phường quan tâm thực hiện, các tài liệu, hồ sơ giao đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân không được lưu giữ đầy đủ.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuyển nhượng và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. UBND phường chưa có hồ sơ đầy đủ đến từng thửa đất nông nghiệp do UBND phường đang quản lý; không có hồ sơ quản lý đất nông nghiệp được bàn giao qua các thời kỳ, thiếu hồ sơ bàn giao qua các thời kỳ làm cơ sở xác định trách nhiệm quản lý và xử lý khi phát sinh các công trình xây dựng trái phép theo quy định, dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm, đưa vụ việc vi phạm thành những tồn tại lâu năm, khó khăn cho xử lý vi phạm.

Ngoài ra, nội dung thống kê, kiểm tra đất đai của UBND các xã, phường, thị trấn thuộc các quận, huyện, thị xã thiếu chính xác, không phản ánh đúng thực tế sử dụng đất dẫn đến khó khăn cho công tác tổng hợp báo cáo số liệu khi có yêu cầu. Phần lớn diện tích đất nông nghiệp tại các quận nội thành không còn sử dụng vào mục đích nông nghiệp do quá trình đô thị hóa nhanh, phần diện tích còn lại ở dạng mặt nước và đất bằng không còn khả năng canh tác.

Cùng với đó, công tác quản lý đất nông nghiệp, đất công, đất công ích và đất bãi bồi ven sông tại một số phường thiếu chặt chẽ, tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, cho thuê và thu các khoản liên quan đến đất không đúng quy định, vi phạm các quy định của Luật Đất đai.

Đối với các huyện, thị xã, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập 9 đoàn Thanh tra, kiểm tra tại các quận, huyện: Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Mê Linh, Gia Lâm, Đan Phượng. Qua kiểm tra đã phát hiện 697,5774 ha đất nông nghiệp bị vi phạm trên tổng diện tích đất kiểm tra là 3.637,6487 ha. Qua kiểm tra, thấy nổi lên một số vi phạm như không thực hiện đấu giá để giao thầu sử dụng đất công ích, không thực hiện lập phương án sử dụng đất công ích trình HĐND cùng cấp phê duyệt, cho thuê đất hoặc giao đất không đúng quy định.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, Thành phố đã chấp thuận chủ trương xây dựng hồ sơ địa chính, Sở phấn đấu hoàn thành trong tháng 8, 9 để tháng 10 triển khai. Tuy nhiên công tác quản lý đất nông nghiệp, đất công rất phức tạp và vi phạm vẫn tiếp tục diễn ra, việc xử lý các trường hợp vi phạm ở các địa phương rất khó khăn. Ngoài ra, số liệu báo cáo của các địa phương không thống nhất, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh, hạn chế lớn nhất trong quản lý đất nông nghiệp, đất công là công tác phát hiện, xử lý vi phạm, nhất là về trật tự xây dựng như xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất công. Phó chủ tịch cũng cho rằng công tác quản lý về mặt nhà nước, thanh tra, kiểm còn hạn chế, việc xử lý có nơi, có lúc còn chậm, lúng túng.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch yêu cầu tập trung rà soát, thống kê lại toàn bộ quỹ đất nông nghiệp, đất công, đất bãi bồi ven sông trên toàn địa bàn thành phố phục vụ công tác quản lý, thống kê; Đối với đất nông nghiệp, đất công đã được sử dụng đúng luật, phù hợp với quy hoạch phải thiết lập hồ sơ cấp sổ đỏ. Đối với các vi phạm, các đơn vị tiến hành lập hồ sơ, làm rõ các vi phạm và phân loại để xử lý ngay theo đúng quy định.

Phó Chủ tịch yêu cầu Thanh tra Xây dựng các quận, huyện tập trung làm rõ, xử lý các vi phạm. Phó Chủ tịch nhấn mạnh không chỉ xử lý cá nhân vi phạm mà còn quy rõ trách nhiệm cả đội ngũ cán bộ quản lý nếu có vi phạm trên địa bàn. Đồng thời phải công bố công khai các quy hoạch và tuyên truyền, phổ biến để nhân dân biết. Các quận, huyện tập trung tăng cường khai thác tiềm năng, quản lý chặt chẽ đất công, đất nông nghiệp.

Phó Chủ tịch khẳng định, Thành phố sẽ xử lý cán bộ nếu xảy ra vi phạm trong quản lý đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn được giao quản lý./.

Theo hanoi.gov.vn