Hà Nội: Thích ứng linh hoạt nhất để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Nhiều chỉ số tăng mạnh thể hiện sự phục hồi kinh tế của thành phố

Tại hội nghị giao ban công tác tháng 3/2022 do UBND TP.Hà Nội tổ chức chiều ngày 11/3, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố 2 tháng đầu năm 2022 ước đạt 69,1 nghìn tỷ đồng, đạt 22,6% dự toán, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, thu nội địa đạt hơn 64,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Hầu hết chỉ số sản xuất và tiêu dùng tháng 2 giảm so với tháng 1 do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.

“Tuy nhiên, so với cùng kỳ, các chỉ số đều tăng mạnh, cho thấy dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế” - ông Vũ Duy Tuấn nhấn mạnh.

Nhiều chỉ số tăng mạnh thể hiện sự phục hồi kinh tế của thành phố. Ví dụ, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm 2022 ước tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021; đa số các ngành sản xuất chế biến, chế tạo tăng so với cùng kỳ năm trước, một số ngành đạt mức tăng cao, như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 20,7%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 49,7%...

Đặc biệt, xuất nhập khẩu hàng hóa phục hồi mạnh so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu lũy kế 2 tháng đầu năm 2022 đạt 2.671 triệu USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng qua đạt 109,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 73,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so cùng kỳ…

Về kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, đến ngày 10/3, toàn thành phố giải ngân được hơn 2.638 tỷ đồng, đạt 5,1% kế hoạch vốn thành phố giao. Trong đó, nguồn ngân sách cấp thành phố giải ngân được gần 903 tỷ đồng (tương đương 5% kế hoạch), nguồn ngân sách cấp huyện (bao gồm cả ngân sách thành phố hỗ trợ) giải ngân được hơn 1.705 tỷ đồng (tương đương 6,34% kế hoạch).

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh khẳng định, bức tranh kinh tế - xã hội Thủ đô có rất nhiều tín hiệu khởi sắc, cơ bản thể hiện tín hiệu phục hồi kinh tế tích cực, hầu hết chỉ tiêu vượt cao so với cùng kỳ.

"Thành phố đang thích ứng linh hoạt khi từ thành phố đến cơ sở kiểm soát một cách chủ động dịch Covid-19. Trong 2 tháng đầu năm 2022, thành phố vượt qua khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt là với y tế cơ sở, khi số ca nhiễm Covid-19 với biến chủng Omicron tăng đột biến. Trong hoàn cảnh như vậy, thành phố đã tập trung chăm sóc, quản lý được đối tượng nguy cơ cao" - ông Chu Ngọc Anh nói.

Trong tháng 3, UBND thành phố ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ. Đồng thời, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, các đề án, nhiệm vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như: đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040; Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã đề ra theo các nghị quyết, kết luận, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố, bám sát các nội dung chỉ đạo tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Hà Nội: Thích ứng linh hoạt nhất để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng qtrên địa bàn Thủ đô tăng 9,9% so cùng kỳ. Ảnh: Khánh Linh

Chú trọng phát triển các ngành kinh tế tiềm năng

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng, UBND thành phố tập trung triển khai các giải pháp kiểm soát lạm phát; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời, triển khai việc giảm thuế giá trị gia tăng; huy động các nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng tín dụng, giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân.

Thành phố cũng hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau tết, hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc thông qua tăng cường các hoạt động giới thiệu việc làm, kết nối cung cầu lao động. Thúc đẩy các hoạt động sản xuất công nghiệp; bảo đảm cung cầu hàng hóa trên thị trường, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung.

Kết luận hội nghị giao ban, để hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm tháng 3, quý I và các tháng còn lại của năm 2022, ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, cần có quyết tâm cao nhất, chung sức, đồng lòng, thích ứng linh hoạt nhất để phục hồi và phát triển kinh tế Thủ đô mạnh mẽ ngay từ quý I và cả năm 2022.

Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các cấp, ngành, địa phương tập trung cao độ thực hiện những nhiệm vụ chính trị đặt ra với địa bàn Thủ đô, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025”.

Về thích ứng trong tình hình mới, ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: “phục hồi tốt nhưng phải thích ứng an toàn, linh hoạt”. Với tinh thần này, các sở, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tất cả các khâu, lĩnh vực quản lý; có chỉ tiêu, chỉ số cải cách hành chính của đơn vị theo hướng thực chất.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các ngành, các cấp tập trung kiểm soát chặt chẽ, hạn chế ca mắc Covid-19 chuyển nặng, chuyển tầng điều trị. Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở; giữ vững nguyên tắc “5K + vắc-xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân”, không lơ là, chủ quan. Về đối tượng nguy cơ cao, cần khẩn trương có kế hoạch cụ thể để có biện pháp bảo vệ.

"Để phát triển kinh tế - xã hội, các đơn vị, địa phương phải tập trung quyết liệt giải ngân đầu tư công, chú trọng phát triển các ngành kinh tế tiềm năng, tạo sức bật trong năm 2022. Có những ngành hàng đã thích ứng nhưng chưa đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, do đó, cần quyết liệt và khẩn trương hoàn thiện kịch bản tăng trưởng của các cấp, các ngành, đơn vị, tránh kế hoạch có tính “trên giấy”, không khả thi trong thực tiễn. Các ngành, các cấp tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài" - Chủ tịch UBND TP yêu cầu.

Thực hiện Chương trình hành động số 02/CTr-UBND của UBND thành phố về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, đến nay, có 22 sở, ban, ngành và 11 UBND quận, huyện, thị xã của TP.Hà Nội đã ban hành các kế hoạch, chương trình để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao và cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương mình. Trong quý I/2022, với 70 nhiệm vụ, đã có 9 nhiệm vụ hoàn thành, 41 nhiệm vụ đang triển khai thực hiện.