PV: Thưa ông, 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Tĩnh đã cụ thể hóa và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, chương trình trọng điểm, các đột phá chiến lược. Xin ông chia sẻ về kết quả này?

Ông Hoàng Trung Dũng: Bám sát chương trình hành động thực hiện nghị quyết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã ban hành 13 nghị quyết và nhiều chỉ thị, kết luận để cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng yếu như: công tác cán bộ; xây dựng nông thôn mới (NTM); tập trung, tích tụ ruộng đất; phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã; phát triển khu kinh tế (KKT) Vũng Áng; mở rộng TP. Hà Tĩnh; đẩy mạnh xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics; chuyển đổi số, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.

Hà Tĩnh phấn đấu trong Top địa phương tăng trưởng kinh tế cao của cả nước
Ông Hoàng Trung Dũng

Triển khai các nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành 80 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 9 đề án và nhiều chương trình, kế hoạch để triển khai tổ chức thực hiện.

Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tập trung phát triển 4 ngành kinh tế trọng điểm: công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; nông nghiệp; dịch vụ, du lịch; dịch vụ cảng biển và logistics; 3 trung tâm đô thị: phát triển TP. Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh; đô thị phía Bắc với hạt nhân là thị xã (TX) Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Nghi Xuân, thị trấn Xuân An, thị trấn Can Lộc và thị trấn Đức Thọ; đô thị phía Nam với hạt nhân là TX Kỳ Anh gắn với KKT Vũng Áng và các vùng phụ cận; 3 hành lang kinh tế: đồng bằng ven biển cùng với quốc lộ 1 và đường ven biển; dọc đường 8 và TX Hồng Lĩnh - Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây; trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh; 1 trung tâm động lực tăng trưởng: KKT Vũng Áng và dựa trên 4 nền tảng chính: nguồn lực và văn hóa con người Hà Tĩnh; chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch; tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả đề án xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM theo lộ trình.

PV: Thưa ông, những định hướng chiến lược nêu trên cùng với các giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp đã giúp Hà Tĩnh đạt được kết quả như thế nào trên các lĩnh vực trong năm 2022?

Ông Hoàng Trung Dũng: Tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Hà Tĩnh năm 2022 đạt được những kết quả quan trọng. 19/26 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đã thể hiện nỗ lực, quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, trong đó, một số chỉ tiêu quan trọng như: thu ngân sách đạt hơn 18.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 45,08 triệu đồng (kế hoạch là 39 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 4%. Thu hút đầu tư có những tín hiệu tích cực; các dự án cell pin, Nhiệt điện Vũng Áng 2, Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh đi vào hoạt động, tạo động lực mới cho tăng trưởng.

Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá với điểm nhấn trong công tác tập trung, tích tụ ruộng đất, bước đầu hình thành các chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn. Chương trình xây dựng NTM đạt kết quả khả quan, nhất là dồn sức hỗ trợ các địa phương khó khăn đạt chuẩn. Hoạt động du lịch, dịch vụ từng bước phục hồi…

Hà Tĩnh phấn đấu trong Top địa phương tăng trưởng kinh tế cao của cả nước

Một góc khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: DN

PV: Xin ông cho biết các nhiệm vụ trọng tâm để đưa KT-XH tỉnh Hà Tĩnh bứt phá trong năm 2023 - năm bản lề thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp?

Ông Hoàng Trung Dũng: Năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện kế hoạch 5 năm (2021-2025). Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo, BCH Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh sẽ tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền.

Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, trong sạch. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức bản lĩnh chính trị vững vàng, tiên phong, gương mẫu về đạo đức và lối sống, có tính chuyên nghiệp cao, lăn xả với công việc; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; khuyến khích và bảo vệ những cán bộ dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung;

Triển khai có hiệu quả các nghị quyết của tỉnh đã ban hành gắn với Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Hội nghị Trung ương 6;

Triển khai kịp thời Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư, đẩy nhanh các dự án trọng điểm. Tập trung giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án đường cao tốc Bắc – Nam;

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất công nghiệp; duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM…

Phấn đấu trong top 20 địa phương có tổng sản phẩm đứng đầu cả nước

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” và Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sẽ tạo cơ sở để Hà Tĩnh nỗ lực phấn đấu trở thành tỉnh phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm cao của cả nước.

PV: Trong chặng đường đi tới, nguồn lực văn hóa, sức mạnh con người Hà Tĩnh được khẳng định có vai trò hết sức to lớn. Xin ông cho biết những giải pháp trọng tâm nhằm phát huy sức mạnh con người Hà Tĩnh trước những yêu cầu phát triển KT - XH của tỉnh?

Ông Hoàng Trung Dũng: Để văn hóa thực sự là nền tảng, động lực và mục tiêu cho sự phát triển, ở tầm vĩ mô phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, đầu tư tương xứng cho văn hóa; chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, nhất là các giá trị văn hóa được UNESCO vinh danh. Đặc biệt phải hết sức chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đó là: văn hóa gia đình, dòng họ để giữ gìn nền nếp gia phong; văn hóa làng xã để lưu giữ tình làng, nghĩa xóm; coi trọng văn hóa học đường để giáo dục nhân cách cho học sinh, vun đắp truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo; quan tâm văn hóa doanh nghiệp,…

Tỉnh sẽ tập trung triển khai Đề án phát triển văn hóa Hà Tĩnh, xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, khơi dậy ý chí, khát vọng của mỗi người dân; làm cho văn hóa Hà Tĩnh phải lan tỏa hơn nữa đến bạn bè muôn phương.

PV: Xin cám ơn ông!