![]() |
Khi doanh nghiệp thấy cơ chế chính sách thuế công bằng hơn, minh bạch hơn sẽ chủ động tái đầu tư, mở rộng quy mô. Ảnh tư liệu |
PV: Bộ Chính trị mới đây đã ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) về phát triển kinh tế tư nhân. Ngay sau đó, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 68. Ông đánh giá thế nào về các nghị quyết này?
![]() |
TS. Phan Hoài Nam: Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68, cùng với những động thái đồng bộ và nhanh chóng từ Quốc hội và Chính phủ trong việc thể chế hóa và triển khai kế hoạch hành động, theo tôi là một bước tiến chiến lược rất đáng ghi nhận. Điều này thể hiện rõ tinh thần nhất quán từ Trung ương đến các cơ quan lập pháp và hành pháp trong việc xác lập vai trò then chốt của khu vực kinh tế tư nhân trong chiến lược phát triển đất nước.
Chúng ta cần nhìn nhận, trong nhiều năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã ngày càng khẳng định vai trò động lực tăng trưởng, hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân cũng là khu vực gặp nhiều rào cản nhất, từ khó khăn trong tiếp cận vốn, đất đai, thị trường, cho đến gánh nặng về thủ tục hành chính và môi trường pháp lý thiếu ổn định.
Cơ chế thực thi cần hiệu quả, minh bạch và đo lường được"Điều quan trọng là cần có cơ chế thực thi hiệu quả, minh bạch và đo lường được kết quả. Chính sách tốt mà không đi vào cuộc sống thì không tạo ra được thay đổi thực chất. Vì vậy, tôi rất kỳ vọng cùng với Nghị quyết 68, sẽ có một hệ sinh thái quản trị công được cải thiện theo hướng kiến tạo, đồng hành và đối thoại thực chất với doanh nghiệp tư nhân" - TS. Phan Hoài Nam. |
Nghị quyết 68 là một bước đi đúng hướng, bởi không chỉ khẳng định vai trò của kinh tế tư nhân, mà còn lần đầu tiên đặt vấn đề phát triển khu vực này trong một khuôn khổ chính sách mang tính chiến lược dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm và phân tầng theo quy mô doanh nghiệp. Khi các cơ chế, chính sách đặc thù được triển khai nhất quán như ưu đãi về thuế, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường vốn tư nhân thì chúng ta mới thực sự tháo gỡ được những điểm nghẽn cốt lõi đang kìm hãm sự phát triển của khu vực này.
PV: Một trong những giải pháp được nêu trong Nghị quyết 198/2025/QH15 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân là hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí. Theo ông, những hỗ trợ này sẽ có tác động thế nào tới các doanh nghiệp tư nhân?
TS. Phan Hoài Nam: Từ góc độ thực tiễn nhiều năm làm việc cùng khối doanh nghiệp tư nhân - đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tôi cho rằng, các chính sách hỗ trợ về thuế và lệ phí nếu được thiết kế hợp lý và thực thi hiệu quả sẽ tạo ra 3 tác động rõ rệt.
Thứ nhất, giảm áp lực tài chính trước mắt cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động, chi phí đầu vào tăng, sức mua thị trường chưa phục hồi mạnh, thì việc được miễn, giảm một phần thuế, lệ phí - đặc biệt là các loại thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng hoặc các khoản lệ phí cố định hàng năm - sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực duy trì dòng tiền, tiếp tục hoạt động sản xuất - kinh doanh, giữ chân người lao động.
Thứ hai, tạo động lực đầu tư trở lại vào sản xuất, đổi mới sáng tạo và tuân thủ pháp luật. Khi doanh nghiệp thấy cơ chế chính sách thuế công bằng hơn, minh bạch hơn thì họ sẽ chủ động tái đầu tư, mở rộng quy mô, đăng ký kinh doanh đầy đủ và tuân thủ các nghĩa vụ thuế một cách tự nguyện. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn duy trì quy mô nhỏ hoặc không chính thức, một phần vì lo ngại chi phí tuân thủ cao và môi trường pháp lý chưa thân thiện. Do đó, nếu chúng ta thiết kế hỗ trợ thuế như một công cụ khuyến khích chính thức hóa và phát triển bền vững, thì sẽ có tác dụng “kép” - vừa hỗ trợ, vừa thu hút thêm nguồn thu ổn định cho ngân sách trong dài hạn.
Thứ ba, tạo hiệu ứng lan tỏa trong hệ sinh thái doanh nghiệp nội địa. Các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp đầu chuỗi hoặc tham gia xuất khẩu, nếu được hỗ trợ thuế đúng cách, sẽ có khả năng tăng cường năng lực cạnh tranh, từ đó kéo theo sự phát triển của các nhà cung cấp trong nước, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vệ tinh. Điều này rất quan trọng nếu chúng ta muốn nâng cấp chuỗi giá trị nội địa và không để nền kinh tế quá phụ thuộc vào khối FDI.
Tuy nhiên, như tôi đã chia sẻ, chính sách dù tốt đến đâu cũng cần được thực thi minh bạch, ổn định và có thể dự đoán trước. Nếu chúng ta giải được bài toán thực thi, thì chính sách thuế không chỉ là công cụ quản lý thu ngân sách, mà còn là đòn bẩy phát triển cho khu vực tư nhân trong những năm tới.
PV: Ông kỳ vọng gì vào sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân trong thời gian tới, khi các nghị quyết trên được thực thi?
TS. Phan Hoài Nam: Khi các nghị quyết từ Trung ương, Quốc hội đến Chính phủ được thực thi đồng bộ, hiệu quả và có cơ chế giám sát thực chất, khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ bước sang một giai đoạn phát triển mới - vững vàng hơn, bài bản hơn và có vị thế ngày càng rõ nét trong nền kinh tế. Cụ thể là vào 3 chuyển biến lớn:
Thứ nhất, là sự trưởng thành về chất. Doanh nghiệp tư nhân không chỉ phát triển về số lượng mà sẽ từng bước nâng cấp về quản trị, năng suất và năng lực cạnh tranh quốc tế. Khi các chính sách hỗ trợ tập trung vào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cùng với hệ thống thuế công bằng và môi trường kinh doanh ổn định, tôi tin nhiều doanh nghiệp Việt sẽ vượt qua được vòng xoáy “giá rẻ - lợi nhuận thấp”, để xây dựng được thương hiệu riêng, chuỗi giá trị riêng, và có thể đi ra nước ngoài một cách đàng hoàng.
Thứ hai, là sự thay đổi trong cách doanh nghiệp nhìn nhận nhà nước - và ngược lại. Khi doanh nghiệp thấy rằng Nhà nước đồng hành một cách thực tâm, không chỉ ở lời nói mà qua hành động cụ thể - từ giảm gánh nặng chi phí, tạo điều kiện tiếp cận nguồn lực, đến bảo vệ quyền lợi chính đáng - thì họ sẽ tin tưởng hơn vào chính sách và sẵn sàng đầu tư dài hạn. Tinh thần đó sẽ giúp hình thành một mối quan hệ đối tác công - tư đúng nghĩa, thay vì mối quan hệ “xin - cho” như trước đây.
Thứ ba, là sự hình thành lực lượng doanh nghiệp “dẫn dắt” trong từng ngành. Với cơ chế khuyến khích phù hợp, tôi kỳ vọng trong vòng 5 - 10 năm tới, Việt Nam sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, có khả năng dẫn dắt thị trường trong các lĩnh vực trọng yếu như công nghệ, năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh, logistics và sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Những doanh nghiệp này sẽ là trụ cột để nâng tầm năng lực nội sinh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, để những kỳ vọng này thành hiện thực, tôi cho rằng, cần thêm 3 yếu tố song hành: sự kiên định trong cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh; tăng tính ổn định và dự báo được của chính sách, đặc biệt là chính sách thuế, đất đai và đầu tư; vai trò chủ động, liên kết và tự nâng cấp của chính bản thân các doanh nghiệp tư nhân. Khi cả 3 phía - nhà nước, thị trường và doanh nghiệp - cùng chuyển động, tôi tin khối tư nhân Việt Nam sẽ không còn chỉ là “động lực quan trọng”, mà sẽ là “nền tảng quyết định” của tăng trưởng dài hạn và phát triển bền vững.
PV: Xin cảm ơn ông!