Thiếu chấm điểm tín dụng "soi đường", hoạt động P2P Lending loay hoay tìm lối đi

PV: Sau nhiều năm ấp ủ, cơ chế sandbox (thử nghiệm có kiểm soát) trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có cho vay ngang hàng sẽ được áp dụng từ ngày 1/7 tới đây. Liệu bước đi này sẽ giúp các nền tảng P2P Lending vận hành đúng bản chất, minh bạch và hiệu quả hơn thời gian tới, thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: P2P Lending (cho vay ngang hàng) phát triển từ lâu và có nhiều đơn vị triển khai, song phần lớn hoạt động cho vay lại biến tướng, núp bóng tín dụng đen. Hầu hết các nền tảng hiện chỉ đóng vai trò như “cò tín dụng” trá hình, thu thập thông tin khách hàng, rồi bán lại cho các công ty tài chính hoặc ngân hàng. Mô hình lý tưởng ban đầu của P2P là loại bỏ trung gian tài chính giúp giảm lãi suất cho vay, nhưng thực tế, lãi suất tại các nền tảng thậm chí còn cao hơn ngân hàng.

Thí điểm không đồng nghĩa với thả nổi, tránh đi vào “vết xe đổ”

"Tôi cho rằng Việt Nam nên học hỏi bài học từ “vết xe đổ” của Trung Quốc, chứ không chỉ học hỏi những thành công. Theo đó, thay vì cho phép các nền tảng P2P phát triển tràn lan, chúng ta cần kiểm soát chặt ngay từ đầu. Bởi nếu buông lỏng, mô hình dễ bị lợi dụng để huy động vốn trái phép, tạo hợp đồng vay ảo dựa trên thông tin giả mạo từ căn cước công dân, rồi chiếm đoạt tài sản do không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu" - PGS. TS Nguyễn Hữu Huân.

Nguyên nhân chính là do, dù đã có một số công ty xếp hạng tín nhiệm, song hoạt động này vẫn chưa phổ biến rộng rãi, dẫn đến khó xác thực thông tin khách vay. Cùng với đó, ý thức trả nợ người vay còn thấp, thậm chí có hội nhóm chuyên “bùng nợ”. Việc thiếu hệ thống xếp hạng tín nhiệm khiến nhà đầu tư gặp khó trong việc đánh giá người vay có thiện chí và khả năng trả nợ hay không, mức độ tín nhiệm của người vay.

Trước đây, chúng ta cũng chưa có hành lang pháp lý đầy đủ hay chương trình thí điểm chính thức cho P2P Lending. Do đó, các tổ chức tài chính chính thống gần như chưa tham gia vào lĩnh vực này.

Việc ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP ngày 30/4/2025 quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng (Nghị định số 94) giúp tạo môi trường pháp lý linh hoạt cho các doanh nghiệp fintech thử nghiệm mô hình mới trong khuôn khổ, sau thời gian dài hoạt động trong "vùng xám" pháp lý, đảm bảo kiểm soát được rủi ro. Ba lĩnh vực được tham gia thử nghiệm, trong đó có P2P Lending và chấm điểm tín dụng. Đặc biệt, việc đưa P2P Lending vào thí điểm góp phần phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng, mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, nhất là nhóm không đủ điều kiện vay ngân hàng.

PV: Trước đây, từng có nhiều nền tảng cho vay ngang hàng đổ vỡ, gây mất niềm tin trên thị trường. Theo ông, cơ chế sandbox triển khai ra sao để giúp hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra?

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Nghị định quy định rõ điều kiện và tiêu chí tham gia cơ chế thử nghiệm. Cùng với đó, kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, từng có giai đoạn quốc gia này mở cửa hoàn toàn cho các doanh nghiệp triển khai, với hàng ngàn nền tảng P2P được thành lập trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, do không có khung pháp lý chặt chẽ, thị trường nhanh chóng rơi vào hỗn loạn, khó quản lý, dẫn đến tín dụng đen, lừa đảo và bùng nợ diễn ra tràn lan, gây thiệt hại lớn.

Trước thực trạng đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc siết lại toàn bộ hệ thống, ban hành quy định nghiêm ngặt như yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, tuân thủ một số tiêu chuẩn như ngân hàng thương mại. Kết quả, từ hơn 1.000 nền tảng P2P, chỉ còn khoảng 40 đơn vị đủ điều kiện hoạt động, tương ứng hơn 95% đơn vị buộc "dẹp tiệm".

Do đó, các nền tảng P2P phải hoạt động theo cơ chế gần giống như ngân hàng, chịu sự giám sát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước, có quy định rõ ràng về vốn điều lệ, quy trình giao dịch, áp dụng công nghệ như hợp đồng thông minh (smart contract); đồng thời, đảm bảo các hợp đồng ký kết có giá trị pháp lý và được pháp luật bảo vệ. Nếu không thiết lập hành lang pháp lý đủ mạnh, thị trường P2P có nguy cơ trở thành mảnh đất cho các hành vi lừa đảo, tương tự những vụ đổ vỡ trước đây.

Thiếu chấm điểm tín dụng "soi đường", hoạt động P2P Lending loay hoay tìm lối đi
Thị trường P2P Lending cần một mô hình vận hành mới (mô hình 2.0) với cấu trúc bền vững hơn và sự tham gia sâu sắc hơn từ các nhà đầu tư. Ảnh minh hoạ

PV: Tuy nhiên, nếu quản lý quá chặt theo tiêu chuẩn ngân hàng dễ gây khó khăn khi triển khai, nhất là trong thời gian thử nghiệm chỉ 2 năm. Theo ông, nên đặt giới hạn quản lý ở mức nào để vừa đảm bảo an toàn, ngăn “trăm hoa đua nở”, vừa không làm khó thị trường?

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Đúng vậy, P2P Lending không nhất thiết phải bị ràng buộc bởi những quy định khắt khe như ngân hàng truyền thống, nhưng vẫn cần đảm bảo các nguyên tắc cốt lõi về quản trị rủi ro. Bởi lẽ, doanh nghiệp vận hành nền tảng P2P phải đủ năng lực tài chính và kỹ thuật để kiểm soát rủi ro phát sinh trong quá trình cho vay, nếu không, rủi ro sẽ chuyển hết sang người cho vay.

Chẳng hạn, phải quy định rõ quy trình rút tiền như thế nào, hợp đồng giữa các bên được thiết lập ra sao, ai là người có trách nhiệm giám sát và đảm bảo giá trị pháp lý cho hợp đồng? Quan trọng hơn, cần cơ chế xác minh tránh việc sử dụng hợp đồng giả nhằm lừa đảo nhà đầu tư, đơn cử, nhà đầu tư cho một cá nhân vay nhưng sau cùng không rõ ai chịu trách nhiệm nếu bị “bùng nợ”. Đây là điều cần được tính toán kỹ lưỡng ngay từ giai đoạn thí điểm sandbox, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, rồi đổ vỡ hàng loạt như từng xảy ra, khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ mất trắng.

Một vấn đề khác cũng cần lưu ý là mối liên hệ giữa các nền tảng P2P với công ty cầm đồ. Cơ quan quản lý từng bày tỏ lo ngại về việc các nền tảng P2P trở thành "sân sau" cho các tổ chức cầm đồ, gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động cho vay lãi suất cao, tiếp cận tín dụng đen. Vì vậy, các dịch vụ này cũng cần được giám sát và kiểm soát kỹ càng trong khuôn khổ sandbox, đảm bảo an toàn tài chính và ổn định xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!

Xếp hạng tín nhiệm công khai, “mắt xích” còn thiếu của P2P Lending

Các khoản vay trên nền tảng P2P Lending thường là khoản vay nhỏ, không có tài sản đảm bảo, tức đa phần là tín chấp. Với đặc điểm đó, rủi ro nợ xấu là rất cao, buộc các công ty phải đẩy lãi suất lên để bù đắp rủi ro. Do đó, lãi suất của P2P Lending thường cao hơn nhiều so với ngân hàng.

Kinh nghiệm tại các nước phát triển, mô hình P2P Lending có lãi suất thấp hơn nhờ vào khả năng ứng dụng công nghệ để tự động hóa toàn bộ quy trình đánh giá, xét duyệt, đặc biệt là nhờ hệ thống chấm điểm tín nhiệm xã hội rất minh bạch. Người cho vay có thể dễ dàng tra cứu và ra quyết định dựa trên dữ liệu uy tín.

Hiện nay, Việt Nam có tổ chức xếp hạng tín nhiệm như Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), nhưng dữ liệu này chỉ được cung cấp cho các tổ chức tín dụng, người dân không thể truy cập. Trong khi đó, Trung Quốc đi xa hơn khi triển khai chế tài rất mạnh và phát triển hệ thống “tín nhiệm xã hội” (social credit). Nếu không trả nợ đúng hạn, điểm tín nhiệm xã hội sẽ bị trừ và người đó có thể bị cấm đi máy bay, không được ở khách sạn, hạn chế hoạt động xã hội và bị mọi người nhìn với “nửa con mắt”, đây là chế tài đủ mạnh đối với các chủ thể không trả nợ đúng hạn. Chính sự công khai, minh bạch khiến người dân có trách nhiệm hơn với hành vi tài chính của mình.

Để mô hình P2P thực sự phát triển, cần thiết phải xây dựng hệ thống xếp hạng tín nhiệm quốc gia và liên kết với dữ liệu định danh cá nhân (VNeID), từ đó, có khả năng tra cứu công khai, người muốn bùng nợ phải e dè.