Xu hướng này nổi lên khi một số ngân hàng lớn nhất trong khu vực đã có được quý đầu tiên có lãi trong năm, kết quả cũng cho thấy một hiện tượng được gọi là "bank walk" - dòng tiền mặt của khách hàng chảy ra chậm nhưng rất đáng lưu ý.

Dòng tiền dịch chuyển từ ngân hàng sang các quỹ

Các ngân hàng đã tốn rất ít thời gian để tính thêm tiền cho các khoản vay, khi lãi suất tăng nhanh chóng sau gần 15 năm ngủ yên quanh mức 0 vào năm ngoái, nhưng hầu hết đều chần chừ trong việc tăng lãi suất tiền gửi trả cho hàng triệu khách hàng của họ.

Điều đó đã thúc đẩy lợi nhuận tại nhiều ngân hàng lớn vượt quá mong đợi của nhiều nhà phân tích, nhưng lại khiến những người tiết kiệm không hài lòng, đặt ra những câu hỏi mới về sự ổn định lâu dài của ngành ngân hàng.

Hàng tỷ USD tiền gửi đang chảy ra khỏi các ngân hàng châu Âu

Một người đứng trên bờ sông Thames khi mặt trời mọc, với phía sau là khu tài chính của Thành phố Luân Đôn, nước Anh. Ảnh: Reuters

"Các ngân hàng truyền thống cần quyết định xem có nên tối đa hóa lợi nhuận của họ bằng cách giữ lãi suất tiền gửi càng thấp càng tốt, hay ưu tiên thanh khoản và sự ổn định của họ bằng cách tăng lãi suất và giữ lại tiền của khách hàng” - Nicola Marinelli - trợ lý giáo sư tài chính tại Đại học Regent's London nói.

UniCredit - ngân hàng toàn cầu lớn nhất nước Ý đã đạt lợi nhuận ròng 2,06 tỷ Euro trong quý đầu năm, cao hơn nhiều so với dự báo 1,3 tỷ Euro trước đó, nhờ doanh thu tăng 18%.

Với lãi suất chính thức của khu vực đồng Euro ở mức cao nhất trong 15 năm, UniCredit dự kiến sẽ thu được hơn 12,6 tỷ Euro lợi nhuận trong năm 2023 từ chênh lệch giữa lãi suất áp dụng cho người đi vay và lãi suất được trả để huy động tiền gửi.

Các quỹ thị trường tiền tệ đang trở nên phổ biến đối với những người gửi tiền tiết kiệm tìm kiếm lợi nhuận lớn hơn từ tiền mặt của họ, khi mức lạm phát cao vẫn tiếp diễn.

Trong những năm gần đây, lợi tức của các quỹ này chỉ cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng một chút, nhưng chỉ số Quỹ thị trường tiền tệ (MMF) bằng Bảng Anh đã công bố mức lãi suất hàng năm theo tuần là 4,12% kể từ ngày 25/4, trong khi lãi suất một số ngân hàng vẫn còn kẹt dưới 1%. Lãi suất tương tự bằng đồng Euro là 2,81%.

Dữ liệu từ Refinitiv Lipper cho thấy, hơn 34 tỷ Euro (37,6 tỷ USD) đã chảy ròng vào các quỹ thị trường tiền tệ châu Âu trong tháng 3, đây cũng là loại tài sản bán chạy nhất trong tháng đó.

Loại quỹ này đã đạt giá trị hơn 1,4 nghìn tỷ Euro vào cuối năm ngoái, mặc dù vẫn còn rất nhỏ so với 9,45 nghìn tỷ Euro được giữ trong các tài khoản vãng lai hoặc séc tại các ngân hàng trên toàn khu vực đồng Euro.

Fidelity International cũng báo cáo dòng tiền vào các quỹ thị trường tiền tệ trên nền tảng đầu tư của mình đã tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 đến ngày 26/4/2023.

Quan trọng là phải đủ thanh khoản và vốn

Các chủ ngân hàng cấp cao đã bác bỏ mối đe dọa do lãi suất tiền gửi thấp, trong bối cảnh các nhóm lợi ích của người tiêu dùng có quan điểm rằng mọi người có nhiều khả năng bỏ vợ hoặc chồng hơn là bỏ ngân hàng.

Khi được hỏi về mức giảm 1,6% tiền gửi trong quý đầu tiên, Giám đốc điều hành UniCredit – ông Andrea Orcel cho biết, ngân hàng có vị thế thanh khoản vững chắc, với tỷ lệ bảo hiểm là 163%, có đủ khả năng để theo đuổi lợi nhuận trong việc quản lý cơ sở tiền gửi của mình.

Hàng tỷ USD tiền gửi đang chảy ra khỏi các ngân hàng châu Âu
Dữ liệu từ Refinitiv Lipper cho thấy, hơn 34 tỷ Euro (37,6 tỷ USD) đã chảy ròng vào các quỹ thị trường tiền tệ châu Âu trong tháng 3.

Tiền gửi giảm mạnh hơn cũng có thể giúp các ngân hàng cân bằng các khoản nợ của họ, chủ yếu là những gì họ nợ người gửi tiền, chống lại sự sụt giảm tài sản trong tương lai do nhu cầu cho vay có dấu hiệu chậm lại. Nhưng các ngân hàng cũng phải đảm bảo rằng họ có đủ thanh khoản và vốn trong tay để trang trải cho các khoản đặt cược cho vay có thể đột ngột trở nên tồi tệ.

Hầu hết các ngân hàng tự hào về tính thanh khoản và mức vốn cao hơn yêu cầu quy định, nhưng sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon của Mỹ và Credit Suisse của Thụy Sỹ là những câu chuyện cảnh báo về những gì có thể xảy ra khi khách hàng rời bỏ ngân hàng với tốc độ nhanh hơn.

Tiền gửi bị rút ra ở khắp nơi

Tại Anh, các khách hàng của NatWest đã rút 11,1 tỷ Bảng Anh trong 3 tháng đầu năm; tiền gửi của HSBC đã giảm 0,6% xuống còn 1,6 nghìn tỷ USD, không bao gồm dòng tiền vào một lần; trong khi Tập đoàn Ngân hàng Barclays và Lloyds lần lượt ghi nhận mức giảm 5 tỷ và 2,2 tỷ Bảng.

Một số nhà lập pháp đã chỉ trích các ngân hàng vì sự không phù hợp giữa những gì họ tính phí cho người vay và lãi suất đưa ra cho người gửi tiết kiệm.

Tại Đức, dữ liệu của Bundesbank cho thấy tiền gửi của các hộ gia đình đã giảm gần 8% so với một năm trước đó. Với Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất của nước này, mức giảm 4,7% trong quý đầu tiên một phần do ảnh hưởng từ tâm lý lo ngại lây lan từ cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sỹ.

Tuy nhiên, Giám đốc tài chính James von Moltke thừa nhận, sự cạnh tranh nhiều hơn với "một số khoản tiền gửi nhạy cảm với giá rời khỏi ngân hàng" và một số khách hàng chuyển sang các lựa chọn thay thế có lợi nhuận cao hơn như quỹ thị trường tiền tệ, cũng đóng một vai trò nào đó.

BNP Paribas của Pháp cũng báo cáo mức giảm khiêm tốn về lượng tiền gửi trong quý đầu tiên, trong khi Santander của Tây Ban Nha là tổ chức tín dụng “nặng ký’ duy nhất ở châu Âu báo cáo mức tăng 6% lượng tiền gửi so với cùng kỳ.

Một số nhà lập pháp đã chỉ trích các ngân hàng vì sự không phù hợp giữa những gì họ tính phí cho người vay và lãi suất đưa ra cho người gửi tiết kiệm.

"Đó là về lợi nhuận, để bảo vệ lợi nhuận của chính bạn. Đó không phải là câu trả lời sao?" - nhà lập pháp Anh Angela Eagle đã hỏi các giám đốc ngân hàng tại một phiên điều trần của Quốc hội Anh vào tháng 2 vừa qua.

Giám đốc điều hành HSBC Noel Quinn mô tả khoản lỗ tiền gửi ngân hàng của ông là "không có gì đáng kể", trong khi Andy Halford, giám đốc tài chính của Standard Chartered nói rằng ông nghĩ mọi người cuối cùng sẽ ưu tiên bảo mật hơn các khoản trả lãi. Ông nói: “Chúng ta sẽ thấy mọi người gửi tiền của họ ở nơi an toàn”./.