hiv

Việc lồng ghép PrEP vào các dịch vụ HIV tại Việt Nam sẽ thúc đẩy giảm mạnh các ca nhiễm HIV mới ở các nhóm có nguy cơ cao. Ảnh Vũ Lê

Từ năm 2015, tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo việc sử dụng PrEP như một phần trong chiến lược dự phòng HIV, kết hợp cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao.

Theo công bố của các tổ chức Hoa Kỳ và Việt Nam, để dự phòng phơi nhiễm HIV, những người có nguy cơ cao như người đồng tính nam - nữ, người bán dâm… mỗi ngày uống 1 viên thuốc dự phòng có thể giảm trên 90% nguy cơ lây nhiễm HIV từ người khác. Phương pháp này được so sánh giống như thuốc “tránh thai” khẩn cấp cho HIV.

Tại buổi lễ, bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, và chúng ta đang nỗ lực cùng nhau thúc đẩy để đạt được mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình, 90% người được chẩn đoán nhiễm HIV được duy trì điều trị thuốc kháng vi-rút (ARV), và 90% người được điều trị ARV kiểm soát được lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định”.

Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế chia sẻ: “PrEP là biện pháp dự phòng HIV mới và hữu hiệu đang ngày càng được áp dụng trên thế giới, kể cả ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Với việc đưa dịch vụ PrEP vào Việt Nam, chúng ta có cơ hội giảm mạnh các ca nhiễm HIV mới và loại trừ HIV ở Việt Nam vào năm 2030”.

“Việc lồng ghép PrEP vào các dịch vụ HIV tại Việt Nam sẽ thúc đẩy giảm mạnh các ca nhiễm HIV mới ở các nhóm có nguy cơ cao. Mục tiêu của chương trình thí điểm PrEP này là tìm ra mô hình cung cấp dịch vụ tốt nhất có tính bền vững. Kết quả thí điểm sẽ được sử dụng để xây dựng hướng dẫn quốc gia và cơ chế tài chính cho PrEP trong tương lai” – tiến sỹ Kimberly Green, Giám đốc Dự án Health Markets cho biết.

Thí điểm này được thực hiện tiên phong tại Việt Nam, trong đó TP. Hồ Chí Minh là một trong các địa phương có tỷ lệ quan hệ tình dục không an toàn trong các nhóm đối tượng người đồng tính nam - nữ đang gia tăng./.

Vũ Lê