Nguồn: Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam. Đồ họa: Phương Anh |
Kinh tế số không phải chỉ có màu hồng
Theo số liệu được nêu tại cuộc tọa đàm “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, nền kinh tế số Việt Nam dự kiến chạm mốc 45 tỷ USD vào năm 2025 nhờ sự thúc đẩy của thương mại điện tử. Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho hay, mặc dù kinh tế thế giới và khu vực gặp nhiều khó khăn, nhưng thương mại điện tử Việt Nam luôn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, giữ được tốc độ tăng trưởng cao và Việt Nam được ghi nhận có tốc độ phát triển thương mại điện tử dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI 2024) của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam ước tính, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 tăng trên 25% so với năm trước và đạt 20,5 tỷ USD, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD.
Bên cạnh những con số vĩ mô, TS. Võ Trí Thành cũng chỉ ra, chưa bao giờ nền kinh tế số lại len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng như hiện nay. Đối với việc làm trực tiếp, chưa nói đến đội ngũ shipper, riêng TP. Hồ Chí Minh đã có hơn 90 nghìn người kinh doanh online, tức khoảng 0,8% dân số thành phố.
Với tiềm năng, cơ hội vô cùng lớn, phát triển kinh tế số là thời cơ vàng cho Việt Nam có thể bắt kịp với các nước đi trước. Đây là lĩnh vực có thể tạo ra hàng triệu việc làm, cả trực tiếp và gián tiếp. Đóng góp cho ngân sách từ kinh tế số cũng ngày càng cao, nhất là khi cơ quan quản lý đã giám sát hoạt động thương mại điện tử ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, nói về kinh tế số không phải chỉ có màu hồng. Theo TS. Võ Trí Thành, quá trình phát triển kinh tế số đang đặt ra nhiều vấn đề về chính sách. Đầu tiên, khu vực thương mại truyền thống, khu vực bán lẻ dần dần bị thu hẹp, tạo ra những tác động không mong muốn. Điều này đòi hỏi phải có sự quan tâm về mặt chính sách, để không ai bị thiệt thòi, bỏ lại phía sau.
Đi cùng với đó, thể chế cho lĩnh vực này còn nhiều điều phải hoàn thiện. Trong đó, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh 3 vấn đề lớn. Trước hết là các văn bản, khung pháp lý ứng xử với dữ liệu, bởi đây là nguồn lực mới, một nhân tố sản xuất mới và toàn bộ các hoạt động, dù là công nghệ hiện đại đến đâu thì đều dựa trên dữ liệu, nhất là dữ liệu lớn (Big Data). Thứ hai là các nền tảng kết nối, trao đổi điện tử với sự tham gia của rất nhiều bên liên quan, cùng các vấn đề về trách nhiệm, tranh chấp nếu có. Thứ ba là tuân thủ các cam kết, thỏa thuận hợp tác và chuẩn mực quốc tế về dịch chuyển hàng hóa, dòng thông tin, dòng tài chính.
Dữ liệu là chìa khóa thực thi pháp luật về thương mại điện tử
TS. Võ Trí Thành lưu ý, có một số vấn đề cần giải quyết nếu muốn tạo đột phá cho nền kinh tế số nói chung trong đó có thương mại điện tử. Đó là, hoàn thiện thể chế về giao dịch điện tử, cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu đối với tài sản, bảo vệ người tiêu dùng; thúc đẩy sáng tạo, bắt kịp những mô hình kinh doanh mới; hạ tầng (bao gồm logistic, hạ tầng số).
Thị trường Việt Nam có nhiều lợi thế đặc thù Theo ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam, thị trường Việt Nam có những lợi thế đặc thù, là chi phí tiếp cận mạng Internet thấp nhất thị trường Đông Nam Á. Đây là tiền đề phát triển cho bất cứ công nghệ nào liên quan đến thương mại điện tử. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng ở bất cứ vùng miền nào cũng có thể tiếp cận. Lợi thế nữa là hạ tầng, quy mô dân số đông. Về lĩnh vực sản xuất, Việt Nam có ngành sản xuất nội địa rất mạnh. Đây là tiềm lực để phát triển nhiều sản phẩm mới, chi phí cạnh tranh, từ thị trường nội địa đi ra thế giới. |
Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh cũng nhắc lại vấn đề này và khẳng định, trải nghiệm khách hàng, giải quyết khiếu nại, bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề sống còn với mọi doanh nghiệp thương mại điện tử. Shopee đã đầu tư rất lớn vào thị trường Việt Nam, với những cơ chế để kiểm soát, tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng như giao hàng nhanh hơn, tăng sự an tâm cho người tiêu dùng. Song song với đó, doanh nghiệp cũng mong có sự hướng dẫn từ các bộ, ngành cũng như địa phương trong những trường hợp cụ thể.
Từ góc độ cơ quan quản lý, bà Lại Việt Anh khẳng định Chính phủ, các bộ, ngành luôn luôn nỗ lực và hướng tới xây dựng khuôn khổ pháp lý cho thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng lành mạnh và bền vững.
Để phát triển bền vững, phải cân bằng tất cả các yếu tố tham gia thị trường, từ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp quốc tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nội địa, giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp thương mại, giữa người bán hàng và người tiêu dùng…
Từ năm 2013, Việt Nam đã có nghị định khá toàn diện cho thương mại điện tử. Đến năm 2021, Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi đã tích hợp các yếu tố mới để đáp ứng mục tiêu phát triển thị trường lành mạnh.
Hiện nay, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thị trường thương mại điện tử vẫn rất được quan tâm. Trong đó, dữ liệu không chỉ là sức sống của kinh tế số, của thương mại điện tử mà cũng sẽ là một trong số những chìa khoá cho việc triển khai thực thi pháp luật về thương mại điện tử thời gian tới.
“Chúng tôi mong rằng những nỗ lực của Chính phủ trong việc kết nối dữ liệu giữa những cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể độc lập được điều chỉnh bởi pháp luật, giữa cơ quan thuế, cơ quan hải quan, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương và những nền tảng thương mại điện tử lớn sẽ giúp chúng ta có đầu vào để giải quyết được rất nhiều bài toán về thực thi pháp luật, về thể chế trong tương lai, từ chuyện bảo vệ người tiêu dùng, xử lý hành vi không lành mạnh trên môi trường điện tử” - bà Lại Việt Anh chia sẻ.
Hỗ trợ đưa hộ gia đình, hộ nông dân lên sàn PGS.TS Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, theo định hướng, đến năm 2025, kinh tế số ngành lĩnh vực đạt tối thiểu 50% kinh tế số cả nước. Điều này, chứng tỏ, vai trò của kinh tế số ngành, lĩnh vực đóng góp ngày càng nhiều vào kinh tế số. Đặc biệt, thương mại điện tử đã, đang và sẽ trở thành cái động lực chính để phát triển kinh tế số. “Tính đến hết năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đã đóng góp khoảng 15%-17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia. Ngoài ra, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đã xác định mỗi hộ nông dân, mỗi hộ kinh doanh đều có thể trở thành những cửa hàng trực tuyến trên thương mại điện tử để tăng cường khả năng tiếp thị, quảng bá các dịch vụ của mình” - đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá. Không gian cho thương mại điện tử ở Việt Nam có thể đạt được mức trung bình của thế giới là rất rộng mở. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương thúc đẩy các doanh nghiệp, hộ gia đình, hộ kinh doanh, các cửa hàng bán buôn và bán lẻ được chuyển đổi số đưa lên không gian mạng. Bên cạnh đó, phối hợp cùng với các bộ có liên quan triển khai các chương trình đưa hộ gia đình, hộ kinh doanh nông dân lên sàn. Hiện nay, trên các sàn thương mại điện tử nông sản có khoảng 5,2 triệu hộ nông dân mở cửa hàng trên các sàn này. Hàng năm có hơn 1,1 triệu các hộ kinh doanh có doanh thu từ bán nông sản qua hình thức giao dịch thương mại điện tử. Đó là những định hướng lớn của Chính phủ trong việc thúc đẩy và coi thương mại điện tử. Đây là một trong những động lực lớn, quan trọng nhất để phát triển kinh tế số trong thời gian tới.
|