Xu hướng mua sắm hàng hóa trên sàn thương mại điện tử gia tăng đang làm thất thoát đáng kể nguồn thu cho ngân sách. Ảnh tư liệu |
PV: Bà đánh giá thế nào về kết quả quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt là các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) không có cơ sở thường trú tại Việt Nam?
TS. Phạm Nữ Mai Anh: Theo tôi, thời gian qua, cùng với nhiều cải cách trong quản lý thuế TMĐT với nhiều giải pháp đồng bộ, thu thuế đối với hoạt động TMĐT ở Việt Nam do ngành Thuế thực hiện đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Trên góc độ quản lý thuế hoạt động TMĐT với các NCCNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của ngành Thuế, số thuế thu được thông qua các tổ chức Việt Nam thực hiện khấu trừ, nộp thay khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, số thu thuế từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook... từ năm 2018 đến hết tháng 6/2021 đã khai, nộp thuế thay với tổng số tiền là 3.719,36 tỷ đồng.
Từ thời điểm ngày 21/3/2022, khi ngành Thuế triển khai áp dụng Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, kết quả thu thuế đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến tháng 10/2023, số lượng NCCNN đã đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử là 74 NCCNN. Các NCCNN đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Hà Lan, Hàn Quốc, Singapore, Anh… đã đăng ký, kê khai, nộp thuế 11.498 tỷ đồng, trong đó: năm 2022 là 3.478 tỷ đồng (1.850 tỷ đồng khai và nộp trực tiếp qua cổng thông tin điện tử và 1.628 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay); năm 2023 đạt 8.020 tỷ đồng (6.820 tỷ đồng khai và nộp trực tiếp qua cổng thông tin điện tử và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay). Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số thuế các NCCNN đã khai, nộp trực tiếp qua Cổng Thông tin điện tử 4.039 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.
PV: Có ý kiến cho rằng, quản lý thuế TMĐT đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế với người nộp thuế (NNT) hoạt động TMĐT không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Bà nhìn nhận thế nào về ý kiến trên?
TS. Phạm Nữ Mai Anh: Tôi cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam trong thời gian qua đã đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý thuế của ngành Thuế. Trong đó, hoạt động quản lý thuế đối với TMĐT từ các NCCNN gặp nhiều khó khăn và vướng mắc từ vấn đề thực hiện quản lý được đầy đủ các nguồn thu từ giao dịch TMĐT cũng như các đối tượng NNT. Thực tiễn đã cho thấy, nhiều NCCNN có phát sinh thu nhập trong giao dịch TMĐT với các cá nhân ở Việt Nam nhưng không thực hiện nghĩa vụ thuế với Việt Nam. Bởi họ cho rằng do không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nên không thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, vấn đề nhận diện sự tồn tại của giao dịch và phân biệt được loại hình thu nhập làm cơ sở xác định nghĩa vụ thuế cũng là thách thức lớn đối với hoạt động quản lý thuế của ngành Thuế Việt Nam. Mặc dù, nhiều quan điểm đề xuất tập trung vào việc nhận diện sự tồn tại của dòng tiền để xác định cơ sở thu thuế nhưng việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng. Bởi cùng với sự phát triển của nền kinh tế số thì những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng rất đa dạng như: thanh toán qua ngân hàng, thanh toán điện tử, thanh toán ngang hàng, tiền điện tử... được thực hiện rộng rãi trong nền kinh tế.
Ngoài ra, sự phối kết hợp trong thực hiện hoạt động quản lý thu thuế đối với NNT có hoạt động kinh doanh TMĐT xuyên biên giới giữa cơ quan thuế nội địa với cơ quan thuế nước ngoài trong nhiều trường hợp còn chưa được chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng trong quản lý.
PV: Để công tác quản lý thuế hoạt động TMĐT xuyên biên giới hiệu quả hơn trong thời gian tới?
TS. Phạm Nữ Mai Anh: Trước hết, cần hoàn thiện thể chế pháp luật, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng và ban hành các quy định cụ thể về thuế điều chỉnh hoạt động TMĐT nhằm có tác động sâu sắc hơn đến các giao dịch TMĐT xuyên biên giới. Cách thực hiện cần hoàn thiện quy định về thuế đối với hoạt động TMĐT theo hướng thiết kế thêm một loại thuế riêng đối với hoạt động TMĐT để quản lý thuế đối với các giao dịch, dịch vụ xuyên biên giới với mức thuế suất hợp lý hơn mức thu hiện đang được quy định ở văn bản pháp luật về thuế nhà thầu. Theo đó, cần thiết ban hành một luật thuế mới áp dụng đối với dịch vụ số xuyên biên giới (DST- Digital Service Tax) có mức thuế suất thu từ dịch vụ kỹ thuật số được xây dựng phù hợp với tỷ lệ điều chỉnh thuế thể hiện trong các hiệp định song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia ký kết.
Đồng thời, cơ quan thuế cần chú trọng hơn nữa đến việc xây dựng dữ liệu lớn. Để có thể xây dựng nguồn dữ liệu lớn đảm bảo tính pháp lý cao trong việc thu thập thông tin, đòi hỏi cần thiết phải bổ sung các quy định pháp lý nhằm ràng buộc trách nhiệm và nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân trong thực hiện cung cấp thông tin phục vụ việc xây dựng nguồn dữ liệu lớn, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT và phù hợp với hoạt động của Chính phủ điện tử.
Cùng với đó, cần thiết đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hỗ trợ NNT theo hướng chú trọng thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn các NCCNN hiểu được quy định của pháp luật thuế Việt Nam để chủ động hơn trong việc đăng ký, kê khai, tính, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của ngành Thuế cung cấp được thuận lợi.
PV: Xin cảm ơn bà!
Tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan quản lý Theo TS. Phạm Nữ Mai Anh, cần chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, thực hiện chuyển đổi số quyết liệt trong quản lý thuế; tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan thuế với các cơ quan khác trong bộ máy quản lý nhà nước, giữa cơ quan thuế nội địa với cơ quan thuế nước ngoài để chia sẻ, kết nối thông tin, có biện pháp phối hợp quản lý phù hợp. |