Đề xuất đầu tư xây dựng trước 9 dự án thành phần

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), sau khi cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng về nguồn lực, kết quả dự báo nhu cầu vận tải, khả năng đáp ứng năng lực khai thác của các tuyến đường hiện hữu, lựa chọn phương án đầu tư xây dựng 9/12 dự án thành phần trong giai đoạn 2021 - 2025 dài 552km, gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau. Đối với 3 dự án thành phần còn lại dài 177km (Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ) sẽ tiến hành triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, còn lại cấu phần xây dựng sẽ triển khai đầu tư khi cân đối được nguồn vốn Nhà nước, trường hợp khó khăn sẽ chuyển tiếp đầu tư giai đoạn 2026 - 2030.

Hơn 150.000 tỷ đồng đầu tư PPP  nối thông cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Để hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong giai đoạn 2021 - 2025 cần đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần.

Cũng theo Bộ GTVT, riêng đối với công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư 3 dự án thành phần đoạn Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ sẽ tách thành các dự án độc lập để triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 theo hình thức đầu tư công.

Bên cạnh đó, cũng kiến nghị Quốc hội chấp thuận một số cơ chế, chính sách triển khai đầu tư dự án. Trong đó, kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chủ động cân đối nguồn vốn phù hợp, căn cứ quy mô của từng dự án thành phần, tổ chức triển khai các thủ tục đầu tư đối với cấu phần xây dựng 3 dự án thành phần đoạn Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ theo quy định của pháp luật đầu tư công, pháp luật về đầu tư PPP, đáp ứng mục tiêu sớm hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Cần những giải pháp đột phá

Theo ông Nguyễn Viết Huy - Phó Vụ trưởng Vụ PPP, Bộ GTVT, để đầu tư thêm nhiều dự án cao tốc theo hình thức PPP trong thời gian tới cần thiết phải có những cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là việc nâng tỷ lệ vốn góp Nhà nước, cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại. Nếu áp dụng đúng theo quy định vốn Nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư của Luật PPP, một số dự án sẽ không khả thi để đầu tư theo hình thức PPP, buộc phải sử dụng toàn bộ ngân sách Nhà nước trong điều kiện khó khăn như hiện nay thì nhiều dự án sẽ không triển khai được. Do vậy, cần xem xét điều chỉnh quy định về mức vốn Nhà nước tham gia dự án PPP vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án. Tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia sẽ được tính toán, cân nhắc trên cơ sở tính khả thi của từng dự án.

Phó Tổng giám đốc thường trực Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX) Dương Văn Mậu cho biết, thực tế, quá trình triển khai thi công các đường bộ cao tốc Bắc - Nam hiện đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn cung ứng vật liệu xây dựng, đặc biệt là đất đắp nền đường do các dự án thi công đồng loạt, nhu cầu vật liệu tăng đột biến, các mỏ vật liệu hiện hữu không đáp ứng được hoặc không đảm bảo chất lượng dẫn đến khan hiếm vật liệu và đẩy giá vật liệu tăng cao...

Do vậy, để chủ động về nguồn nguyên liệu cho các công trình đường cao tốc trọng điểm quốc gia, các cấp có thẩm quyền cần xem xét xây dựng cơ chế mới trong tiêu chuẩn nguồn nguyên vật liệu. Trong đó, có thể xem xét quy hoạch tổng thể các mỏ vật liệu và giao chủ đầu tư hoặc ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT làm chủ đầu tư quản lý các mỏ, sau khi hoàn thành dự án sẽ bàn giao cho địa phương quản lý hoặc đấu giá nguồn tài nguyên còn lại. Đồng thời, các nhà thầu thi công xây dựng cần được giao khai thác vật liệu thông thường tại các mỏ này và chỉ phục vụ cho công trình trọng điểm quốc gia.

Ngoài ra, Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm báo cáo Chính phủ, Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế như Khoản a, Điểm 2, Điều 64, Luật Khoáng sản đối với các mỏ làm vật liêu xây dựng cho các công trình cao tốc, dự án trọng điểm quốc gia nhằm rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí đầu tư.

Được biết, hiện một số địa phương, điển hình như Quảng Ninh đã và đang làm rất tốt về cơ chế vật liệu cho các dự án hạ tầng được đầu tư bằng vốn ngân sách, từ đó chủ động được nguồn nguyên vật liệu, kiểm soát và tối ưu chi phí đầu tư dự án.

Về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 được phân kỳ đầu tư theo quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, tốc độ thiết kế 80 - 120km/h; sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe, riêng đoạn Cần Thơ - Cà Mau theo quy mô 4 làn xe như quy hoạch đã được phê duyệt. Kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 19.097 tỷ đồng.