Khi báo chí là một phần của giải pháp, cũng là một phần của nguyên nhân
Ảnh minh họa.

Phản biện phải nhằm mục đích xây dựng

Báo chí đảm nhiệm nhiều chức năng xã hội: chức năng thông tin - giao tiếp; chức năng tư tưởng; chức năng giám sát, phản biện; chức năng văn hóa, giáo dục và giải trí; chức năng kinh tế - dịch vụ xã hội… Vai trò của báo chí lớn như vậy, nên báo chí được nhiều nước coi như là “quyền lực thứ tư” – quyền lực truyền thông - sau lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Những năm gần đây, vai trò giám sát và phản biện của báo chí nhằm mục đích chống tiêu cực được đề cao, đã phát huy tác dụng, đưa nhiều vụ việc vi phạm ra ánh sáng, đem lại những ích lợi cho xã hội. Đây là mặt tích cực của báo chí, khi việc phản ánh hay phê phán đã được thực hiện công tâm, chính xác và với tinh thần xây dựng. Bởi trong xã hội luôn tồn tại những vấn đề thiếu lành mạnh, tiêu cực, cần được vạch mặt, chỉ tên, đấu tranh, lên án, nhằm điều chỉnh nhận thức và hành vi, từ đó loại trừ dần các vấn đề tiêu cực và ngăn chặn sự tái diễn của nó.

Tuy nhiên, nếu báo chí lạm dụng hoặc thực hiện sự phê phán thiếu tính chất xây dựng thì có thể làm bức tranh xã hội trở nên u ám, giảm niềm tin của công chúng. Có những vụ việc doanh nghiệp làm sai đã có kết luận và doanh nghiệp khắc phục rồi, nhưng đúng lúc nhạy cảm nào đó, báo chí lại xúm vào “nhắc nhẹ” một câu, có khi cũng đủ hỏng một dự án sắp được ký kết, mất một cơ hội phát triển của doanh nghiệp. Có người làm được việc tốt, nhưng sau khi báo chí nhảy vào mổ xẻ, phân tích từ gia đình, họ hàng, làng xóm… vấn đề có khi bị lật ngược, khiến phải tạm lánh đi đâu đó một thời gian vì không chịu nổi áp lực xã hội cả ngoài đời lẫn trên mạng…

Đã có vị lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí tâm sự rằng: Sau một ngày làm việc không dám mang theo tờ báo về nhà, vì sợ vợ con đọc được những thông tin tiêu cực tràn trên mặt báo. Có lần, ông còn kêu gọi các phóng viên: Buổi sáng đầu ngày hãy đăng tải sớm những thông tin tích cực để truyền năng lượng cho người đọc bước vào ngày mới lạc quan hơn đi, các anh chị ơi!

Cần lắm nền báo chí giải pháp

Câu chuyện có thật kể trên cho thấy sức mạnh của báo chí, có thể truyền năng lượng tích cực hoặc ngược lại sẽ vô tình trở thành thứ “thuốc độc tâm hồn”. Nó cũng phơi bày sự thực là nhiều báo đang mải chạy theo tiêu chí “câu like”, “câu view”, lôi kéo người đọc mà bất chấp hậu quả.

Vì sao lại phải “câu”, “kéo” như thế? Vấn đề cơm áo gạo tiền cũng là một trong những nguyên nhân. Khi báo chí tự chủ tài chính, các khoản tiền quảng cáo trở thành nguồn thu chính nuôi sống tòa soạn, mà phần lớn doanh nghiệp thì căn cứ số lượng view, like, số người theo dõi tờ báo, bài báo để mà ký hợp đồng đăng quảng cáo. Một số tòa soạn cũng lấy lượt view, like là tiêu chí trả nhuận bút cho phóng viên, nên kết cục là phóng viên phải cày kiểu đó thôi.

Cày làm sao để hiệu quả nhất? Nhiều phóng viên đã tìm ra đáp án ở mạng xã hội. Từ khi nào chẳng biết, mạng xã hội và một số báo chí “dính nhằng” với nhau theo kiểu cộng sinh. Điển hình năm qua như các sự vụ “Nguyễn Phương Hằng”, “anh em nương tựa”, “học sinh tự tử”…

Khi đó, báo chí vô tình hay hữu ý, có thể trở thành phương tiện, là công cụ để ai đó, tổ chức nào đó công kích cá nhân hay tổ chức khác. Biểu hiện như vậy sẽ gây tổn thất cho chính báo chí và cho xã hội. Không ít lần, các đơn vị, tổ chức đã gửi đơn kiến nghị một số nhà báo, rằng chính bài báo đăng thông tin chưa chính xác của họ đã làm khó doanh nghiệp, là nguyên nhân khiến doanh nghiệp gặp nhiều tai tiếng.

Thật đáng tiếc nếu như báo chí lại trở thành nguyên nhân của những bước lùi về cơ chế, hay trở thành trào lưu cổ súy cho lối sống chưa đẹp, những phát ngôn phản cảm, những hành vi thiếu văn hóa…

Gần đây, nhiều người đã nêu vấn đề “báo chí giải pháp” và xem đó là một xu hướng, thay vì tôn vinh “báo chí phê phán” như trước. Nghĩa là thay vì chỉ xét nét, phê phán, báo chí còn thực hiện vai trò hiến kế, đề xuất các giải pháp, biện pháp để khắc phục những hạn chế tồn tại; không chỉ nêu lên vấn đề rồi bỏ lửng. Điều này có nghĩa là báo chí thể hiện vai trò tích cực hơn, trách nhiệm hơn đối với các vấn đề của đất nước, của xã hội.

Đặc điểm của báo chí giải pháp thường thể hiện ở những yếu tố chính: cơ quan báo chí, người làm báo đồng hành với chính quyền, doanh nghiệp, người dân… trong việc tìm kiếm các giải pháp khả dĩ nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra của xã hội; khi phản ánh hay phê phán, báo chí luôn đặt ra trách nhiệm của mình tham gia vào giải quyết hoặc đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề đó; vận động, kêu gọi công chúng báo chí nói riêng và toàn xã hội nói chung tham gia vào về việc đề xuất các giải pháp đối với những vấn đề cụ thể; báo chí trực tiếp thực hiện các giải pháp đối với một số vấn đề phù hợp với năng lực, điều kiện của mình…

Tỉnh táo với mạng xã hội

Chỉ vì câu chuyện tăng “view” với báo mạng, tăng “tia ra” phát hành với báo in hay tăng “rating” với đài truyền hình mà một số cơ quan báo chí, truyền thông đã bất chấp tôn chỉ, mục đích, vượt ra ngoài chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, chạy theo mạng xã hội đi vào khai thác những đề tài theo hướng giật gân câu khách. Có một số người thử làm trắc nghiệm thống kê theo những từ khóa kiểu như: Nguyễn Phương Hằng, anh em nương tựa, học sinh tự tử… đã cho thấy những kết quả buồn về sự quan tâm thái quá khi báo chí mổ xẻ quá sâu với tần số dày đặc những vấn đề này.

Báo chí chính thống hiện nay đang trong giai đoạn phải chung sống với mạng xã hội. Sự bùng nổ thông tin từ mạng xã hội đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt với thông tin trên báo chí, truyền thông chính thống. Nhưng không vì thế mà báo chí, truyền thông chính thống đánh mất mình, chạy đua với mạng xã hội.