ROS có được giao dịch trên UPCoM không? Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo tăng cường quản lý, giám sát, đảm bảo ổn định thị trường chứng khoán

Chiều 6/9, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên liên quan đến các vấn đề như trách nhiệm liên quan trong việc lãnh đạo FLC bị khởi tố bổ sung tội danh; giải pháp phòng ngừa các hành vi tương tự; điều kiện để các cổ phiếu FLC, ROS được giao dịch trở lại; vai trò của Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Bộ Tài chính ban hành chỉ thị chấn chỉnh các hoạt động trên thị trường chứng khoán

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi phát biểu tại cuộc họp báo.
Trả lời thêm về vụ việc của FLC, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Công an cho biết đối với cơ quan điều tra, án tại hồ sơ, quá trình tố tụng được thực hiện theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật, không để lọt tội phạm, không làm oan người ngay, những ai vi phạm pháp luật bị xử lý theo quy định của pháp luật. Do vậy, khi có cá nhân hay tổ chức nào đó vi phạm pháp luật, thì không thể suy diễn sẽ có cá nhân hay tổ chức nào đó cũng phải bị xử lý vì liên quan, vì cũng vi phạm, phải bị truy cứu trách nhiệm.

Cụ thể, về câu hỏi trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến việc cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố bổ sung tội danh bổ sung với lãnh đạo công ty FLC, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, cơ quan công an hiện vẫn tiến hành điều tra vụ án. Khi có kết luận điều tra sẽ công bố công khai và khi đó sẽ rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan, kể cả tập thể, cá nhân trong cơ quan quản lý nhà nước. “Bộ Tài chính sẽ hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để thực hiện trách nhiệm trong quá trình này” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định.

Đối với câu hỏi về giải pháp để phòng ngừa các hành vi lừa đảo tương tự, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay, ngày 5/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Chỉ thị số 02. Theo đó, Bộ trưởng đã chỉ đạo một loạt giải pháp cụ thể để phòng ngừa các vi phạm, chấn chỉnh các hoạt động trên thị trường chứng khoán. Các giải pháp bao gồm từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, giám sát, kiểm tra hoạt động đăng ký niêm yết, thay đổi cơ cấu vốn của doanh nghiệp, cho đến giám sát các thành viên thị trường, các giao dịch chứng khoán…

Liên quan câu hỏi về điều kiện nào để các cổ phiếu FLC, ROS được giao dịch trở lại, Thứ trưởng trả lời nêu rõ, khi doanh nghiệp khắc phục được những vi phạm đã dẫn đến việc không đủ điều kiện để niêm yết, buộc phải hủy giao dịch và nếu có nguyện vọng thì sẽ được xem xét, cho phép quay trở lại giao dịch, theo quy định của pháp luật. Cụ thể với cổ phiếu FLC, điều kiện này bao gồm: có báo cáo kiểm toán năm 2021, báo cáo kiểm toán 6 tháng năm 2022 và tổ chức đại hội cổ đông theo quy định… Với cổ phiếu ROS, điều kiện cũng là có báo cáo kiểm toán, tổ chức đại hội cổ đông. “Khi nào khắc phục được và có nguyện vọng thì sở giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ chấp nhận” - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đánh giá khi cổ phiếu bị hủy giao dịch, quyền lợi của nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng với trách nhiệm là cổ đông của doanh nghiệp, nhà đầu tư cần phải có ý kiến, quyết sách ở đại hội cổ đông, yêu cầu ban điều hành doanh nghiệp thực hiện khắc phục những vi phạm đó sớm nhất, để đưa cổ phiếu trở lại giao dịch, thì mới đảm bảo quyền lợi của cổ đông.

Xem xét các phương án về Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Khi đủ điều kiện, cổ phiếu FLC, ROS sẽ được giao dịch trở lại
Toàn cảnh cuộc họp báo

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng trả lời về vấn đề Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Theo Thứ trưởng, quỹ bình ổn giá là công cụ để giảm chấn khi giá xăng dầu biến động mạnh trên thị trường thế giới. Từ nguồn quỹ này sẽ dùng để điều hòa giá xăng dầu trong nước ổn định, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, doanh nghiệp. Quỹ này không nằm trong ngân sách nhà nước và chỉ dành phục vụ điều hành giá xăng dầu.

Liên quan đến quỹ này, khi chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đưa ra một số phương án khác nhau về quỹ để đánh giá, cân nhắc việc giữ hay không giữ quỹ bình ổn.

“Chúng tôi mong rằng, các doanh nghiệp, chuyên gia, người tiêu dùng sẽ cùng tham gia đóng góp, phân tích điểm yếu, điểm mạnh của từng phương án khác nhau. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ lắng nghe, tiếp thu, đánh giá, đề xuất cơ quan có thẩm quyền để lựa chọn phương án nào đem lại hiệu quả lớn nhất cho nền kinh tế” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Tăng cường giám sát, đảm bảo an toàn, ổn định thị trường chứng khoán

Ngày 5/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Chỉ thị số 02/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, ổn định thị trường chứng khoán.

Tại chỉ thị này, Bộ trưởng giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tín dụng, Vụ Pháp chế, Cục Tài chính doanh nghiệp, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán và các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát tổng thể Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định mới phù hợp với sự phát triển của thị trường, hạn chế nguy cơ gây mất an ninh, an toàn của thị trường, bảo vệ doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Chỉ thị của Bộ trưởng cũng giao UBCKNN chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Việt Nam, Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh, Sở GDCK Hà Nội tăng cường giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, thành viên giao dịch; thẩm định chặt chẽ các hồ sơ đăng ký niêm yết/đăng ký giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp, chú trọng kiểm soát chất lượng, đảm bảo tính chính xác của hồ sơ, đặc biệt lưu ý các công ty có hiện tượng tăng vốn nhanh, các công ty mới thành lập, doanh thu chưa tương xứng với quy mô vốn, chưa có sản phẩm, định hướng kinh doanh rõ ràng,...