Khí phách Việt Nam, ước vọng Việt Nam
Việt Nam là nhân tố quan trọng đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Ảnh: TL

Bình minh rực rỡ

Vào ngày đầu tiên của năm 2024, trang tin Equilibrium Global (Argentina) đăng bài viết tựa đề “Việt Nam: “Tiếp tục phát triển ngoại giao cây tre”, kèm minh họa là bức tranh làng quê Việt Nam đẹp mê đắm lòng người trong ánh bình minh rực rỡ lóe lên trên những ngọn tre mềm mại xanh mướt. Ban mai tỏa bóng vàng óng xuống những người nông dân với trang phục màu xanh lá tre đang say mê trong vũ khúc với thân tre mảnh mai, dẻo dai, đầy sức sống, có người như bay vút lên cùng ngọn tre đến tận trời xanh, tạo nên một bức tranh đầy lãng mạn, nên thơ mà ngút ngàn hào khí Việt Nam.

Bài viết nhận định, trường phái “Ngoại giao cây tre Việt Nam” cho thấy sự cân bằng chiến lược trong mối quan hệ với các nước lớn và với thế giới, dựa trên nguyên tắc cốt lõi là lợi ích dân tộc, độc lập, tự chủ trong quan hệ đối ngoại, những nguyên tắc đã ăn sâu vào tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tạo nền tảng cho đường lối đối ngoại của Việt Nam. Những hoạt động sôi nổi của Việt Nam tại các cơ chế đa phương lớn nhất thế giới đã thể hiện đầy đủ vị thế, vai trò và đóng góp ngày càng tích cực và chủ động của Việt Nam.

Cũng bình luận về trường phái "ngoại giao cây tre" của Việt Nam, trong bài viết đăng tải ngày 28/12/2023, hãng tin Reuters (Anh) cho rằng năm 2023 Việt Nam tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu quan trọng trong các mối quan hệ quốc tế nhờ chính sách đối ngoại linh hoạt, theo trường phái này. Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện” vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, nhân chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam vào tháng 9/2023. Trong chuyến thăm này, hai nước ký kết thỏa thuận hợp tác về chất bán dẫn, khoáng chất thiết yếu trong sản xuất chip bán dẫn. Hoa Kỳ coi Việt Nam là một trong những "mắt xích" chiến lược ở Đông Nam Á trong nỗ lực của Mỹ nhằm thiết lập một chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững.

Cảm ơn Việt Nam!

Hình ảnh một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thuỷ chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm ngày càng nổi bật trên trường quốc tế. Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres trong nhiều cuộc điện đàm với lãnh đạo cấp cao Việt Nam đều khẳng định: “Việt Nam là nhân tố quan trọng đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới”.

Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm đề cử gánh vác nhiều trọng trách quốc tế quan trọng trong các cơ chế, diễn đàn đa phương, nhất là trong ASEAN và Liên Hợp quốc như ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc 2023 - 2025, Ủy ban liên chính phủ Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO, Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2023 - 2027… Việt Nam đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế như cắt giảm khí thải và chống biến đổi khí hậu; cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện sứ mệnh giữ gìn hoà bình của Liên Hợp quốc ở châu Phi...

“Cảm ơn Việt Nam!” - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thốt lên như vậy khi gặp đoàn cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam tại hai tỉnh Hatay và Kahramanmaras. Và bất kỳ nơi nào trên địa cầu, ở nơi nào vang lên hai tiếng “Việt Nam”, ở đó có sự ấm áp của nghĩa tình, của trách nhiệm.

Tiếp theo, Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên "Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới" nhân dịp Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng thăm chính thức Nhật Bản tháng 11/2023, đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Việt Nam và Nhật Bản nhất trí tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế. Các công ty đa quốc gia của Nhật Bản như Canon, Honda, Panasonic, Bridgestone nằm trong số những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Vào thời điểm gần khép lại năm 2023, Việt Nam và Trung Quốc cùng thống nhất làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương thông qua tuyên bố chung về xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai" Việt Nam - Trung Quốc, nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, từ ngày 12-13/12. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của ông Tập Cận Bình tới một quốc gia châu Á trong năm 2023. Trong chuyến thăm này, các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương của hai nước đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác, liên quan đến các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, thương mại, an ninh và kinh tế số… với nhiều cam kết sâu rộng.

Trước đó, tháng 12/2022, Việt Nam và Hàn Quốc đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên “Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện" tập trung vào hợp tác thương mại, đầu tư, quốc phòng và an ninh và đến tháng 6/2023, Việt Nam - Hàn Quốc ký 17 thỏa thuận bổ sung, bao gồm các thỏa thuận về an ninh và khoáng sản quan trọng trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol…

Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện (Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa mới được bổ sung vào nhóm này trong quý IV/2023), 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Việt Nam hiện hữu, ghi dấu ấn trên nhiều diễn đàn, hội nghị cấp cao của thế giới, khu vực như Liên Hợp quốc, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APEC)…Việt Nam ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế, bao gồm các nước công nghiệp phát triển.

Năng lực nhảy vọt

Khí phách Việt Nam, ước vọng Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TL

Bắt tay với các cường quốc với vóc dáng ngẩng cao đầu, Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới đã có được tư thế vươn lên mạnh mẽ cả về thế và lực. Dải đất xinh đẹp hình chữ S đã trở thành một quốc gia tầm trung với quy mô kinh tế đứng thứ 36 thế giới, thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng của khu vực và thế giới, vừa qua đã lọt vào tốp 30 nền kinh tế có giá trị xuất khẩu lớn nhất thế giới, đóng vai trò ngày càng tích cực ở nhiều thể chế đa phương khu vực và quốc tế.

Những ngày cuối năm 2023, Báo cáo của Fitch Ratings (Mỹ) có bài phân tích về về vị trí mới của kinh tế Việt Nam trên toàn cầu. Nêu Việt Nam được nâng hạng tín nhiệm Nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) lên mức “BB+” phản ánh triển vọng tăng trưởng trung hạn thuận lợi nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh, Fitch cho rằng điều này sẽ giúp cải thiện cơ cấu tín dụng của Việt Nam.

Năm 2022, vốn FDI thực hiện của Việt Nam là 22,4 tỷ USD (khoảng 6% GDP), tăng so với mức 19,7 tỷ USD trong năm 2021. Năm 2023, vốn FDI thực hiện của của Việt Nam ước đạt khoảng 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022 và là mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay. Nguồn tài chính từ bên ngoài đổ về Việt Nam cũng được đánh giá cao, khi dự trữ ngoại hối năm 2023 đạt khoảng 100 tỷ USD.

Theo nhiều đánh giá độc lập, Việt Nam có khả năng cạnh tranh về chi phí, lực lượng lao động có trình độ so với các nước khác và có mặt trong nhiều FTA, cả khu vực và toàn cầu. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy, dòng vốn FDI sẽ vẫn tiếp tục mạnh lên, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia vào đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Fitch dự báo, tăng trưởng trong trung hạn của Việt Nam có tín hiệu thuận lợi, ở mức khoảng 7%.

Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới, Trung tâm Kinh tế và nghiên cứu kinh doanh (CEBR - Anh) vừa công bố, nhận định dòng FDI mạnh mẽ từ các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt từ các “nguồn vốn” hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, EU… đang củng cố cho tiềm lực phát triển của Việt Nam.

CEBR đánh giá Việt Nam là một trong hai nền kinh tế Đông Nam Á có năng lực “nhảy vọt” trong bảng xếp hạng World Economic League Table (WELT) trong giai đoạn từ nay đến năm 2038. Trên WELT, Việt Nam hiện ở vị trí 34, năm 2024 Việt Nam sẽ tăng 1 hạng lên thứ hạng 33 và sau đó sẽ tiếp tục lên nhanh, lên vị trí 24 vào năm 2033, trước khi trở thành nền kinh tế thứ 21 thế giới vào năm 2038.

Theo CEBR, Việt Nam đứng trước viễn cảnh 15 năm tiếp theo rất khả quan. Với ưu thế dân số, nhiều khả năng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Với dân số đông và tương đối trẻ, Việt Nam có cơ hội vượt qua gần hết các quốc gia hiện nay trong ASEAN về kinh tế, như Singapore, Thái Lan, Malaysia, để đến 2038 chỉ đứng sau Indonesia và nằm trong top 25 nền kinh tế thế giới.

Hồi tháng 11/2023, một bài viết trên trang moneyweek.com (chuyên về phân tích đầu tư của Anh) với tựa đề "Việt Nam, con hổ kinh tế mới của châu Á, đang phát triển mạnh mẽ, nhà đầu tư lưu ý" đã khẳng định chỉ hai thập niên trước, Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Giờ đây, đất nước này là một trung tâm thịnh vượng của khu vực với dư địa lớn để phát triển hơn nữa. Việt Nam thống lĩnh trong lĩnh vực điện thoại thông minh từ khoản đầu tư khổng lồ của tập đoàn Samsung. Việt Nam đang có kế hoạch chuyển dịch từ ngành dệt may và lắp ráp “thâm dụng lao động” sang các lĩnh vực có lợi nhuận cao như chất bán dẫn. Điều này đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Việt Nam trước áp lực ngày càng lớn trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Theo bài viết, Việt Nam được mệnh danh là con hổ châu Á mới, gợi nhớ đến sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore trong nửa sau thế kỷ XX. Các nhà đầu tư chắc chắn hy vọng rằng, Việt Nam có thể noi gương những "con hổ" trước đó để vào nhóm thu nhập cao, được WB định nghĩa là những quốc gia có tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người trên 13.845 USD, dù con đường để đạt được mục tiêu không dễ dàng.

Những vầng sáng đẹp, những người bạn tôi

Hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trích dẫn câu của đại thi hào người Ireland William Yeats - “Khi nghĩ về nơi khởi đầu và kết thúc của những vầng sáng đẹp, tôi nói rằng đó là nơi của những người bạn tôi”, bày tỏ mong muốn của Việt Nam xây đắp các mối quan hệ hữu nghị trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ.

Mùa thu năm 2023, lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ thăm cấp Nhà nước, đàm phán, ký Tuyên bố chung nâng quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Ban đầu, Tổng thống Joe Biden mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ. Tuy nhiên, do điều kiện chưa cho phép, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa thực hiện được chuyến thăm đó và đã gửi thư mời Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam. Để thực hiện chuyến thăm Việt Nam, phía Hoa Kỳ đã có những nỗ lực chưa từng có tiền lệ: điều chỉnh chương trình hoạt động đối ngoại của cả Tổng thống và Phó tổng thống. Tổng thống đã cử Phó tổng thống dự cấp cao Đông Á tại Indonesia thay ông và bản thân ông đã rút ngắn chương trình họp G20 tại Ấn Độ để thực hiện chuyến thăm Việt Nam.

Dù chuyến thăm Việt Nam ngắn và phải kịp về nước trong ngày 11/9 để có tuyên bố nhân ngày quốc lễ của Hoa Kỳ, Tổng thống Joe Biden đã có cuộc hội đàm và hội kiến với tất cả bốn lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lần đầu tiên một Tổng thống Hoa Kỳ đã đến nhà tòa nhà Quốc hội để hội kiến Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và chứng kiến Lễ trao kỷ vật chiến tranh của các cựu chiến binh hai nước. Hành động của Tổng thống Joe Biden đã thể hiện sự tôn trọng của Hoa Kỳ với thể chế chính trị của Việt Nam cả trong lời văn của Tuyên bố chung và cả trên thực tế. Xuyên suốt các cuộc gặp cấp cao, Tổng thống Biden tái khẳng định Hoa Kỳ coi trọng quan hệ với Việt Nam, ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng, tiếp tục đổi mới, mở rộng hội nhập quốc tế, đảm nhận vai trò ngày càng quan trọng trong ASEAN và khu vực.

Mùa đông năm 2023, 21 loạt đại bác rền vang, Hà Nội đón chào Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm lịch sử từ ngày 12-13/12, mở ra một chương mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. “Đây là lần thứ ba tôi đặt chân đến đất nước Việt Nam tươi đẹp kể từ khi đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, cảm thấy vô cùng thân thiết, giống như đến thăm họ hàng, láng giềng. Trung Quốc và Việt Nam núi sông liền một dải, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, chia sẻ tương lai chung. Với lý tưởng chung, Chủ tịch Mao Trạch Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối hai nước kết mối giao tình, thấu hiểu lẫn nhau, chung tay gây dựng mối tình hữu nghị truyền thống Trung - Việt “vừa là đồng chí, vừa là anh em”” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã chia sẻ như vậy trong một bài viết được đăng tải trên truyền thông Việt Nam.

Từ việc coi trọng cao độ quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước, với những thành tựu của quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện trong 15 năm qua và trước những yêu cầu mới, hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình.

Trước đó, vào tháng 10/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường (BRI) lần thứ 3 do Trung Quốc tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân vào tháng 6/2023, dự Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh thương mại - đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tại Nam Ninh vào tháng 9/2023. Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai thăm và làm việc tại Trung Quốc vào tháng 4/2023. Cho đến nay, đã có gần 60 tỉnh, thành của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh, thành của Trung Quốc.

Cùng với việc phát triển quan hệ với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, đối tác lớn, quan trọng, các nước bạn bè truyền thống như Lào, Campuchia, Cuba, các nước ASEAN, Nga, Ấn Độ...