Số dư Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 còn trên 1.129 tỷ đồng
Gia tăng tiện ích trong thanh toán cho đơn vị giao dịch
Liên thông các ứng dụng nghiệp vụ giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho công chức kho bạc
Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 63 điểm cầu tại Kho bạc các địa phương và 1 điểm cầu tại Trung tâm điều hành Bộ Tài chính.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ trụ sở Kho bạc Nhà nước với 63 điểm cầu tại Kho bạc các địa phương và 1 điểm cầu tại Trung tâm điều hành Bộ Tài chính. Ảnh: H.Vân.

99,4% cá nhân, tổ chức hài lòng

Năm 2021, tuy phải đối diện với nhiều tác động của đại dịch Covid-19, song, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) vẫn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong công tác xây dựng, triển khai các đề án, chính sách, KBNN đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 – 2030, làm kim chỉ nam để KBNN đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa trong thời gian tới.

KBNN cũng chủ động nghiên cứu và trình Bộ Tài chính ban hành 6 thông tư thuộc lĩnh vực nghiệp vụ KBNN, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ nhằm tiếp tục đổi mới, cải cách công tác quản lý ngân quỹ nhà nước, quỹ ngân sách nhà nước và tổng kế toán nhà nước.

Về quản lý thu NSNN, bám sát dự toán thu, KBNN các cấp đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách; cung cấp thông tin số liệu thu ngân sách thường xuyên cho các cấp có thẩm quyền, phục vụ kịp thời công tác điều hành thu ngân sách các cấp.

Tính đến hết ngày 15/12/2021, lũy kế thu NSNN trong cân đối đạt 1.438,89 nghìn tỷ đồng; bằng 107,11% so với dự toán năm 2021 được giao. Trong đó: Thu ngân sách trung ương đạt 101,13% so với dự toán năm; thu ngân sách địa phương đạt 114,44% so với dự toán năm.

Trong năm 2021, tính đến ngày 15/12, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát đối với các khoản chi thường xuyên đạt 883,1 nghìn tỷ đồng, bằng 83,1% dự toán; chi đầu tư đạt 302,2 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán. Thông qua công tác kiểm soát chi, hệ thống KBNN đã từ chối thanh toán với số tiền 22,6 tỷ đồng.

Năm 2021 cũng là năm đầu tiên KBNN cung cấp 100% thủ tục qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt tỷ lệ 100%; số lượng giao dịch chứng từ chi NSNN phát sinh hàng tháng đạt trên 99%.

Trong năm 2021, KBNN đã triển khai khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống KBNN đạt 99,4%, đây là một trong các kênh thông tin để đánh giá hiệu quả cung cấp dịch vụ công của KBNN, giúp KBNN cải thiện chất lượng phục vụ cá nhân, tổ chức.

Năm 2021, KBNN được giao một nhiệm vụ mới là quản lý Quỹ vắc-xin phòng Covid-19. Ban Quản lý Quỹ đã chủ động phối hợp, chặt chẽ với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ khẩn trương hoàn thiện đầy đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động của Quỹ; thực hiện công khai số tài khoản tiếp nhận ủng hộ, số điện thoại đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Tính đến hết ngày 15/12/2021, tổng số tiền ủng hộ Quỹ đạt: 8.799,85 tỷ đồng của 573.247 lượt tổ chức, cá nhân và bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 55,9 tỷ đồng. Chi từ Quỹ 7.648,7 tỷ đồng, trong đó: chi mua vắc - xin 7.639,9 tỷ đồng; chi hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc –xin 8,8 tỷ đồng. Số dư Quỹ là 1.151,15 tỷ đồng.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm

Năm 2022, KBNN xác định mục tiêu và phương châm hành động là: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy trình nghiệp vụ theo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 – 2030; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ; tiếp tục tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống KBNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị”.

KBNN cụ thể hóa mục tiêu nói trên bằng nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030 và triển khai các nhiệm vụ theo lộ trình được phê duyệt.

Cùng với đó là tổ chức điều hành quản lý quỹ NSNN đảm bảo chặt chẽ, an toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của KBNN trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, tăng cường quản lý chi tiêu công; phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu tổ chức tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2022; tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu tại các ngân hàng thương mại; mở rộng phạm vi địa bàn bắt buộc chi trả thanh toán cá nhân qua tài khoản tại ngân hàng.

Hệ thống KBNN cũng sẽ triển khai các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn cho NSNN; tổ chức điều hành ngân quỹ chặt chẽ, an toàn, minh bạch, chủ động và hiệu quả; tổ chức tốt công tác kế toán, thanh toán đảm bảo an toàn, cung cấp thông tin, báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác; thực hiện tốt công tác tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN, Báo cáo tài chính nhà nước năm 2020.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: H.Vân.

Việc cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ cũng sẽ được tiếp tục đẩy mạnh song song với nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn tiền và tài sản Nhà nước giao cho KBNN quản lý. Trong đó, đặc biệt lưu ý thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý tài khoản tiền gửi của KBNN tại ngân hàng; tăng cường các biện pháp kiểm tra thường xuyên và đột xuất đối với các hoạt động nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, giảm thiểu rủi ro, sai sót, mất an toàn tiền và tài sản Nhà nước giao; chủ động phối hợp với cơ quan công an trên địa bàn thực hiện tốt các biện pháp nhằm bảo vệ an ninh, an toàn tuyệt đối trụ sở, tiền và tài sản trong hệ thống KBNN.

Một số công tác khác cũng sẽ được KBNN chú trọng như: thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tổ chức thực hiện công tác quản lý tài chính, tài sản và xây dựng cơ bản nội ngành tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định, phục vụ tốt nhiệm vụ chuyên môn, chính trị được giao; nâng cao chất lượng công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ và công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo,…