Đáp ứng Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030
Cũng theo Cục Hải quan, Nghị định 167/2025/NĐ-CP (Nghị định 167) được xây dựng, ban hành rất kịp thời và có ý nghĩa thời sự trong thời điểm hiện nay.
Cụ thể, Nghị định này đã quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, kịp thời thống nhất các nội dung trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng mô hình hải quan thông minh, hải quan số và Chiến lược Phát triển hải quan đến năm 2030.
![]() |
Cán bộ hải quan thông quan hàng hoá cho doanh nghiệp. Ảnh: CTV |
Đồng thời, đơn giản hoá, đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải và đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung và tương thích với các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực hải quan.
Ngoài ra, củng cố cơ sở pháp lý về chuẩn cơ sở dữ liệu đầu vào phục vụ quản lý nhà nước về hải quan; công tác trị giá hải quan; thẩm quyền xử lý, thực thi công vụ của cơ quan hải quan trong các hoạt động kiểm tra sau thông quan và điều tra chống buôn lậu; nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.
Đột phá trong cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Điểm quan trọng của Nghị định 167 là để cụ thể hóa Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 71/NQ-CP, Nghị quyết 66/NQ-CP, Nghị quyết số 142/2024/QH15, tại Nghị định 167/2025/NĐ-CP, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung một số thủ tục hành chính theo hướng đảm bảo đơn giản hóa thành phần hồ sơ hải quan, đẩy mạnh số hóa hồ sơ, thực hiện các thủ tục hành chính theo phương thức điện tử, qua đó rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng.
Nghị định 167 có nhiều điểm mới đột phá cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính. Ạ Ảnh: CTV |
Cụ thể, sửa đổi khoản 2 Điều 25 theo hướng chỉ có một số trường hợp được lựa chọn khai theo phương thức điện tử hoặc khai trên tờ khai giấy, góp phần yêu cầu người khai hải quan chuyển qua thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Bỏ nội dung về hồ sơ hải quan đối với hàng hóa trung chuyển tại Điều 44 gồm chứng từ vận tải, bảng kê chi tiết hàng hóa trung chuyển, văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền, thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành.
Sửa đổi khoản 1 Điều 37 về trách nhiệm của người khai hải quan khi thông báo cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, nơi lưu giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm xuất khẩu, theo đó, người khai hải quan chỉ cần có văn bản thông báo có cơ sở sản xuất, cam kết thực hiện sản xuất kinh doanh đúng ngành nghề đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Người khai khải quan không cần xuất trình các chứng từ về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng từ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu về cơ sở sản xuất, mặt bằng sản xuất tại thời điểm nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị.
Đồng thời, bỏ các quy định phải thông báo về Điều lệ tổ chức hoạt động, sổ cổ đông, báo cáo tài chính đối với trường hợp nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu nhưng sau đó thuê gia công lại…
Một số nội dung sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thành phần hồ sơ hải quan, đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục hành chính trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Cụ thể: bỏ “hợp đồng quá cảnh” tại Điều 43 (hồ sơ đối với hàng hóa quá cảnh); bỏ “văn bản của bên nước ngoài thông báo hàng bị trả lại hoặc văn bản của hãng tàu/đại lý hãng tàu thông báo không có người nhận” tại Điều 47 (hồ sơ hải quan tái nhập hàng hóa đã xuất khẩu)...
Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Điểm nhấn nữa của Nghị định 167 là nhằm phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo các chủ trương của Đảng, Nhà nước và giải quyết một số vướng mắc thực tế trong quá trình thực thi và quản lý, Chính phủ (Bộ Tài chính) đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 42, Điều 43 Luật Hải quan liên quan đến điều kiện áp dụng, chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn, doanh nghiệp công nghệ cao và bổ sung Điều 47a về kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ.
Ngày 25/6/2025, Quốc hội đã thông qua Luật 90/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Do vậy, để đảm bảo đồng bộ cơ sở pháp lý, tại Nghị định 167 đã sửa đổi một số Điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, cụ thể là: Điều 10, 11 quy định về chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp và Điều 35 quy định đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ.
Trong đó, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ là: Hàng hoá gia công tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài đặt gia công bán, chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam; Hàng hóa mua bán, thuê, mượn giữa doanh nghiệp Việt Nam với thương nhân nước ngoài và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo quy định tại Luật số 90/2025/QH15 và Nghị định 167 thì hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ là hàng hoá giao, nhận tại Việt Nam theo chỉ định của thương nhân nước ngoài theo hợp đồng mua bán, gia công, thuê, mượn giữa các doanh nghiệp Việt Nam với thương nhân nước ngoài, không phân biệt thương nhân nước ngoài là “có hiện diện” hay “không có hiện diện tại Việt Nam”.
Khi thực hiện quy định nêu trên sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn lớn nhất thời gian qua liên quan đến việc xác định điều kiện “không có hiện diện tại Việt Nam” của thương nhân nước ngoài, đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, đồng thời đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của việc thực thi chính sách./.
Theo cơ quan hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, để triển khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử, chấm dứt việc yêu cầu người khai hải quan phải nộp hồ sơ giấy ngay trong năm 2025 (trừ một số trường hợp đặc biệt) theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, tại Nghị định 167 đã sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định về thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. |