loc

Một nhà máy lọc dầu ở ngoại ô Doha, Qatar

Trong một cuộc họp báo tại thủ đô Doha, ông Youssef Mohamed Al-Jaida cho biết, phần lớn số hợp đồng (có giá trị khoảng 1,5 tỷ USD ) này đều liên quan tới lĩnh vực xây dựng.

Theo ông Al Jaida, các công ty của Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain sẽ bị tác động nhiều hơn so với các đối tác Qatar, trong cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh này; tác động của cuộc khủng hoảng "không chỉ mang tính địa phương mà mang tầm khu vực", song tác động tới Qatar hạn chế hơn vì nước này có rất ít doanh nghiệp kinh doanh tại Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập.

Nhập khẩu từ Saudi Arabia , UAE và Bahrain - chủ yếu là vật liệu xây dựng và thực phẩm - chiếm khoảng 14% tổng kim ngạch nhập khẩu của Qatar.

Ông Jaida nhận định, Quỹ đầu tư của Qatar với khoảng 335 tỷ USD sẽ không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng vì Doha chủ yếu đầu tư ở bên ngoài khu vực vùng Vịnh.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng hiện nay có thể khiến Doha định hình xu hướng mới trong việc tìm kiếm các đối tác khác ngoài khu vực, nhất là ở châu Á hiện cung cấp 32% lượng hàng hóa nhập khẩu của Doha.

Quốc gia giàu tài nguyên khí đốt này hiện đang triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn trị giá 200 tỷ USD tổng cộng, nhằm chuẩn bị cho Vòng chung kết Giải bóng đá thế giới (World Cup) 2022.

Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh đang gây ra những tác động tiêu cực đối với thương mại, tài chính, đầu tư tại khu vực Trung Đông, trong bối cảnh đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới còn mong manh do những chính sách bảo hộ thương mại của các quốc gia.

Các nhà phân tích khu vực Trung Đông cho rằng các nước cần phải kiềm chế, tránh gia tăng căng thẳng, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, "tôn trọng tiếng nói của nhau" mới có thể giúp giải quyết được các vấn đề khu vực./.

Theo TTXVN