Thuế quan mới của Mỹ và những tác động đến nền kinh tế Việt Nam Trung Quốc, Nhật Bản đồng loạt phản ứng mạnh trước chính sách thuế quan của Mỹ |
Việt Nam cần làm gì ngay lúc này?
Theo kế hoạch thuế quan đối ứng mới được Tổng Thống Donald Trump công bố, từ ngày 5/4, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế tối thiểu 10% lên hầu hết các quốc gia, sau đó sẽ tăng có chọn lọc lên đến 30 - 40% từ ngày 9/4.
Riêng với hàng hóa từ Việt Nam, mức thuế có thể lên tới 46%. Đây được xem là bước đi bảo hộ mạnh mẽ nhất trong chính sách thương mại của Mỹ trong nhiều năm qua.
![]() |
Hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có thể phải chịu mức thuế cao. Ảnh minh họa |
Theo TS. Chu Thanh Tuấn - Phó chủ nhiệm nhóm ngành Cử nhân Kinh (Đại học RMIT Việt Nam), các quyết định thuế quan của Chính quyền Tổng thống Trump không chỉ dựa trên tính toán kinh tế, mà còn mang đậm thông điệp chính trị, nhằm thể hiện sức mạnh của vị Tổng thống này với cử tri trong nước. Vì vậy, phản ứng của Việt Nam cần phải mang tính chiến thuật và chiến lược, bao gồm các nỗ lực ngoại giao tức thời, tái cơ cấu trung hạn và cải cách thể chế trong dài hạn.
Ngay trong sáng ngày 3/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp khẩn với lãnh đạo các bộ, ngành chủ chốt nhằm ứng phó với quyết định áp thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam của Mỹ. Tại cuộc họp, Thủ tướng chỉ đạo thành lập tổ công tác phản ứng nhanh và yêu cầu các bộ liên quan phối hợp chặt chẽ, đồng thời thu thập ý kiến từ các doanh nghiệp xuất khẩu lớn. |
Trong ngắn hạn, để giảm thiểu tác động tức thì, Chính phủ và doanh nghiệp phải hành động nhanh chóng và đồng bộ. Trong những ngày tới và tuần tới, cần ưu tiên nỗ lực ngoại giao tức thời, kế hoạch ứng phó của doanh nghiệp và định hình thông điệp truyền thông.
Cụ thể, về nỗ lực ngoại giao tức thời, Việt Nam cần nhấn mạnh vai trò kinh tế chiến lược của mình đối với các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời, đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động theo từng ngành để ngăn chặn những hệ lụy lan rộng.
Về kế hoạch ứng phó của doanh nghiệp, theo vị chuyên gia này, doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng kế hoạch dự phòng ngắn hạn cho nhiều kịch bản thuế quan khác nhau: 10%, 20%, 30% và cao hơn. Các kế hoạch này nên bao gồm điều chỉnh giá bán, tái cơ cấu chi phí, đàm phán lại điều khoản giao hàng và đánh giá tác động với các hợp đồng đã ký trước thời điểm áp thuế.
Về định hình thông điệp truyền thông, “Việt Nam nên tích cực truyền truyền thông rằng, thặng dư thương mại với Mỹ chủ yếu đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ nước này đang hoạt động tại Việt Nam, với lợi nhuận đáng kể quay trở lại các công ty mẹ ở Mỹ. Việc truyền thông lại câu chuyện này là điều quan trọng giúp giảm bớt ấn tượng về sự không công bằng dẫn đến các chính sách bảo hộ” - TS. Tuấn đề xuất.
Hành động trung và dài hạn
Chia sẻ khuyến nghị hành động trung hạn, TS. Chu Thanh Tuấn cho rằng, một khi các rủi ro trước mắt được kiểm soát, cần chuyển hướng chú ý sang giảm thiểu các phụ thuộc mang tính cấu trúc và nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế.
Trong trung hạn, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việt Nam nên tăng cường quan hệ thương mại với các nước thuộc các hiệp định CPTPP, EVFTA và RCEP để khai thác những thị trường tiêu dùng lớn với điều kiện thương mại ưu đãi. Các quốc gia như Nhật Bản, Canada và Liên minh châu Âu là những lựa chọn thay thế giàu tiềm năng.
Cùng với đó là điều chỉnh chuỗi sản xuất. Điều quan trọng là tăng các khâu có giá trị gia tăng trong nước và giảm phụ thuộc vào nguyên liệu trung gian từ Trung Quốc, thường bị soi xét trong khâu kiểm tra xuất xứ từ hải quan Mỹ. Nâng cấp hệ thống truy xuất nguồn gốc và đầu tư vào công nghệ tuân thủ sẽ hỗ trợ cho nỗ lực này.
Ngoài ra, cần tìm hiểu thêm về sản xuất xuyên biên giới: Lắp ráp hoặc đóng gói một phần tại các quốc gia “thân thiện với Mỹ” như Mexico, nơi được hưởng ưu đãi theo USMCA (Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada), có thể bị áp thuế trực tiếp mà vẫn giữ được khả năng tiếp cận thị trường Mỹ.
![]() |
Gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hướng đến người tiêu dùng Mỹ. Ảnh minh họa |
Trong dài hạn, TS. Tuấn cho rằng, cần cải cách thể chế để tăng khả năng chống chịu lâu dài nhằm đảm bảo rằng Việt Nam được chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với những căng thẳng thương mại trong tương lai.
Theo đó, cần ưu tiên siết chặt kiểm soát xuất xứ và minh bạch. Việt Nam phải thực thi nghiêm ngặt quy tắc xuất xứ để ngăn chặn việc hàng hóa Trung Quốc “đội lốt” xuất xứ Việt Nam. Đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm và nếu không kiểm soát tốt, Việt Nam có thể phải đối mặt với các hình phạt bổ sung.
Cùng với đó, thành lập đơn vị theo dõi rủi ro thương mại thường trực, cần thiết lập một tổ chức liên ngành có sự phối hợp giữa khu vực công và tư để theo dõi diễn biến thương mại toàn cầu, xây dựng mô hình đánh giá tác động kinh tế và đưa ra phản ứng chính sách kịp thời.
“Việc tích hợp những cơ chế thể chế này sẽ giúp Việt Nam chuyển từ phản ứng thụ động sang quản trị chủ động và dài hạn. Điều này không chỉ giúp Việt Nam vượt qua “cơn bão” hiện tại mà còn tăng cường vai trò trong hệ thống thương mại toàn cầu” - TS. Chu Thanh Tuấn khẳng định.
Thời điểm này không chỉ là một phép thử về năng lực chống chịu, mà còn có thể trở thành bước ngoặt chiến lược. Việt Nam đang bước vào một trong những môi trường thương mại toàn cầu phức tạp nhất trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, với cách tiếp cận phù hợp, chính cú sốc hiện tại có thể trở thành chất xúc tác cho sự chuyển mình dài hạn. |