Chưa ngừng hỗ trợ khi doanh nghiệp còn cần
Vào thời điểm cuối quý II, đầu quý III/2022, khi xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, Bộ Tài chính đã nhận diện được những khó khăn, thách thức và dự toán thu - chi NSNN ở mức phù hợp.
Những kết quả về các mục tiêu phát triển kinh tế quý I/2023 đã minh chứng những lo ngại đó là có cơ sở. Tăng trưởng GDP quý I chỉ tăng 3,32%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu (6,5% - 7%), lạm phát tăng 5,01% (mục tiêu khoảng 4%), sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm, thu NSNN chỉ tăng 1,3% (tăng/giảm so cùng kỳ năm 2022), trong đó thu 3 khu vực kinh tế (nếu loại trừ thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2022) giảm 6%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng giảm 16,9%; có 40 địa phương thu thấp hơn cùng kỳ.
Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính xác định vẫn coi doanh nghiệp là trung tâm, các chính sách tài khóa tập trung vào hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi trong khó khăn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và kiên định thực hiện lời hứa của mình.
Điểm lại chính sách thời gian qua cho thấy, trong 3 năm qua, tổng giá trị hỗ trợ lên tới hơn 507 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 352 nghìn tỷ đồng; còn số tiền được miễn, giảm khoảng 155 nghìn tỷ đồng.
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ hoa: Văn Chung |
Mới đây, trong bối cảnh nhận thấy nhiều khó khăn khi nền kinh tế bộc lộ những hạn chế, thách thức, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2023; đề xuất giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2023; đề xuất Chính phủ tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đối với tất cả nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% xuống còn 8%; đề xuất tiếp tục giảm 35 khoản phí, lệ phí như phí, lệ phí trong nhiều lĩnh vực…
Sửa đổi đồng bộ, toàn diện chính sách thu
Có thể nói, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được triển khai thực hiện liên tục trong 3 năm 2020 - 2022 với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng chưa từng có tiền lệ. Riêng năm 2022, các giải pháp về gia hạn thời hạn nộp các khoản thuế và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế, tiền thuê đất và các khoản phí, lệ phí có quy mô hỗ trợ ước tính khoảng 233 nghìn tỷ đồng.
Thực tế cho thấy các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên đã góp phần vào những kết quả khả quan trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoạt động của doanh nghiệp, người dân, qua đó đóng góp trở lại vào kết quả hết sức tích cực của ngành Tài chính trong những năm qua.
Năm 2023, dự báo bên cạnh những điều kiện thuận lợi kế thừa từ thành tựu trong phục hồi kinh tế năm 2022, dự báo còn nhiều rủi ro, thách thức từ những biến động khó lường của tình hình thế giới có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, người dân cũng như nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Do đó, từ đầu năm, để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền một loạt các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.
Chính sách thuế đảm bảo nguồn lực cho các mục tiêu vĩ mô Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, chính sách huy động thu ngân sách, đặc biệt là chính sách thuế có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu vĩ mô và và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển. |
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một loạt các quyết sách làm kim chỉ nam để thực hiện trong trước mắt cũng như lâu dài.
Theo đó, từ nay đến năm 2030, Bộ Tài chính sẽ tiến hành nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện, đồng bộ tất cả các luật về thuế.
Trong đó cần đảm bảo việc thực hiện mục tiêu về cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN; phù hợp thông lệ quốc tế, khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Đồng thời, đảm bảo sự đồng bộ giữa cải cách về thể chế liên quan đến chính sách thuế với cải cách thể chế quản lý thuế theo hướng thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế của người dân và doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch của môi trường đầu tư, kinh doanh.
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, trong đó bao gồm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cả trước mắt cũng như lâu dài.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, ngay khi nghị quyết này của Chính phủ được ban hành, Bộ Tài chính sẽ quyết liệt thực hiện các nội dung được phân công, cũng như chỉ đạo sát sao các đơn vị chuyên môn có liên quan nhanh chóng triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ đến với cộng đồng doanh nghiệp.
Điều chỉnh chính sách tài khóa phù hợp thực tiễn Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách tài khóa thời gian qua được điều hành nhịp nhàng, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn nước ta. Về điều hành vĩ mô của Chính phủ, đã có sự phối hợp đồng bộ, linh hoạt giữa các công cụ chính sách. Đặc biệt, chính sách tài khoá đã phối hợp chặt chẽ, hợp lý và hiệu quả với chính sách tiền tệ để hỗ trợ tích cực cho việc phục hồi, thúc đẩy kinh tế phát triển. Với nhiều động thái quyết liệt và phù hợp trong thời gian qua, Chính phủ đã đảm bảo những yếu tố then chốt “khơi thông” các kênh huy động vốn đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính sách tài khóa đã hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, dần chiếm lĩnh thị trường và phát triển trở lại. Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Lê Xuân Trường, các nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp là khá phù hợp, mức độ điều tiết từ thuế của Việt Nam so với các nước phát triển là tương đối thấp. Đặc biệt, việc tiếp tục duy trì chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu đã tạo điều kiện giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính sách chi ngân sách và các giải pháp đẩy nhanh tiến độ chi đầu tư phát triển, một mặt tạo tiền đề phát triển kết cấu hạ tầng sớm cho nền kinh tế, còn là “vốn mồi” thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Do có tác động đến các biến số kinh tế vĩ mô quan trọng như: lạm phát, tiết kiệm, tích lũy, cung và cầu của nền kinh tế, nên hiển nhiên chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đúng đắn có thể dẫn dắt nền kinh tế vượt qua khó khăn. Nguyên lý chung để thành công là cần kết hợp hài hòa cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Đồng thời, phải đảm bảo chính sách có tính ổn định, có thể dự báo và điều chỉnh linh hoạt khi cần thiết trước những diễn biến bất thường do ảnh hưởng của tình hình kinh tế - chính trị thế giới. Trong đó, cần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung triển khai kế hoạch vốn đầu tư công và các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phát huy vai trò vốn “mồi”, kích thích kinh tế, tập trung tháo gỡ khó khăn các thị trường, tập trung thu hút đầu tư nước ngoài. Cùng với đó là tăng cường quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm kinh phí được giao; tăng cường thanh tra, kiểm tra, công khai, minh bạch, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính. |