Làng nghề với bài toán vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường
Làng giấy Phong Khê (Bắc Ninh) bên những ngôi nhà to đẹp là ống khói ngày đêm nhả khói đen ngòm. Ảnh: TL

Ô nhiễm làng nghề đã trở thành “thương hiệu”

Ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm tại các làng nghề nói riêng là vấn đề báo động bấy lâu. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn đang lúng túng trong quản lý và xử lý thực trạng ô nhiễm tại các làng nghề.

Lâu nay, ô nhiễm làng nghề đã trở thành “thương hiệu” của các địa phương. Bất cứ nơi nào có nhiều làng nghề, ở đó, đời sống kinh tế của người dân khá giả nhưng thường trực nguy cơ đối diện với bài toán khó về môi trường. Hơn 1.300 làng nghề và hơn 3.200 làng có nghề trên cả nước ở đủ các lĩnh vực sản xuất khác nhau, ô nhiễm làng nghề là bài toán khó trong nhiều năm qua đối với ngành tài nguyên và môi trường, cũng như chính quyền địa phương. Quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu, thiếu công trình hạ tầng thu gom và xử lý nước thải... các làng nghề trở thành “điểm nóng” ô nhiễm, là nguồn cơn cho “làng ung thư” hiện diện.

Mới đây, Viện Môi trường Stockholm công bố một văn bản khuyến nghị chính sách có tên: “Làng nghề Việt Nam và ô nhiễm không khí do nghề nghiệp: Sự khác biệt giữa tầng lớp kinh tế - xã hội và giới”. Báo cáo này chỉ ra, mặc dù, có thể cùng chung một nghề nghiệp, nhưng những người có điều kiện kinh tế, địa vị và giới tính khác nhau sẽ chịu ảnh hưởng khác nhau từ ô nhiễm môi trường và ô nhiễm không khí. Trong khi đó, những chính sách và quy định hiện nay chưa đủ để bảo vệ người lao động khỏi những tác động khác nhau của ô nhiễm không khí, đặc biệt là ô nhiễm làng nghề.

Trên tinh thần “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, những năm qua, nhiều địa phương đã và đang cố gắng tìm cách ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm từ hoạt động của làng nghề, từ giải pháp thay đổi nhận thức cho người dân đến những giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, quy hoạch... Đó ít nhiều là tín hiệu khả quan về môi trường ở các làng nghề và làng có nghề. Nhưng xét trên bình diện lớn hơn, đó vẫn chỉ là giải pháp “vụn vặt” để phần nào giảm bớt những dấu hiệu “bề mặt” của ô nhiễm.

Nỗ lực sắp xếp quy hoạch lại làng nghề

Làng nghề với bài toán vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường
Rác phế thải ngay cạnh ao hồ tại làng nghề làm hương đen (Hà Nội). Ảnh: TL

Thực tế, đã có rất nhiều hội thảo, đề án khoa học nghiên cứu tìm giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề. Song, vấn đề nằm ở chỗ, đang có sự “vênh nhau” rất lớn giữa trách nhiệm và năng lực của địa phương trong việc giải quyết vấn đề này. Trong khi giải quyết ô nhiễm môi trường trên cả nước còn rất ngổn ngang khiến trung ương và các bộ, ngành trăn trở, thì chuyện làng nghề, đương nhiên phải bắt đầu từ làng, từ xã và phụ thuộc chủ yếu vào sự chủ động, trách nhiệm, sự linh hoạt của chính quyền địa phương. Thế nhưng, nhiều địa phương vẫn còn tâm lý ỷ lại vào ngân sách, lúng túng trong quản lý, hạn chế cả về nhận thức cũng như khả năng hoạch định giải pháp. Những nỗ lực sắp xếp quy hoạch lại làng nghề mà không dựa trên điều kiện tồn tại sống còn của nó, tách nó ra khỏi “hệ sinh thái” ngàn năm, tách nghề ra khỏi “làng”, thực tế đã không thành công.

Chưa kể, những giải pháp tuyên truyền không dựa trên hiểu biết thấu đáo, không phù hợp với cách hiểu của người dân và quan trọng là không chỉ cho người dân biết họ nên làm gì, phải làm gì, dẫn đến nhận thức và hành vi của cộng đồng ở làng nghề đối với vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch chuyển còn chậm. Hoặc một số địa phương đã hoạch định được giải pháp dài hơi, nhưng lại không thể triển khai, bởi mắc ngay ở câu hỏi đầu tiên là “tiền ở đâu?”. Nguồn lực, con người, giải pháp, quy mô… không chỉ bó hẹp trong phạm vi làng, xã.

Làng nghề không giống một doanh nghiệp. Nó có cấu trúc hai trong một, tức là làng và nghề - “làng trong nghề và nghề trong làng”. Các hộ dân làm nghề trong làng nghề là những hộ cá thể, thường thiếu sự hợp tác đủ mức để cùng chăm lo đến môi trường, công nghệ thường lạc hậu, quản lý nghề theo kiểu gia đình truyền thống, khó áp dụng chế tài với cộng đồng nông thôn.

Vì vậy, cần quy định rõ những nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng cần chuyển sang khu quy hoạch cho sản xuất riêng, không được sản xuất trong làng. Đồng thời, tăng cường thanh kiểm tra, xử nghiêm các trường hợp sản xuất kinh doanh núp bóng dưới làng nghề để trốn tránh các nghĩa vụ, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Việt Nam sau 35 đổi mới, nền kinh tế được phục hồi và có sự phát triển vượt bậc, các nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp mọc lên nhiều, nhanh và xen lẫn khu vực sinh sống của người dân. Tuy nhiên việc hàng chục triệu tấn rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, hàng trăm nghìn tấn chất thải nguy hại, rác thải nhựa phát sinh mỗi năm đang là nỗi ám ảnh của người dân.