Đây là số liệu vừa được công bố tại Hội thảo công bố Bản tin cập nhật thị trường lao động quý 2/2016 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức, ngày 17/8.
Cụ thể, quý 2/2016, cả nước có 1.088,7 nghìn người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 16,4 nghìn người so với quý 1/2016 và giảm 55,9 nghìn người so với quý 2/2015.
Trong số những người bị thất nghiệp, có 418,2 nghìn người có chuyên môn kỹ thuật và trong số này thì các nhóm có số người thất nghiệp nhiều nhất là nhóm trình độ đại học trở lên (191,3 nghìn người), cao đẳng chuyên nghiệp (94,8 nghìn người) và trung cấp chuyên nghiệp (59,1 nghìn người).
![]() |
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: MĐ |
Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thuộc nhóm cao đẳng chuyên nghiệp với 6,6%, tiếp theo là đại học trở lên với 4% và cao đẳng nghề là 3,66%. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên là 7,1%, cao hơn so với quý 1/2016 và cùng kỳ năm 2015. Riêng tỷ lệ thất nghiệp trong thành thị là 11,3% , gấp 5 lần tỷ lệ thất nghiệp chung.
Số người thất nghiệp dài hạn (trên 12 tháng) chiếm 22,6% tổng số người thất nghiệp.
Theo ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH để giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng số người có việc làm lên thì chính bản thân người lao động phải chủ động theo dõi thông tin cập nhật về thị trường lao động đang cần gì, người lao động đang có gì. Từ đó, phải hoàn thiện lại kiến thức, kỹ năng mà thị trường lao động cần bởi vì nếu không đáp ứng được các kỹ năng của thị trường lao động thì rất khó tìm được việc làm.
Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề cần chú trọng những ngành nghề mà các doanh nghiệp đang cần. Đặc biệt, trong quá trình hội nhập như hiện nay, sinh viên và người lao động Việt Nam không có cách nào khác là phải học ngoại ngữ. Do đó các trường phải tăng cường quan tâm đến việc đào tạo ngoại ngữ từ khâu tuyển chọn đầu vào đến đào tạo trong trường cũng như thi tuyển đầu ra. Sinh viên và người lao động phải làm chủ được ít nhất một ngoại ngữ là tiếng anh, bởi trong thị trường lao động thời hội nhập, muốn làm việc với các chủ doanh nghiệp nước ngoài hoặc các thị trường lao động khác không có con đường nào khác là học ngoại ngữ./.
Mai Đan