Rà soát vướng mắc 143 dự án BT đang triển khai trên cả nước

Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua đã tổ chức rà soát, tổng hợp, phân loại và xây dựng kế hoạch, lộ trình để có phương án xử lý khó khăn, vướng mắc đã tồn tại nhiều năm, đặc biệt là các dự án BT dở dang và giải quyết theo thẩm quyền, hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án BOT theo quy định của pháp luật và hợp đồng BOT.

Lên lộ trình xử lý các dự án trọng điểm chậm tiến độ
Các dự án chậm tiến độ gây lãng phí nguồn lực.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành có văn bản đề nghị các bộ: Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tư pháp và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát vướng mắc trong quá trình triển khai từng dự án BT của địa phương, cơ quan và đề xuất phương án xử lý đối với từng dự án.

Đến nay, vẫn còn một số địa phương đang thực hiện việc rà soát vướng mắc trong quá trình triển khai từng dự án BT, do vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa có đủ cơ sở để tổng hợp, phân loại và xây dựng kế hoạch, lộ trình để có phương án xử lý khó khăn, vướng mắc.

Tổng hợp khoảng 143 dự án BT đang triển khai trên cả nước, sơ bộ phân loại thành 3 nhóm vướng mắc và đề xuất phương án xử lý đối với từng nhóm vướng mắc.

Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phối hợp với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp, đánh giá những khó khăn của dự án BOT giao thông.

Ngày 27/4/2023, Bộ GTVT trình Chính phủ về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập tại một số dự án BOT.

Theo đó, Bộ GTVT báo cáo Chính phủ về những nguyên tắc, giải pháp tổng thể để xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông, đồng thời đề xuất giải pháp xử lý khó khăn bất cập đối với 8 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý với 2 giải pháp cơ bản.

Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, ngân hàng tín dụng và chấm dứt hợp đồng trước hạn đối với 5/8 dự án; sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước tham gia (tối đa 49%) để tiếp tục thực hiện hợp đồng đối với 3/8 dự án BOT còn lại.

Dự kiến, tổng mức vốn nhà nước để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT khoảng 10.342 tỷ đồng (cập nhật đến tháng 3/2023).

Về thẩm quyền, do 8 dự án BOT trước đây được Thủ tướng Chính phủ là cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo các dự án độc lập, hơn nữa mức vốn nhà nước đề xuất để xử lý khó khăn, bất cập đối với từng dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, do vậy thẩm quyền quyết định giải pháp xử lý khó khăn, bất cập theo quy định pháp luật thuộc Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, việc xử lý khó khăn, bất cập cũng là nhiệm vụ thực hiện theo Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 và Thông báo số 1834/TB-TTKQH ngày 28/11/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải pháp xử lý khó khăn, bất cập dự án BOT giao thông. Hiện nay, Bộ GTVT đang tiếp tục cập nhật ý kiến các Bộ ngành để hoàn thiện trình Chính phủ.

Đang tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho các dự án chậm tiến độ

Bộ Tài chính cũng đã có báo cáo Quốc hội về nhiệm vụ rà soát, tổng hợp, phân loại và xây dựng kế hoạch, lộ trình để có phương án xử lý khó khăn, vướng mắc đã tồn tại nhiều năm đối với các dự án sử dụng vốn ODA không hiệu quả, chậm tiến độ.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp thúc đẩy, giải ngân vốn đầu tư công, tập trung kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, nhất là dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn, các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Lên lộ trình xử lý các dự án trọng điểm chậm tiến độ
Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy dự án đầu tư công tại bộ, ngành, địa phương.

Trong đó, duy trì hoạt động của các Tổ công tác để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư công tại bộ, ngành, địa phương.

Để thúc giải ngân, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương nhằm chỉ ra khó khăn, vướng mắc của từng dự án, kiến nghị giải pháp xử lý phù hợp.

Để tháo gỡ vướng mắc, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư công, qua đó đã phát hiện và đề xuất nghiên cứu, sửa đổi 39 nhóm vấn đề vướng mắc quy định tại các nghị định của Chính phủ và văn bản pháp luật liên quan đến 7 lĩnh vực: đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 20/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 114/2021/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Trong đó quy định: Việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm B, C sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi và phân cấp thẩm quyền phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư.

Việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi là biện pháp quan trọng nhằm rút ngắn thời gian phê duyệt dự án và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài nói riêng.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, định kỳ 6 tháng và hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng báo cáo tổng hợp gửi Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đề xuất kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban chỉ đạo có văn bản chỉ đạo cụ thể nhằm giải quyết khó khăn vướng mắc đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Thời gian tới, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, tổng hợp, phân loại và xây dựng kế hoạch, lộ trình để có phương án xử lý khó khăn, vướng mắc đã tồn tại nhiều năm, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA không hiệu quả, chậm tiến độ; dự án BT dở dang.

Đồng thời, giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án BOT theo quy định của pháp luật và hợp đồng BOT.

"Điểm danh" hơn 1.000 dự án chậm tiến độ

Trước đó, hơn 1.000 dự án chậm tiến độ; dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng đã được Bộ Tài chính điểm tên.

Với 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, cơ quan chức năng đã chấm dứt hoạt động 22 dự án, quyết định thu hồi đất đối với 126 dự án, gia hạn tiến độ sử dụng đất 93 dự án; rà soát để thu hồi đất 25 dự án...

Trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đây là vấn đề nhức nhối của xã hội, gây lãng phí tài sản quốc gia, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế. Theo vị chuyên gia này, nhu cầu nguồn lực lớn nhưng khoản vốn đọng tại các dự án không thực hiện. Bộ Tài chính sau khi đưa ra danh sách cần xử lý triệt để, quy trách nhiệm người đứng đầu, để xảy ra hiện tượng như trên.