Các hiệp hội kiến nghị kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi
Các hiệp hội kiến nghị kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. Ảnh: TL

Các hiệp hội: Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hội Thức ăn chăn nuôi, Hội Chăn nuôi gia súc lớn và Hội Chăn nuôi gia cầm đã ký vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội một số vấn đề của ngành chăn nuôi.

Có từ 6.000 - 8.000 con lợn thịt nhập lậu vào Việt Nam mỗi ngày

Trong bản kiến nghị, các hiệp hội nêu rõ do tác động kép của hậu đại dịch Covid-19, xung đột vũ trang ở các quốc gia khiến tình hình sản xuất, thương mại chăn nuôi trong nước thời gian qua và hiện nay đang phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức.

Giá thức ăn, thuốc thú y, vật tư đầu vào liên tục tăng cao, giá đầu ra của các sản phẩm chăn nuôi luôn đứng ở mức thấp. Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp. Một số thủ tục hành chính bất cập. Tình trạng nhập siêu các sản phẩm chăn nuôi khiến rất nhiều các hộ chăn nuôi, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị thua lỗ kéo dài, đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt trong thời gian tới.

So với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng. Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm thịt trứng gia cầm, chúng ta phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của ta đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà.

Số liệu thống kê năm 2023, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi là 3,53 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ có 515.000 USD. Ngoài ra, còn một khối lượng rất lớn vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập nhập lậu.

Theo phản ánh của cơ quan chức năng và truyền thông, trong năm 2023 và những tuần đầu của năm 2024, mỗi ngày có từ 6.000 - 8.000 con lợn thịt (khối lượng 100-120kg/con) được nhập lậu vào Việt Nam, chưa kể lượng lớn trâu, bò, gà thải loại, gà giống...

Các hiệp hội hội cho rằng, việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi vào nước ta là vấn đề hệ trọng, gây lan truyền dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh nguy hiểm. Trong đó có bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh cúm gia cầm và viêm da nổi cục trên trâu bò.

Cùng với đó, gây áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước vì sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu chính ngạch hiện nay phần lớn là thứ phẩm mà ở các nước họ ít dùng làm thực phẩm, như đầu, cổ, cánh, tim cật, lòng mề, gà đẻ và bò sữa thải loại...

Các hiệp hội lo ngại, với tốc độ nhập khẩu như hiện nay, chỉ 3 - 5 năm tới khi các dòng thuế quan các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu về mức 0% thì Việt Nam sẽ trở thành nước siêu nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Đây có thể là một ngoại lệ, diễn ra quá nhanh. Do đó, nhà nước cần có chính sách và thời gian để người chăn nuôi và doanh nghiệp trong nước có thể thích nghi được, các hiệp hội nhìn nhận.

Các hiệp hội kiến nghị kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi
Sản phẩm thịt lợn nhập khẩu bày bán tại các siêu thị. Ảnh: TL

Khẩn trương xây dựng các hàng rào kỹ thuật và các chính sách thương mại

Trước thực trạng đó, các hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và các bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương; Khoa học - Công nghệ; Công an; Quốc phòng tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Theo đó, đối với nhập khẩu chính ngạch cần khẩn trương xây dựng các hàng rào kỹ thuật và các chính sách thương mại để hạn chế thấp nhất việc nhập khẩu chính ngạch các sản phẩm chăn nuôi.

Cấm tất cả mọi hình thức nhập khẩu và sử dụng các loại vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu theo hình thức này vì sản phẩm chăn nuôi trong nước đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Ngoài ra, Việt Nam có đường biên giới dài, các nước xung quanh chưa phải là những nước có công tác thú y, kiểm soát tốt dịch bệnh. Nếu không có những biện pháp kiểm soát quyết liệt vấn đề nhập lậu, chúng ta không thể kiểm soát được dịch bệnh và sản xuất chăn nuôi trong nước.

Năm 2023, Việt Nam ước nhập khoảng 114 nghìn tấn thịt lợn (chiếm gần 3% tổng tiêu thụ thịt lợn trong nước); 245,6 nghìn tấn thịt gia cầm (chiếm 12%); 179,7 nghìn tấn thịt trâu, bò (chiếm 36% tổng tiêu thụ thịt trâu, bò trong nước).