Nhiều người sập bẫy các chiêu trò lừa đảo

Theo nhận định của Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế số (Bộ Công thương), trong những năm gần đây, thị trường TMĐT Việt Nam ngày càng được mở rộng và trở thành phương thức kinh doanh phổ biến. Năm 2022, quy mô thị trường TMĐT ước đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2021. Với mức tăng trưởng 20%, có thể thấy, trong suốt 7 năm qua, TMĐT Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16 - 30%.

Bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển TMĐT cũng đem lại nhiều thách thức lớn, xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng như: các rủi ro về chất lượng sản phẩm, vấn nạn hàng giả, hàng nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, mức độ an toàn và bảo mật trong các giao dịch qua mạng bị thách thức.

Nguồn: Bộ Công thương Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Công thương. Đồ họa: Văn Chung

Hiện nay 75% người dân Việt Nam đã sử dụng internet, và tham gia mua sắm trực tuyến. Quần áo, giày dép, mỹ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; sách, hoa, quà tặng và thực phẩm… là những loại hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Điện thoại di động tiếp tục là phương tiện chủ yếu thường được người tiêu dùng sử dụng để đặt hàng trực tuyến (chiếm 91%).

Với tính chất đặc thù của TMĐT như người mua và người bán không gặp mặt mà chỉ liên lạc trên môi trường mạng, các công cụ tìm kiếm thuận tiện, cho phép người mua tìm kiếm dễ dàng. Do vậy cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, các đối tượng lợi dụng TMĐT để làm ăn bất chính.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, các phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng; chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian; nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm, nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời…

Bên cạnh đó, phương thức "treo đầu dê, bán thịt chó" cũng hết sức phổ biến. Các đối tượng khi đưa thông tin lên mạng là hình ảnh và thông tin của hàng thật, nhưng khi khách hàng nhận được có thể là hàng giả, hàng nhái mà bản thân nhiều lúc người mua cũng khó phát hiện.

Tuy nhiên, có một bộ phận người dân biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích dùng hàng thương hiệu nổi tiếng, hoặc chưa đủ kỹ năng và thông tin để nhận biết.

Theo trang web Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia), năm 2022, trung tâm đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, trong đó phần lớn là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hình thức lừa đảo phổ biến nhất là giả mạo.

Tăng cường các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn lừa đảo qua mạng

Trong thời gian qua lực lượng chức năng đã phối hợp, phát hiện xử lý nhiều vụ việc vi phạm. Trong năm 2022, Cục TMĐT và kinh tế số tiếp nhận và xử lý 265 lượt phản ánh trên Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT, trong đó bao gồm các hành vi vi phạm chính như: không đăng ký, thông báo website/ứng dụng, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng.

Đơn cử, trong tháng 9/2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất và xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH LEVUCE về hành vi thiết lập website TMĐT bán hàng trực tuyến mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước.

Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lừa đảo qua TMĐT, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) khuyến cáo, người dân cần cảnh giác, không truy cập các đường link, tên miền lạ gửi qua email, điện thoại, tin nhắn hay mạng xã hội. Ngoài ra, không cung cấp thông tin đăng nhập và OTP cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng đại diện ngân hàng.

Lãnh đạo Cục TMĐT và kinh tế số cũng chia sẻ, trong năm 2023, để nâng cao hiệu quả quản lý trong hoạt động TMĐT, đơn vị tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính có phương án, giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu nhằm tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội nói riêng và hoạt động kinh doanh trên không gian mạng nói chung, tăng cường quản lý thuế trong TMĐT.

Vô hiệu hóa 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm

Trong năm 2022, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đã yêu cầu các công ty và tổ chức hoạt động thương mại điện tử gỡ bỏ, khóa 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website vi phạm có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đồng thời, tuyên truyền và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác phối hợp với cơ quan quản lý thị trường, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị chấp hành pháp luật về TMĐT theo Kế hoạch đã được Bộ trưởng Bộ Công thương phê duyệt và các chuyên đề đột xuất theo yêu cầu nhiệm vụ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.