Viện chiến lược và chính sách tài chính

Toàn cảnh hội thảo

Cắt giảm sâu thuế quan những năm sắp tới

Theo tài liệu tại hội thảo, trong giai đoạn từ năm 2002 đến nay, ngoài việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO, năm 2007), Việt Nam đã tham gia các khu vực mậu dịch tự do và ký kết thêm 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương; đồng thời đàm phán xong Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP, đàm phán xong ngày 5/10/2015).

Ngoài ra, Việt Nam đã và đang tiến hành đàm phán 2 hiệp định: Việt Nam – 4 nước Bắc Âu (EFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các hiệp định này đều dựa trên cơ sở lựa chọn đối tác phù hợp với chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020.

Rà soát 10 FTAs mà Việt Nam đã ký kết và tham gia cho thấy, trong giai đoạn 2015- 2020, phần lớn các FTAs sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm sâu và đạt đến mức độ cam kết cuối cùng với việc xóa bỏ thuế quan.

Hiệp định ATIGA, ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) bước vào thời điểm xóa bỏ thuế quan cuối cùng vào 2018. Các FTAs khác như ASEAN –ÚC – Niuzilan (AANZFTA), ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) và Việt Nam – Chi Lê (VCFTA) sẽ có mức lộ trình giảm thuế dài hơn, tới các năm 2022 (AANZFTA); 2026 (AJCEP); 2030 (VCFTA).

Đối với WTO, ông Trương Bá Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho biết, về cơ bản đến năm 2015, Việt Nam đã thực hiện cắt giảm thuế theo các cam kết WTO đối với hầu hết các mặt hàng thuộc danh mục cắt giảm thuế.

Riêng một số mặt hàng như ô tô, xe máy và phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy sẽ thực hiện cắt giảm thuế vào năm 2018. Tuy nhiên, các FTAs song phương và khu vực mà Việt Nam đã ký kết có mức cam kết cao hơn về thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng này.

Đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính, trong hội nhập WTO nói riêng và các FTAs nói chung, các công ty bảo hiểm, chứng khoán và ngân hàng nước ngoài được mở văn phòng đại diện, liên doanh từ năm 2007. Việc thành lập công ty 100% vốn nước ngoài và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam được điều chỉnh theo lộ trình 5 năm tiếp theo (2007- 2012) tùy từng lĩnh vực.

Cam kết trong lĩnh vực bảo hiểm chỉ cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam (từ năm 2008) và mở chi nhánh (từ năm 2012).

Trong khi đó, đến năm 2012, các công ty chứng khoán nước ngoài mới được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, mở chi nhánh tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đưa ra một số quy định thận trọng nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính như: hạn chế vốn góp của bên nước ngoài, giới hạn các dịch vụ được phép cung cấp; hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Thuế nhập khẩu giảm kích thích tăng nguồn thu trong nước

Bà Đào Thu Hương- Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, việc ký kết và tham gia vào các FTAs có những tác động tích cực, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức về thu NSNN. Trong những năm tới, cải cách hệ thống chính sách thuế cần hướng tới bù đắp sự sụt giảm nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu; củng cố các sắc thuế nội địa để giảm sự phụ thuộc của NSNN vào các yếu tố bên ngoài; xây dựng một hệ thống thuế hài hòa, công bằng, động viên hợp lý các nguồn thu vào NSNN và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, tác động của việc cắt giảm thuế quan đến thu NSNN cũng cần được nhìn nhận ở cả khía cạnh tích cực.

Theo bà Hương, mặc dù thực hiện cắt giảm hàng rào thuế quan theo các cam kết FTAs, song xét về tổng thể thì tỷ lệ thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK- bao gồm 4 khoản: thu thuế XNK, thu từ thuế TTĐB hàng nhập khẩu, thuế GTGT hàng nhập khẩu) so với GDP sau một số năm giảm thì trong giai đoạn 2006- 2012 lại có xu hướng tăng dần và đến năm 2012 giảm mạnh, sau đó tăng trở lại trong năm 2013- 2014.

Tỷ lệ thu NSNN từ hoạt XNK đạt mức bình quân gần 4,9% GDP/năm trong giai đoạn 2007- 2014, cao hơn so với tỷ lệ 4,03% GDP của năm 2006 và tỷ lệ bình quân 4,4% GDP của giai đoạn 2004-2006.

Trong cơ cấu thu từ hoạt động XNK hiện nay, thuế GTGT hàng nhập khẩu (số cân đối) chiếm tỷ trọng lớn nhất (năm 2014 ước chiếm khoảng 45%) và có xu hướng tăng dần những năm qua.

Bên cạnh đó, nếu xét riêng thu từ thuế nhập khẩu thì việc cắt giảm mức thuế nhập khẩu đã làm giảm trực tiếp số thu ngân sách, đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây. Cụ thể, nếu như tại thời điểm trước năm 2010, thu thuế nhập khẩu có những năm đạt trên 3% GDP, thì những năm gần đây đã giảm xuống (năm 2013 khoảng 1,51% GDP).

"Nếu năng lực cạnh tranh không tốt, doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp thị trường, giảm quy mô sản xuất, thậm chí phải đóng cửa. Điều này làm giảm nguồn thu từ thuế TNDN. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu giảm làm giảm giá thành sản xuất của doanh nghiệp sử dụng máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu nhập khẩu, tạo điều kiện để doanh nghiệp tăng lợi nhuận, hoặc mở rộng quy mô sản xuất. Những yếu tố này sẽ góp phần làm tăng nguồn thu thuế TNDN. Sự phát triển của doanh nghiệp cũng sẽ làm tăng thu nhập cho người lao động, từ đó góp phần làm tăng nguồn thu từ thuế TNCN"- bà Đào Thu Hương nhấn mạnh./.

Tác động của cắt giảm thuế quan đối với các khoản thu nội địa là khó đánh giá khi không có cơ sở dữ liệu đầy đủ. Tuy nhiên, nhìn chung các khoản thu nội địa đều có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 1999- 2015 mặc dù các chính sách thu nội địa được điều chỉnh theo hướng mở rộng cơ sở đánh thuế nhưng giảm tỷ lệ động viên. Điều này cho thấy hệ thống thuế đã được từng bước hoàn thiện theo hướng khuyến khích sản xuất kinh doanh để tạo ra các nguồn thu bền vững cho NSNN.

Chi Linh