Sáng 28/6, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) bằng hình thức biểu quyết điện tử, với 462/470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,06%).

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền

Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có bố cục gồm 7 chương và 54 điều, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chỉ đạo, kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; bám sát 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định khi bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo cho biết, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý theo hướng quy định cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền tại TP Hà Nội không chỉ thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô mà cả quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đồng thời, cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của TP Hà Nội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành cho các cơ quan của thành phố Hà Nội để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.

Luật Thủ đô (sửa đổi): Đơn vị sự nghiệp được dùng tài sản công để kinh doanh, cho thuê
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình.

Về chính sách đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, UBTVQH đã cho chỉnh lý các quy định liên quan đến hình thức giao đất, cho thuê đất, thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, quản lý đất đai trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc để vừa phù hợp với thực tiễn, vừa kết nối với các quy định của Luật Đất đai năm 2024, tránh gây xáo trộn quá lớn trong lĩnh vực này ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Đồng thời, để bảo đảm sự tiếp nối của các chính sách, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay, dự thảo Luật bổ sung thẩm quyền của HĐND Thành phố trong việc xác định mức thu, việc thu, nộp, sử dụng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn trả, tiền sử dụng hạ tầng, tiền xử lý nước thải và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với một số trường hợp cụ thể trong phạm vi Khu công nghệ cao Hòa Lạc…

Một nội dung mới được bổ sung trong Luật là về thử nghiệm có kiểm soát. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: không cho phép thử nghiệm trong lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lĩnh vực về biến đổi, chỉnh sửa gen người ; đưa ra nguyên tắc giới hạn các nhóm quy định của pháp luật mà tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm có kiểm soát có thể được phép không áp dụng, trên cơ sở đó, HĐND Thành phố sẽ quyết định phạm vi không áp dụng các quy định của pháp luật phù hợp với từng dự án cụ thể cũng như yêu cầu, mục đích thử nghiệm (khoản 5 Điều 25).

Luật Thủ đô (sửa đổi): Đơn vị sự nghiệp được dùng tài sản công để kinh doanh, cho thuê
Các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Thủ đô

Quy định chặt chẽ về thanh toán hợp đồng BT bằng ngân sách hoặc quỹ đất

Về thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), trên cơ sở nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý nội dung này theo hướng quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các nguyên tắc, điều kiện đối với việc thanh toán hợp đồng BT bằng ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất, bảo đảm minh bạch, khả thi.

Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với yêu cầu thực tiễn (Điều 40).

Cụ thể là: xác định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện dự án, thanh toán, quyết toán dự án và thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với từng loại dự án đầu tư hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước và thanh toán bằng quỹ đất.

Công trình văn hóa, thể thao được nhượng quyền khai thác

Về việc quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng, UBTVQH đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng mở rộng các công trình, hạng mục công trình thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, ngành trung ương đóng trên địa bàn Thành phố cũng được thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư và được nhượng quyền khai thác, quản lý.

Đối với hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước, dự thảo Luật xác định cụ thể các trường hợp được áp dụng, tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư,nguồn vốn thanh toán và thời điểm thanh toán.

Đối với hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, dự thảo Luật xác định rõ loại đất dùng để thanh toán cho nhà đầu tư,tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư, xác định thời điểm giao đất, thời điểm kinh doanh, khai thác dự án đối ứng có sử dụng đất.

Để tạo cơ sở cho việc thực hiện chủ trương xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực, Luật quy định cho phép đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của TP Hà Nội, đơn vị sự nghiệp công lập có cơ sở trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác trên địa bàn Thành phố thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, một số nội dung có hiệu lực muộn hơn (từ ngày 1/7/2025) để bảo đảm thời gian chuẩn bị thi hành.