Chưa đảm bảo tính xuyên suốt

Thời gian qua, tổ chức bộ máy, nhân sự và hoạt động của lực lượng kiểm soát chống buôn lậu ngành Hải quan từ trung ương đến cơ sở từng bước được kiện toàn theo đúng và phù hợp với quy định của Luật Hải quan.

Cụ thể, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chủ động xây dựng tiêu chí và tổ chức thành lập, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý. Cơ cấu tổ chức của các đơn vị làm công tác chống buôn lậu trong hệ thống tổ chức hải quan cơ bản được giữ ổn định; cơ cấu tổ chức cục hải quan được xây dựng đã tính đến đặc điểm của địa bàn quản lý của từng đơn vị.

Phương thức làm việc trong các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức bộ máy hải quan nói chung, lực lượng làm công tác chống buôn lậu nói riêng đã từng bước được cải tiến, đổi mới theo hướng minh bạch, hiệu quả hơn, góp phần tích cực vào quá trình tinh gọn, kiện toàn tổ chức bộ máy.

Tuy nhiên, mô hình tổ chức hoạt động chống buôn lậu của cơ quan hải quan vẫn còn một số hạn chế. Đó là, mô hình tổ chức hoạt động chống buôn lậu được sắp xếp, tổ chức từ năm 1990 đến nay cơ bản cơ bản không thay đổi. Việc tổ chức mô hình, lực lượng làm công tác chống buôn lậu theo chiều ngang.

Lực lượng kiểm soát chống buôn lậu ngành Hải quan sẽ tinh gọn, hiệu quả hơn
Lực lượng hải quan tuần tra, kiểm soát chống buôn lậu trên biển. Ảnh: Đội 1

Ở Trung ương là Cục Điều tra chống buôn lậu (18 đơn vị thuộc cục) quản lý địa bàn toàn quốc. Ở địa phương là cục hải quan các tỉnh, thành phố (đội kiểm soát hải quan, đội kiểm soát phòng chống ma túy; tổ, đội làm công tác giám sát, kiểm soát thuộc chi cục) quản lý theo địa bàn được giao. Cách tổ chức, sắp xếp của hệ thống tổ chức đơn vị làm công tác chống buôn lậu hiện nay chưa đảm bảo tính xuyên suốt trong hoạt động chỉ đạo nghiệp vụ thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Về chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động, cơ quan hải quan là cơ quan được giao một số hoạt động điều tra thực hiện một số hoạt động điều tra ban đầu (không được thực hiện các thẩm quyền của cơ quan điều tra chuyên trách) đối với tội phạm buôn lậu. Hoạt động chống buôn lậu của cơ quan hải quan mới được quy định tại một số địa bàn cụ thể (phạm vi hẹp).

Đặc biệt với địa bàn trên biển chưa có sự phân định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan hải quan và lực lượng cảnh sát biển trong hoạt động chống buôn lậu. Về thẩm quyền của cơ quan hải quan trong chống buôn lậu chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao.

Điều này thể hiện trong quy định thẩm quyền của cơ quan hải quan trong việc ngăn chặn khi phát hiện vi phạm hay cơ chế bảo đảm cho hiệu quả quá trình điều tra xác minh làm rõ vi phạm và thẩm quyền xử lý vi phạm của cơ quan hải quan (hành chính, hình sự) đối với các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hải quan khi thực hiện nhiệm vụ kiểm soát biên giới.

Phân công, phân cấp rõ ràng thẩm quyền

Ông Nguyễn Hùng Anh - Cục trưởng, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, qua nghiên cứu về mô hình tổ chức của hải quan các nước cho thấy, để thực hiện việc kiểm soát biên giới, các quốc gia đều xây dựng một lực lượng hải quan chuyên trách thường lấy tên là cơ quan chống buôn lậu hoặc cảnh sát hải quan (Trung Quốc, Philippines…). Lực lượng kiểm soát chuyên trách này được tổ chức từ trung ương đến địa phương, thường theo hai mô hình chính.

Thứ nhất, cơ quan chống buôn lậu hải quan gồm: Cơ quan chuyên trách chống buôn lậu ở trung ương lấy tên là Cục Điều tra chống buôn lậu; các đội chống buôn lậu thuộc Cục Hải quan Vùng hoặc trực thuộc cơ quan chống buôn lậu trung ương. Với mô hình này, các chi cục hải quan địa phương dù vẫn có chức năng chống buôn lậu, nhưng không có lực lượng chuyên trách, chỉ đơn thuần thực hiện nghiệp vụ thủ tục hải quan.

Mô hình thứ hai, tương tự như mô hình thứ nhất nhưng tại cấp chi cục hình thành đơn vị, bộ phận chống buôn lậu chuyên trách song song với đơn vị hải quan thực hiện thủ tục hải quan.

Lực lượng kiểm soát chống buôn lậu ngành Hải quan sẽ tinh gọn, hiệu quả hơn

Hiện nay, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về cải cách, sắp xếp lại bộ máy nhà nước, tinh giảm biên chế và định hướng tại Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030, ngành Hải quan sẽ sắp xếp, tổ chức bộ máy 35 cục hải quan tỉnh, thành phố thành hải quan vùng. Ông Hùng Anh cho rằng, trên cơ sở đó Việt Nam có thể nghiên cứu học tập kinh nghiệm các nước theo mô hình thứ nhất trong tổ chức theo hải quan vùng.

Cụ thể là xây dựng lực lượng kiểm soát hải quan theo hướng tại trung ương là Cục Điều tra chống buôn lậu, tại địa phương hình thành Đội Chống buôn lậu theo vùng có thể thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, hoặc thuộc cục hải quan vùng.

Cùng với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, ngành Hải quan cần quán triệt, chỉ đạo sát sao để tạo chuyển biến một cách quyết liệt về nhận thức từ các cấp lãnh đạo đến cán bộ công chức về công tác chống buôn lậu; giao chỉ tiêu và đánh giá chỉ tiêu đối với các biện pháp nghiệp vụ hải quan, chỉ tiêu về số vụ việc bắt giữ vi phạm, số vụ việc có dấu hiệu hình sự phải khởi tố hình sự để tăng tính răn đe.

Bên cạnh đó, phân công, phân cấp rõ ràng thẩm quyền của các đơn vị chuyên trách làm công tác kiểm soát hải quan, cán bộ trong đơn vị và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong ngành, đảm bảo cán bộ làm công tác kiểm soát hải quan chấp hành tốt pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác điều tra hình sự có đủ năng lực, phẩm chất và kiến thức pháp luật.

Kiện toàn bộ phận chống buôn lậu

Bộ phận làm công tác chống buôn lậu các cấp từng bước kiện toàn, đảm bảo về cơ cấu, có chất lượng, phương thức hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tương đối phù hợp với từng địa bàn, tạo thuận lợi thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo về an ninh biên giới quốc gia và đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan.