Thu nội địa đã vượt dự toán

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 11 ước đạt 128,8 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 11 tháng ước đạt 1.392,8 nghìn tỷ đồng, bằng 103,69% dự toán, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020 (ngân sách trung ương ước đạt 98,5% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 110% dự toán).

Trong đó, thu nội địa thực hiện tháng 11 ước đạt 107,29 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu nội địa 11 tháng ước đạt 1.144 nghìn tỷ đồng, bằng 100,93% dự toán (cùng kỳ năm 2020 đạt 96,5% dự toán). Thu từ dầu thô tháng 11 ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng ước đạt 38,4 nghìn tỷ đồng, bằng 165,65% dự toán, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 11 ước đạt 17 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 11 tháng ước đạt 209,6 nghìn tỷ đồng, bằng 117,44% dự toán, tăng 24,3% so cùng kỳ.

Sở dĩ, số thu tháng 11 đạt khả quan là do việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, hoạt động sản xuất - kinh doanh dần phục hồi, có tác động tích cực đến số thu NSNN. Bên cạnh đó, trong tháng 11, thực hiện thu vào NSNN khoảng 8,7 nghìn tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất đã hết thời gian được gia hạn, theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Hồng Vân

Theo tính toán của Bộ Tài chính, có 8/12 khoản thu và nhóm khoản thu nội địa đã cơ bản đạt và vượt dự toán, gồm: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (101,6% dự toán), thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (99,7% dự toán), thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (108% dự toán), thuế thu nhập cá nhân (107,9% dự toán), thu về nhà, đất (121,6% dự toán), thu cấp quyền khai thác khoáng sản (158% dự toán), thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác (177,1% dự toán) và thu khác ngân sách (107,2% dự toán). Các khoản thu còn lại (chủ yếu là khoản thu nhỏ) đạt từ 80 - 92% dự toán, trong đó: thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 91,6% dự toán, thuế bảo vệ môi trường đạt 81,9% dự toán, các loại phí, lệ phí đạt 88,5% dự toán...

Ước tính có 55/63 địa phương thu nội địa 11 tháng đảm bảo tiến độ dự toán (đạt trên 90%), trong đó có 50 địa phương thu đạt trên 95% dự toán; 8 địa phương đạt tiến độ thu thấp dưới 90% dự toán. 48 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15%. Một số địa phương thu đạt thấp hơn nhiều so cùng kỳ là Vĩnh Long (bằng 86,6%); Cần Thơ (86,5%); Cà Mau (86,4%); Đà Nẵng (84,4%); Đắk Lắk (84,2%); Kiên Giang (82,4%); Đồng Tháp (81,4%) và Tiền Giang (77,5%).

Ngân sách đã chi hơn 56 nghìn tỷ đồng phòng chống dịch

Về chi NSNN, tổng chi NSNN tháng 11 ước đạt 121,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 11 tháng ước đạt 1.268,86 nghìn tỷ đồng, bằng 75,2% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt gần 294,6 nghìn tỷ đồng, bằng 61,7% dự toán Quốc hội quyết định.

Ngân sách địa phương có thặng dư lớn

Cũng theo Bộ Tài chính, về cân đối ngân sách nhà nước, do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối ngân sách nhà nước 1 tháng có thặng dư; tuy nhiên, cân đối ngân sách trung ương có bội chi, ngân sách địa phương có thặng dư lớn. Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công. Lũy kế đến ngày 26/11/2021 đã thực hiện phát hành được 288 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,51 năm, lãi suất bình quân 2,28%/năm.

Ước tính đến hết tháng 11, NSNN đã chi 56,27 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch (34,34 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (21,93 nghìn tỷ đồng).

Trong đó, trung ương đã chi 25,35 nghìn tỷ đồng, bao gồm: 18,49 nghìn tỷ đồng từ dự phòng ngân sách trung ương (NSTW) năm 2021 để mua vắc-xin và chi cho công tác phòng, chống dịch; mua gạo dự trữ quốc gia xuất cấp cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn, theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ (hỗ trợ cho các địa phương 164 tỷ đồng); 6,337 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi NSTW năm 2020 bổ sung cho Bộ Y tế mua vắc-xin; 523 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW năm 2019 hỗ trợ cho các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.

Các địa phương đã chi từ ngân sách địa phương là 30,92 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 là 7.940,1 tỷ đồng để mua vắc-xin. Bên cạnh đó, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp vật tư, trang thiết bị dự trữ quốc gia cho công tác phòng, chống dịch; xuất cấp 153,4 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ cho nhân dân trong dịp tết, giáp hạt đầu năm và một số địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nỗ lực điều hành thu - chi ngân sách

Có thể nói, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành Tài chính đã hết sức nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ thu và chi ngân sách.

Ngành Tài chính đã triển khai hiệu quả các giải pháp để ứng phó với dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhiều chính sách về thu, chi NSNN đã được ban hành và khẩn trương triển khai thực hiện. Theo ước tính, tổng số tiền thực hiện các chính sách về giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí và lệ phí là khoảng 140 nghìn tỷ đồng.

Tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch, Chính phủ đã ban hành nhiều chế độ, chính sách cho các lực lượng y tế, quân đội, công an tham gia tuyến đầu chống dịch, quy định về chi phí cách ly, khám, chữa bệnh; chi hỗ trợ tiền ăn và bồi dưỡng chống dịch; chi mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện; hỗ trợ người dân...

Để đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống dịch, Chính phủ đã chỉ đạo điều hành NSNN năm 2021 chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, ưu tiên cân đối nguồn lực cho công tác phòng chống dịch. Bên cạnh việc cắt giảm nhiều khoản chi phí không cần thiết, tiết kiệm thêm chi thường xuyên, Chính phủ đã thực hiện thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng NSTW và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch...

Đối với doanh nghiệp, bên cạnh việc hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp về chính sách thuế, phí, tăng cường cải cách thủ tục nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, ngành Tài chính cũng đã triển khai các giải pháp nhằm thu đúng, thu đủ về ngân sách. Tính đến ngày 15/11/2021, cơ quan thuế đã thực hiện 54,88 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp và kiểm tra 755 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; kiến nghị xử lý tài chính 38,7 nghìn tỷ đồng, trong đó thu vào NSNN 8,5 nghìn tỷ đồng (số đã thu nộp là 6,3 nghìn tỷ đồng), giảm khấu trừ và giảm lỗ 28,27 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, ước tính đến hết tháng 11, tổng số đã xử lý được 29,37 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế (trong đó xử lý khoanh nợ 25,87 nghìn tỷ đồng, xóa nợ thuế không còn khả năng thu hồi 3,5 nghìn tỷ đồng), theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội; đôn đốc thu hồi 24,3 nghìn tỷ đồng tiền thuế nợ đọng từ năm trước chuyển sang.

Đối với cơ quan hải quan, tính chung 11 tháng, đã thực hiện 1,84 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra (trong đó 1,67 nghìn cuộc kiểm tra sau thông quan), xử lý thu vào ngân sách nhà nước 758,91 tỷ đồng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bắt giữ 13,09 nghìn vụ vi phạm với trị giá hàng hóa 2,55 nghìn tỷ đồng, xử lý thu vào ngân sách nhà nước 277 tỷ đồng; tích cực xử lý, thu hồi được 550,5 tỷ đồng tiền nợ đọng thuế.

Tình hình dịch bệnh từ nay đến hết năm vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, mặc dù đã đạt những kết quả khả quan, song ngành Tài chính vẫn quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 đã được Quốc hội quyết định.