Ngành Thuế nỗ lực xử lý nợ thuế đảm bảo đúng tiến độ

Khoanh, xóa được trên 36.800 tỷ đồng nợ thuế

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 (Nghị quyết 94) về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế (NNT) không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTC thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết tại cơ quan thuế cấp trung ương và địa phương; xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện nghị quyết; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nghị quyết.

Đồng thời, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 3147/BTC-TCT ngày 19/3/2020 gửi các bí thư tỉnh ủy, thành ủy và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, phối hợp chỉ đạo triển khai nghị quyết. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định số 850/QĐ-BTC ngày 16/6/2020 thành lập Ban chỉ đạo xử lý nợ tại Tổng cục Thuế để xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện và hướng dẫn, đôn đốc các cục thuế thực hiện nghị quyết xử lý nợ. Theo đó, cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập ban chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết xử lý nợ tại địa phương. Đồng thời, cục thuế trình UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết trên địa bàn, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho UBND cấp dưới và các cơ quan chuyên môn của UBND triển khai, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa cơ quan thuế với các sở, ban, ngành tại địa phương trong việc lập hồ sơ, thực hiện xác nhận và xử lý nợ, theo Nghị quyết 94 của Quốc hội.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 69/2020/TT-BTC quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết số 94. Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết từ ngày 1/7/2020 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền thì chưa phát hiện việc lợi dụng chính sách để trục lợi, gây thất thu NSNN.

Theo Tổng cục Thuế, lũy kế từ khi Nghị quyết 94 có hiệu lực 1/7/2020 đến cuối tháng 4/2023, ước toàn ngành thực hiện xử lý được 36.868 tỷ đồng nợ thuế. Trong đó, xử lý khoanh nợ tiền thuế là 28.983 tỷ đồng; xử lý xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 7.885 tỷ đồng.

Thu được gần 15 nghìn tỷ đồng nợ thuế

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian triển khai thực hiện nghị quyết, cơ quan quản lý thuế các cấp đã nhận được sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của UBND các cấp cũng như của các cơ quan chức năng ở địa phương như: cơ quan công an, cơ quan đăng ký kinh doanh, tòa án, cơ quan thông tin và truyền thông... Tuy nhiên, việc xử lý nợ là xử lý đối với NNT nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phát sinh trước ngày 1/7/2020, nhiều trường hợp nợ thuế đã lâu nên hồ sơ, tài liệu bị thất lạc. Do đó, cơ quan quản lý thuế mất nhiều thời gian để thu thập, tìm kiếm, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Đặc biệt, thời gian xử lý nợ được thực hiện trong giai đoạn bùng phát của dịch Covid-19 (giai đoạn 2020 - 2022), giãn cách xã hội trên toàn quốc nên cơ quan quản lý thuế gặp khó khăn trong việc thu thập, xác minh thông tin và lập biên bản có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi NNT đăng ký địa chỉ hoạt động kinh doanh về việc NNT không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký gặp khó khăn. Vì vậy, thời gian xử lý nợ kéo dài.

Giao nhiệm vụ xử lý nợ thuế cho toàn ngành tại hội nghị giao ban vừa qua, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành yêu cầu cơ quan quản lý thuế các cấp tiếp tục tập trung rà soát, xác định đúng các đối tượng được xử lý nợ theo Nghị quyết 94. Từ đó, thu thập, bổ sung, hoàn thiện và lập đầy đủ hồ sơ xử lý nợ theo hướng dẫn tại Thông tư số 69/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với NNT không còn khả năng nộp NSNN.

Đồng thời, cơ quan thuế đối chiếu, xác định chính xác số tiền thuế nợ được khoanh, số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa; xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đảm bảo đúng đối tượng, đúng thẩm quyền; hồ sơ, trình tự thủ tục chặt chẽ theo quy định.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, song song với việc tập trung xử lý nợ thuế, toàn ngành cũng đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thu nợ. Nhờ đó, tính đến cuối tháng 4/2023, số nợ thuế ước thu được 14.908 tỷ đồng, trong đó: thu bằng biện pháp quản lý nợ được 13.780 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ được 1.128 tỷ đồng.

Tổng tiền thuế nợ tăng nhẹ trong tháng 4/2023

Tổng cục Thuế cho biết, tính đến thời điểm ngày 30/4/2023, tổng nợ thuế toàn ngành đang quản lý là 148.926 tỷ đồng, tăng 2,2% so với thời điểm ngày 31/3/2023, tăng 0,9% so với thời điểm ngày 31/12/2022. Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ ước tính đến thời điểm ngày 30/4/2023 là 128.975 tỷ đồng, tăng 2,6% so với thời điểm ngày 31/3/2023.