Ngành vận tải biển, đóng tàu khốn đốn do kinh tế Trung Quốc giảm tốc

Ảnh: marine-knowledge

Các công ty đóng tàu, các hãng tàu vận chuyển đường biển và các công ty điều hành cảng biển đã từng ăn nên làm ra nhờ sự bứt phá của nền kinh tế Trung Quốc và cơn bùng nổ tài nguyên toàn cầu. Song, hiện tại họ lại đang là một trong những đối tượng chịu nhiều thiệt hại nhất khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và nhu cầu thuê giàn khoan dầu khí giảm mạnh do dầu mất giá.

Chỉ số BDI, được tính toán dựa trên giá cước vận tải cho tất cả các mặt hàng từ than, quặng cho đến ngũ cốc giảm 76% kể từ tháng 8 năm ngoái và hiện đang ở mức thấp kỷ lục. Cước vận tải đối với một số tuyến đường biển khởi hành từ châu Á và lưu lượng tàu đến một số cảng lớn trong khu vực đều giảm.

Tại Singapore, cảng lớn thứ hai của thế giới, lưu lượng container hàng hóa giảm đầu tiên trong sáu năm qua ở mức 8,7% trong năm 2015. Cùng thời điểm này, lượng hàng container qua cảng lớn thứ tư thế giới - Hồng Kông cũng giảm 9,5%.

Bên ngoài châu Á, sản lượng container qua cảng lớn nhất châu Âu Rotterdam của Hà Lan cũng thấp hơn 0,5% so với một năm trước đó.

Công ty tư vấn vận tải biển Clarksons Research có trụ sở tại London cho hay, giá trị các đơn hàng đóng tàu trên toàn cầu đã giảm 40%, chỉ đạt 69 tỷ USD trong năm 2015. Trong cùng năm, tỷ lệ tàu không sử dụng bị phá dỡ tăng 15%.

Vài năm trước đây, nhiều công ty đã đua nhau đặt hàng đóng mới tàu nhằm nắm bắt những cơ hội làm ăn khi nền kinh tế toàn cầu được cải thiện và giá dầu tăng vọt. Theo thống kê của Clarksons Research, chỉ trong năm 2013 đã có hơn 1.200 đơn hàng đóng tàu chở hàng, lớn hơn rất nhiều so với 250 đơn hàng vào năm trước đó.

Nhiều tàu được đóng từ năm 2013 vẫn đang hoạt động vì vậy dư thừa lớn nguồn cung trong thời điểm hiện tại là điều không thể tránh khỏi, ông Tim Huxley, Giám đốc điều hành của Công ty cổ phần vận tải biển Wah Kwong ở Hong Kong, nhận định.

Quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất có lẽ là Trung Quốc, vốn đang là nước đóng tàu hàng đầu thế giới. Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, số đơn hàng mà các công ty đóng tàu nước này nhận được đã giảm 50% vào năm ngoái.

Vào tháng 12/2015, Công ty Zhoushan Wuzhou đã trở thành công ty đóng tàu nhà nước đầu tiên của Trung Quốc bị phá sản trong 10 năm qua.

Không chỉ các công ty đóng tàu, các công ty điều hành cảng biển tại đây cũng đang phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ do kinh tế trì trệ.

Doanh thu ở cảng Quốc tế Thượng Hải đạt 7,5 tỷ nhân dân tệ trong quý 3/2015, giảm so với mức 7,6 tỷ nhân dân tệ vào cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng của cảng quốc tế Thượng Hải cũng giảm 18% xuống còn 1,4 tỷ nhân dân tệ. Kể từ đầu năm 2015 đến nay, chỉ số vận chuyển container của Sở giao dịch vận tải biển Thượng Hải đã giảm 27%.

Khó khăn là cơ hội

Trước tình kinh doanh ảm đạm, các chủ tàu vận tải biển đã buộc phải tìm “neo đậu” cho những con tàu không sử dụng của họ. Và ông Saravanan Krishna, giám đốc của International Shipcare – công ty bảo quản tàu và giàn khoan của Malaysia - đã nổi lên như một trong những lãnh đạo doanh nghiệp ngành vận tải biển được biết đến nhiều nhất.

Krishna cho biết trong những ngày này ông liên tục nhận được các cuộc gọi từ các chủ tàu. Kể từ tháng 12 năm ngoái đến nay, nhu cầu gửi tầu tại các cảng của công ty đã tăng 30%.

“Nhu cầu gửi tàu hiện đang rất lớn. Các chủ tàu không chỉ yêu cầu chúng tôi bảo quản một tàu mà là 15 hay 20 tàu cùng một lúc”, ông này cho hay.

Hiện tại, có hơn 102 tàu đỗ tại các bến tàu của Công ty International Shipcare ở khu vực biển thuộc đảo Labuan (Malaysia). Con số này cao gấp đôi so với một năm trước đó./.

Thu Trà (Theo Bloomberg)