lê thanh vân

ĐBQH Lê Thanh Vân bấm nút tranh luận với Bộ trưởng Bộ Công thương. Ảnh: quochoi.vn

150 dự án điện gió đang đợi phê duyệt

Sáng 7/11, các vấn đề liên quan đến ngành điện và một số dự án điện tiếp tục được các ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi liên quan đến các dự án năng lượng tái tạo chậm tiến độ.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, ngoài các dự án đã được duyệt và đưa vào thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ với công suất phát lên tới gần 5.000 Mw, hiện nay chúng ta còn có gần 260 dự án điện mặt trời với tổng công suất khoảng 28.300 Mw đang chờ đợi để được đưa vào quy hoạch.

“Tương tự như vậy có 150 dự án điện gió đang đợi phê duyệt. Ngoài ra còn có 8 dự án lớn về điện khí nhập khẩu cũng đang được nghiên cứu và báo cáo trình Chính phủ. Như vậy, chưa kể đến các dự án lớn về hệ thống hạ tầng, trong đó được truyền tải điện, trạm biến áp đang cần được bổ sung vào quy hoạch để bảo đảm giải toả công suất. Sau khi có chủ trương hướng dẫn của QH về giải thích pháp luật, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành tổng hợp, thẩm định dự án để đưa vào quy hoạch bổ sung để tổ chức triển khai thực hiện ngay trong năm 2020, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Đối với điện gió, theo người đứng đầu ngành Công thương, Chính phủ sẽ có văn bản chỉ đạo để đảm bảo cơ chế mới vẫn khuyến khích phát triển và khắc phục được những mặt hạn chế và phát huy tính tích cực của cơ chế trước đây, đồng thời tạo nên môi trường công bằng và minh bạch cho tất cả các nhà đầu tư liên quan, kể cả điện mặt trời sắp tới sẽ thực hiện như vậy.

“Bộ trưởng nói từ giờ tới cuối năm có giải quyết được hay không?”

Cũng quan tâm đến dự án điện, nhưng ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) hỏi về dự án điện khí hóa lỏng tại tỉnh mình.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công thương đã thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng xem xét để sớm đưa vào bổ sung trong quy hoạch điện để phục vụ cho mục tiêu phát triển. Bộ cũng đã triển khai việc tổ chức xin ý kiến của các bộ, ngành để thẩm định và tổng hợp báo cáo với Thủ tướng Chính phủ theo quy định pháp lý để bổ sung quy hoạch và triển khai thực hiện.

“Mặc dù còn thiếu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng nhưng vừa qua, Bộ Công thương đã có văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung nhà máy điện này vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để có cơ sở triển khai thực hiện. Ngày 29/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp để xem xét đề nghị của Bộ Công thương, bổ sung quy hoạch này và các quy hoạch liên quan” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Thông tin thêm đến ý kiến ĐB, theo Bộ trưởng, Phó Thủ tướng đã có thông báo kết luận và yêu cầu Bộ Công thương phải rà soát, đánh giá tổng hợp bổ sung một số khía cạnh có liên quan đến cả nhà máy Điện Bạc Liêu cũng như các giải pháp để bảo đảm đánh giá về hiệu quả và cũng như tác động chung đến cân đối điện và mặt bằng giá điện... Bộ trưởng cho hay: Bộ Công thương đã thực hiện khẩn trương. Có hai lần báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bổ sung quy hoạch dự án. Chính phủ sẽ xem xét sau khi có ý kiến hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, chưa đồng tình với câu trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) giơ bảng tranh luận. Vẫn lối nói khá thẳng thắn, ĐB khẳng định, dự án này đã hoàn tất thủ tục. Ngày 9/4/2019 tại văn bản của Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho triển khai và trách nhiệm này thuộc Bộ Công thương. Tại phiên họp tháng 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định rằng dự án này không vướng Luật Quy hoạch và đặc biệt là sau đó hai cơ quan của Chính phủ của Quốc hội là Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan chủ trì dự thảo Luật Quy hoạch và Ủy ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra Luật Quy hoạch đều khẳng định dự án này không chịu tác động bởi điểm a khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch.

Thế nhưng theo ĐB Lê Thanh Vân, đến nay, Bộ Công thương vẫn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật Điện lực để kéo dài thời gian triển khai dự án này. Như vậy là không tuân thủ cam kết với nhà đầu tư. "Đây là dự án kỳ vọng rất lớn thu hút đầu tư của cả một vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi chúng ta đang rất quan tâm, Đảng và Quốc hội đều luôn hướng về đồng bằng sông Cửu Long nhưng trách nhiệm của Bộ Công thương là không tích cực” - ĐB nhấn mạnh.

Trước câu trả lời chung chung của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc nhở: “Đề nghị Bộ trưởng trả lời về việc giải quyết rất chậm đối với dự án Điện khí hóa lỏng Bạc Liêu. 8 tháng đầy đủ hết các thủ tục đầu tư, ý kiến của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH cũng đã xem xét việc này. Người dân kêu rất nhiều. Cứ nói chung chung là sẽ xem xét thì rất khó. Đây là một dự án của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đề nghị Bộ trưởng có thể nói là từ giờ tới cuối năm có giải quyết được hay không?”.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, bản thân Bộ Công thương cũng rất mong muốn sớm có được quyết định tổ chức triển khai dự án. Trên thực tế, chúng ta đang thiếu điện và đang rất cần những dự án này. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng: “Tôi chắc cũng không thể nói được là thời điểm nào vì cái này chúng ta sẽ đợi Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ cho ý kiến và sau đó sẽ triển khai theo đúng quy định và hy vọng sẽ sớm thực hiện được việc này vào đầu năm 2020”./.

Minh Anh