![]() |
Lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Thư Kỳ |
PV: Theo quy luật, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I thường tăng do trùng với thời điểm lễ, tết. Ông nhận định ra sao về CPI quý đầu tiên của năm 2025?
![]() |
TS. Nguyễn Minh Phong: Số liệu mới đây được Cục Thống kê công bố cho thấy, trong tháng 3/2025, CPI giảm 0,03% so với tháng trước; tuy nhiên, tăng 1,3% so với tháng 12/2024 và tăng 3,13% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2025, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 3,01%.
Có rất nhiều nguyên nhân mà chúng ta không mong muốn, ảnh hưởng tới chỉ số CPI. Đó là các nguyên nhân khách quan đến từ thị trường hàng hóa thế giới với nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế - xã hội của các quốc gia. Bên cạnh đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt, đặc biệt chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ gây căng thẳng thương mại và ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tổng cầu yếu khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm. Lạm phát có xu hướng hạ nhiệt nhưng vẫn chưa trở về mức mục tiêu của một số quốc gia.
Cùng với đó, điều kiện sản xuất, kinh doanh và phân phối hàng hóa vẫn còn những khó khăn. Nguyên nhân do sự biến động của địa chính trị thế giới, cung cầu hàng hóa thiết yếu cho sản xuất, cung cấp các mặt hàng năng lượng luôn có những biến động mà chúng ta còn phải phụ thuộc lâu dài.
Trong khi đó, những yếu tố bất lợi do thiên tai thời tiết, biến đổi khí hậu gây ra, đi đôi với chi phí sản xuất, kinh doanh còn cao, hệ thống phân phối và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn khiếm khuyết...
Những yếu tố nêu trên đã tác động đến chỉ số lạm phát trong nước. Thêm nữa, đây cũng là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, giá cả tăng theo quy luật đã góp phần đẩy CPI tăng.
PV: Ở góc độ lạc quan hơn, theo ông, đâu là yếu tố góp phần làm giảm áp lực lạm phát, không chỉ trong quý I mà còn từ nay đến cuối năm?
TS. Nguyễn Minh Phong: Như chúng ta đã biết, vẫn còn một số yếu tố góp phần “ghìm cương” lạm phát, đó là: cầu nội địa thấp do người dân thắt chặt chi tiêu; để duy trì cạnh tranh, doanh nghiệp giảm lợi nhuận bằng cách không tăng giá hàng hóa. Cùng với đó, chính sách miễn, giảm thuế, lệ phí đã giúp giảm bớt áp lực lạm phát; chính sách tiền tệ và tỷ giá ổn định, hợp lý.
Đó là những yếu tố giúp Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát ở mức dưới 4% trong suốt một thập kỷ qua.
Hiện chúng ta đã lên 3 kịch bản lạm phát là 3,8%, 4,2% và 4,5%. Trong bối cảnh biến động của thế giới hiện nay, tỷ giá là yếu tố tác động mạnh đến lạm phát trong nước.
Ở kịch bản thấp, tỷ giá USD/VND ổn định và lãi suất chỉ tăng nhẹ, CPI bình quân các tháng còn lại vào khoảng 3,95%. Trong kịch bản cao, bình quân 10 tháng còn lại CPI có thể tăng 4,8%.
Ngoài ra, việc miễn, giảm học phí mới đây cùng nhiều chính sách miễn, giảm thuế phí khác sẽ góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá. Đây đều là kinh nghiệm, tiền đề tốt để kiểm soát lạm phát hiệu quả trong năm nay và những năm tiếp theo.
PV: Dù vậy, vẫn không thể chủ quan trước diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị, cũng như cuộc chiến thương mại trên thế giới. Còn rất nhiều yếu tố dự đoán trong thời gian tới sẽ tác động lên lạm phát tại các nước trên thế giới cũng như Việt Nam. Theo ông, chúng ta cần chủ động trong điều hành ra sao để giữ lạm phát trong mục tiêu đề ra, góp phần giữ vững các cân đối vĩ mô?
TS. Nguyễn Minh Phong: Theo tôi, điều quan trọng là các bộ, ngành, địa phương cần chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng và cập nhật kịch bản điều hành giá đặc biệt là các mặt hàng quan trọng, thiết yếu; các hàng hóa, dịch vụ phải tăng giá theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Đối với kịch bản thấp, dựa trên các yếu tố nội tại và bên ngoài hiện hữu, kịch bản cơ sở dự báo lạm phát của Việt Nam trong năm 2025 sẽ được duy trì ở mức kiểm soát, dưới 4%, phù hợp với mục tiêu mà Chính phủ đặt ra. Kịch bản này được xây dựng dựa trên giả định rằng kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, không xuất hiện các cú sốc lớn từ bên ngoài và các chính sách điều hành được thực thi hiệu quả.
Trong kịch bản rủi ro, lạm phát tại Việt Nam năm 2025 có thể vượt ngưỡng mục tiêu 4%, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô và đời sống xã hội. Kịch bản này có thể xảy ra khi nền kinh tế đối mặt với các cú sốc lớn từ biến động giá năng lượng và khủng hoảng nguồn cung hàng hóa.
Cùng với đó, dự báo lạm phát có thể gia tăng trong bối cảnh Việt Nam duy trì triển vọng tăng trưởng cao.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, đòi hỏi phải đẩy mạnh dòng tiền đầu tư, kể cả đầu tư công và đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, nếu khéo léo trong điều hành thì không phải lúc nào tăng trưởng cao cũng đi kèm với lạm phát cao.
Chúng ta tin tưởng rằng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chắc chắn các nhiệm vụ chỉ tiêu đề ra trong năm 2025 như tăng trưởng GDP, lạm phát sẽ đạt được trong thời gian tới.
PV: Xin cảm ơn ông!