Ngày 9/1, trong phiên thảo luận tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có giải trình cụ thể về ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan đến nội dung điều hành tài chính, ngân sách gồm: bổ sung dự toán nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài; bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021; điều chỉnh dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.

Phản ứng nhanh chóng, linh hoạt, vì lợi ích nhân dân

Về bổ sung vốn viện trợ nước ngoài chưa có trong dự toán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thực tế đây là những khoản viện trợ không có dự toán trước, tùy theo tình hình các tổ chức nước ngoài mới quyết định tài trợ, thường là bất thường và nhỏ lẻ. Điều này dẫn đến việc bị động trong lập dự toán, thường phải căn cứ trên báo cáo sau đó của các địa phương, bộ, ngành để Bộ Tài chính tập hợp.

"Do đặc thù năm 2021, 2022 vừa qua, nguồn viện trợ chủ yếu là hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhiều tổ chức nhập trực tiếp vắc xin, kit test, thiết bị y tế cho các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM)... Khi đó, tình hình hết sức cấp bách, đòi hỏi phải có phản ứng nhanh chóng, kịp thời, nên vì lợi ích nhân dân, có những lúc phải vận dụng linh hoạt nguyên tắc" - Bộ trưởng cho biết.

Theo quy định, để hàng hóa được thông quan, đặc biệt là các mặt hàng thiết bị y tế phải có đầy đủ thủ tục, chứng từ. Vào thời điểm đó dịch đang bùng phát mạnh tại TP.HCM, trong khi Cục Hải quan TP.HCM không cho phép hàng hóa thông quan, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã đích thân nhận trách nhiệm, yêu cầu Cục Hải quan TP.HCM cho phép hàng hóa thông quan để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe, tính mạng cho người dân. Sau đó, số hàng hóa này đã được bổ sung đầy đủ thủ tục, chứng từ...

Đầu tư cơ sở vật chất cho ngành Hải quan, ngành Thuế để quản lý ngân sách hiệu quả.
Đầu tư cơ sở vật chất cho ngành Hải quan, ngành Thuế để quản lý ngân sách hiệu quả.

Về việc điều chỉnh dự toán vay nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, việc điều chỉnh này đảm bảo tổng dự toán Quốc hội phê duyệt không thay đổi, trong khi nếu để đưa sang năm 2023 thì sẽ ảnh hưởng bội chi. Vừa qua, một số địa phương triển khai không hết nguồn vốn, phải xin trả lại, một số địa phương đã triển khai hết nhưng còn khối lượng muốn giải ngân, nên muốn được điều chỉnh. Bộ Tài chính đã tổng hợp dữ liệu từ các địa phương để đề xuất có sự điều chỉnh phù hợp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định, tạo điều kiện cho các tỉnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Đầu tư để nâng cao chất lượng quản lý, điều hành ngân sách

Đối với nội dung điều chỉnh dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, về nguyên tắc tiết kiệm chi thường xuyên đưa vào chi đầu tư là tích cực, hiệu quả, là kết quả của sự “thắt lưng, buộc bụng” để đầu tư phát triển.

Tại phiên họp, có ý kiến đại biểu nêu câu hỏi, liệu có sự “ưu ái” nào trong cơ chế đặc thù với ngành Hải quan, ngành Thuế hay không? Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, tại Nghị quyết của Quốc hội trong nhiệm kỳ trước, cùng với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, nhiều cơ quan, đơn vị cùng được Quốc hội cho phép thực hiện chế độ đặc thù này như Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội…Dự kiến khi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, các cơ quan, đơn vị này đều sẽ thực hiện theo chính sách tiền lương mới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh nhiệm vụ của ngành là cơ quan điều hành chính sách tài khóa, tập trung tham mưu cho Chính phủ thực hiện quản lý thu ngân sách tốt nhất, một mặt đảm bảo chi thường xuyên, đồng thời hàng năm có kinh phí chuyển cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phân bổ đầu tư công… Đây là nhiệm vụ nặng nề mà ngành Tài chính luôn nỗ lực, quyết tâm hoàn thành. Như năm nay, ngành Tài chính đã điều hành vượt thu ngân sách gần 400.000 tỷ đồng, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có bội thu ngân sách.

Giải thích lý do vì sao số vốn đầu tư này không được phân bổ ngay từ đầu năm, đầu kỳ, Bộ trưởng cho hay, việc bố trí vốn đầu tư là nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhu cầu đầu tư luôn rất lớn, trong khi nguồn vốn hạn chế, không thể bố trí hết. Ngay cả trong dự án sân bay Long Thành, một sân bay trọng điểm nhưng lại không được bố trí đầu tư trụ sở cơ quan hải quan để kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu. Sau khi Bộ Tài chính có ý kiến, Chính phủ đã chỉ đạo bố trí trong nguồn vốn của chương trình phục hồi.

Thực tế, nhiều tỉnh có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, muốn kiểm soát phải có cơ quan hải quan, muốn vậy phải có vốn đầu tư công để đầu tư trụ sở. Hiện tại, có một số tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh đã chủ động đầu tư trụ sở, cơ quan hải quan đã bố trí máy móc thiết bị, nhân lực, qua đó năm nay các tỉnh đều có tăng thu ngân sách (từ việc kiểm soát tốt hàng hóa xuất nhập khẩu).

Bộ trưởng khẳng định, đầu tư cơ sở vật chất cho ngành Thuế, Hải quan hiện đại hơn là để phục vụ điều hành, quản lý ngân sách tốt nhất. Những trụ sở nào sau khi sắp xếp, sáp nhập không còn dùng đến thì đều được trả về cho địa phương để bố trí.

Tiết kiệm chi thường xuyên để đầu tư là hướng đi tốt

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, qua theo dõi các nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy những cố gắng của ngành Tài chính trong việc thay đổi biên chế, tổ chức bộ máy, từ đó khiến chi thường xuyên giảm xuống. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, ngành Tài chính vừa qua đã cố gắng sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, giảm được biên chế nên có điều kiện tiết giảm chi thường xuyên để chuyển sang chi đầu tư, đây là một hướng đi tốt, cần được khuyến khích.

Quốc hội thông qua Nghị quyết điều chỉnh một số vấn đề về tài chính, ngân sách

Chiều 9/1, trong phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội đã biểu quyết thông qua với số phiếu tán thành cao Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài; điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Theo đó, Quốc hội cho phép điều chỉnh giảm dự toán vốn vay lại năm 2022 của 7 địa phương, với tổng mức giảm là 1.547,8 tỷ đồng. 7 địa phương khác được điều chỉnh tăng dự toán vốn vay lại (từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ) năm 2022 với tổng mức tăng là 226 tỷ đồng. Tỉnh Bắc Kạn được điều chỉnh tăng dự toán chi trả nợ gốc thêm 33,7 tỷ đồng để thực hiện trả nợ trước hạn.

Về bổ sung dự toán chi nguồn viện trợ không hoàn lại, Quốc hội cho phép bổ sung dự toán NSNN năm 2021 nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) số tiền 14.713,362 tỷ đồng.

Về nội dung điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Quốc hội cho phép giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 của Bộ Tài chính số tiền 2.268,3 tỷ đồng, trong đó, của Tổng cục Thuế là 1.134,8 tỷ đồng, của Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỷ đồng; tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 của Bộ Tài chính, trong đó, của Tổng cục Thuế là 1.134,8 tỷ đồng, của Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỷ đồng; cho phép chuyển nguồn số kinh phí này sang năm 2023 để thực hiện đầu tư 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan theo đề xuất của Chính phủ, thời gian giải ngân đến hết ngày 31/12/2024.

Cũng tại nghị quyết, Quốc hội chấp thuận cho chuyển 5.016,674 tỷ đồng nguồn ngân sách địa phương đã bố trí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 còn dư của 24 địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022 để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định, không sử dụng cho mục đích khác; hủy dự toán số chuyển nguồn không sử dụng hết trong niên độ ngân sách nhà nước năm 2022 theo quy định.