Nối dài hy vọng cho năm 2024
UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long - quần đào Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới, tạo điều kiện du lịch tăng trưởng. Ảnh: TL

Kiên cường thoát khỏi chân tường

Một trong những điểm đến mà Thủ tướng Phạm Minh Chính “xông đất” đầu năm là Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch. Ngày 3/1, dự hội nghị tổng kết công tác năm 2023của bộ này, Thủ tướng nhấn mạnh: "Dân tộc ta không bao giờ khuất phục trước khó khăn, thách thức và trước bất cứ kẻ thù nào. Có những lúc tưởng như chúng ta đã bị dồn vào chân tường và đáy giếng. Nhưng chúng ta vẫn kiên cường, ứng biến rất linh hoạt để vượt lên, để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Sự trở lại của một nghị quyết

Trong suốt 5 năm liên tục từ 2016 đến 2021, nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia - Nghị quyết 02, luôn được ban hành thường niên vào ngày đầu tiên của năm mới cùng lúc với thời điểm ban hành Nghị quyết 01 về điều hành kinh tế xã hội. Nhờ vậy mà cao trảo phát triển doanh nghiệp đã có được khí thế chưa từng có. Nhưng kể từ năm 2022, Nghị quyết 02 được gộp vào Nghị quyết 01.

Trong kỳ họp Chính phủ tháng 5/2023, trước diễn biến vô cùng khó khăn, bất ổn của doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính quyết định cần khôi phục lại nghị quyết hàng năm về cải thiện môi trường kinh doanh, với các nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên nhằm tạo áp lực cho các bộ, ngành, địa phương trong thực thi, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nghiên cứu, xây dựng. Theo đó, năm 2024, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết hàng năm về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vào thời điểm đầu năm, cùng với Nghị quyết 01 về điều hành kinh tế - xã hội như thông lệ.

Thực tế, như với du lịch - một lĩnh vực đã rơi xuống “đáy giếng”, vì đại dịch COVID-19, đến nay đã kiên cường vươn lên. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống, di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo, phát triển và được quốc tế công nhận. Năm 2023, UNESCO công nhận vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới; nâng tổng số di sản của Việt Nam được công nhận lên con số 32. Việt Nam lần thứ hai trúng cử vị trí thành viên của Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027; Đà Lạt và Hội An trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO…

Hà Nội năm 2023 đón 24 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022. Thủ đô cũng đón nhận nhiều tin vui khi liên tiếp nhận nhiều giải thưởng du lịch quốc tế do các tổ chức uy tín bình chọn, vinh danh: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á, Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày và Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á...

Nhìn tổng thể, du lịch Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng bứt phá khi khách du lịch quốc tế năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt (vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách và gấp 3,5 lần năm 2022); khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% kế hoạch; tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38%. Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới năm 2023.

Thủ tướng yêu cầu phấn đấu năm 2024, ngành du lịch đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỷ đồng…

Gắng sống vì cơ hội lịch sử

Nga khuyến nghị Việt Nam là điểm đến du lịch an toàn

Còn với doanh nghiệp - khu vực cũng tưởng như rơi xuống “đáy giếng”, năm 2023 trôi qua với nhiều tháng ngày mà số lượng doanh nghiệp khai tử thường xuyên nhiều hơn khai sinh. Bất ngờ vào lúc “năm cùng tháng tận”, các con số được thống kê về lực lượng này đã vượt mọi dự báo, nối dài hy vọng cho năm 2024. Đó là, năm 2023, có gần 160.000 doanh nghiệp được thành lập mới. Cùng với khoảng hơn 58.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, thì cả nước đã có hơn 200.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường, tăng 4,6% so với năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua.

Ngành dệt may, nơi vừa trải qua một năm khó khăn nhất trong suốt hơn 30 năm, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành giảm 10%, trong đó đơn giá sản xuất giảm 30%, thậm chí có mã hàng tới 50%. Ngay trong ngày đầu năm mới 2024, Tổng công ty May 10 tổ chức lễ ra quân, nêu cao mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 4.500 tỷ đồng, vượt 6,6% so với năm 2023; lợi nhuận 130 tỷ đồng, vượt 5,7% so với năm 2023; thu nhập bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 2,7% so với năm 2023.

Có thể thấy rõ ràng rằng, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ nỗ lực gắng “sống cho ra sống”, mà còn sống để chờ đón, để hòa mình vào cơ hội lịch sử mà ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ra là: cơ hội lịch sử để doanh nghiệp Việt Nam bước chân ra thế giới trong vị thế là đối tác xứng tầm với các doanh nghiệp toàn cầu; khả năng tận dụng cơ hội lịch sử của nền kinh tế khi quan hệ đầu tư, thương mại với các nền kinh tế lớn nhất thế giới, gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc được hy vọng cải thiện mạnh mẽ nhờ nâng cấp quan hệ ngoại giao. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã tự tin bắt tay với các đối tác chiến lược hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ, AI…

Cùng với doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài cũng có chung niềm cảm hứng này với doanh nghiệp Việt, để tìm bến đỗ trên dải đất xinh đẹp hình chữ S. Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, cho hay: “Nhiều nhà đầu tư có mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit), tại San Francisco (Mỹ) vào cuối tháng 11/2023 đã chia sẻ với tôi, họ đang cảm nhận được cảm hứng phát triển của Việt Nam, cảm nhận được cơ hội lớn trong đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam, khi nghe bài phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Bối cảnh thế giới hiện có nhiều khó khăn, biến động bất thường, nhưng chính vì vậy đang tạo ra cơ hội lịch sử cho Việt Nam tranh thủ được tham gia và tạo vị thế mới trong các chuỗi giá trị quốc tế”.

Lá thư cảm ơn của Samsung

Tháng 11 năm 2023, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV bế mạc, ngay sau đó, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam gửi thư cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ để bày tỏ cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi trước hai quyết sách được Quốc hội ban hành rất kịp thời là nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu) và nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thấy rằng: “Trong giai đoạn cạnh tranh, cơ cấu lại các chuỗi cung ứng cũng như các dòng đầu tư như hiện nay, thì quyết sách của chúng ta như vậy là rất tốt đẹp”.

Thuế suất tối thiểu toàn cầu là sáng kiến của Chương trình hành động chống xói mòn thu ngân sách, trốn tránh thuế toàn cầu (BEPS) có sự tham gia của 142 quốc gia. Việc sớm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam là cần thiết để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Đồng thời với đó là nghiên cứu, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới sẽ càng tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.