báo cáo

Việc báo cáo bằng phương thức điện tử giúp tiết giảm chi phí, thời gian cho các đối tượng thực hiện. Ảnh: TL.

Thông tư quy định các nguyên tắc chung trong việc thực hiện các chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất, chuyên đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện báo cáo.

Thông tư nêu rõ, việc ban hành chế độ báo cáo phải bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, cần thiết đối với hoạt động quản lý, không trùng lắp với chế độ báo cáo khác, giảm tối đa yêu cầu về tần suất, nội dung báo cáo nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực trong việc thực hiện chế độ báo cáo. Bên cạnh đó, không được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi cùng một báo cáo nhiều lần đến nhiều đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Báo cáo bằng văn bản điện tử (báo cáo điện tử) là các báo cáo có chữ ký số của người có thẩm quyền, được các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền đăng tải trên Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Tài chính, nhằm phục vụ chia sẻ thông tin, kết nối liên thông với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Trường hợp chưa sử dụng chữ ký số hoặc do yêu cầu công việc hay các trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật, sự việc bất khả kháng, sử dụng hình thức báo cáo bằng văn bản giấy do người có thẩm quyền ký và được đóng dấu theo quy định.

Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện chế độ báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo để thực hiện báo cáo điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổng hợp, chia sẻ thông tin báo cáo và tiết kiệm về thời gian, chi phí cho các đối tượng thực hiện báo cáo.

Giá trị pháp lý của báo cáo điện tử và việc sử dụng chữ ký số thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 29/5/2020./.

Minh Anh